Ngay sau sự kiện trọng đại Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay: “… Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.
Cử tri là đồng bào Ca Dong (Hiệp Đức) đăng ký tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND 3 cấp năm 2011. Ảnh: D.HOÀNG |
Mốc son thời đại
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã thành công. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 là sự kiện mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Từ một dân tộc thuộc địa, nhân dân ta đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và bầu ra Quốc hội một cách công khai, dân chủ. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử còn đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất.
Ngay sau khi ra đời, Quốc hội khóa I (1946 - 1960) đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến theo con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam. Trong 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và ban hành Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 và các đạo luật, nghị quyết quan trọng, nhất là trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại độc lập, tự chủ thành công.
Tiếp nối, noi gương
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ngày 25.4.1976 nhân dân cả nước tham gia tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung khóa VI. Kể từ Quốc hội khóa VI, VII, VIII, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) được hình thành, mỗi khóa có 15 đại biểu. Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 12 đại biểu. Đến ngày 1.1.1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam được phân bổ 7 đại biểu. Quốc hội khóa X, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có 7 đại biểu, và từ Quốc hội khóa XI đến khóa XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có 8 đại biểu.
Noi gương thế hệ đi trước, bằng tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình, các vị ĐBQH đơn vị Quảng Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nhất là tham gia vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH tỉnh, đưa hoạt động của Quốc hội ngang tầm với vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước, cơ quan đại diện cho quyền lợi và ý chí của nhân dân. Thế hệ ĐBQH tỉnh Quảng Nam hôm nay đã và đang viết tiếp những kỳ tích mới, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang 70 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng ta, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Quốc hội, về đất nước và dân tộc Việt Nam anh hùng. Điều đó càng làm tăng thêm nghị lực, niềm tin để chúng ta tiếp tục vững bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, cùng nhau thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thắng lợi.
Những dấu ấn Nhìn lại 70 năm, qua 13 nhiệm kỳ Quốc hội, mỗi một nhiệm kỳ Quốc hội đều gánh trên vai mình trọng trách lớn lao trước vận mệnh của Tổ quốc, tương lai của dân tộc. Quốc hội khóa I (1946 - 1960) đã dẫn dắt đồng bào ta kháng chiến thắng lợi. Giai đoạn 1960 - 1981 với 5 khóa (khóa II, 1960 - 1964; khóa III, 1964 - 1971; khóa IV, 1971 - 1975; khóa V, 1975 - 1976; khóa VI, 1976 - 1981), hoạt động theo Hiến pháp 1959, Quốc hội đã động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn này, khóa VI là Quốc hội chung của cả nước, đã ban hành những quyết định quan trọng nhằm tiếp tục củng cố và phát huy thành quả của cách mạng, xây dựng Nhà nước Việt Nam thống nhất và hoạt động theo Hiến pháp năm 1980. Bước vào thời kỳ Đổi mới, từ năm 1986 đến nay, qua 7 khóa (khóa VII, 1981 - 1987; khóa VIII, 1987 - 1992; khóa IX, 1992 - 1997; khóa X, 1997 - 2002; khóa XI, 2002 - 2007; khóa XII, 2007 - 2011; khóa XIII, 2011 - 2016), Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ, đúng đắn nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Bộ máy, tổ chức của Quốc hội ngày càng được kiện toàn; số đại biểu hoạt động chuyên trách tăng lên (khóa XI: 23,69%; khóa XII: 29,4%; khóa XIII: 30,08%); vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được khẳng định; uy tín của Quốc hội được nâng cao. Hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực, hiệu quả và đã thực hiện tốt chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Diễn đàn của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, tạo không khí cởi mở và làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước ta. |
LÊ PHƯỚC THANH
(Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam khóa XIII)