“Bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, đối diện với cuộc sống này không hề đơn giản, hoặc bạn sẽ trưởng thành hoặc bạn sẽ không là ai cả. Mỗi người có một đam mê và đam mê của tôi là được thực hiện các mô hình kinh tế của nhà nông” - anh Ngô Thanh Phong (SN 1982, ở thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, Thăng Bình) chia sẻ. Chính tâm niệm ấy đã giúp anh trở thành ông chủ trẻ với các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.
Anh Ngô Thanh Phong kiểm tra sản phẩm trước khi xuất hàng. Ảnh: M.B |
Chúng tôi đến cơ sở mây tre đan tìm gặp khi anh Phong đang tỉ mỉ kiểm tra kỹ thuật của lô sản phẩm chuẩn bị xuất hàng. “Bận bịu nhưng thấy vui lắm. Ban đầu làm mây tre đan, mình phải dìu bà con. Một số chị em làm hàng bị lỗi kỹ thuật quá nhiều, mình không dám trả lại hết, chỉ trả vài sản phẩm để về nhà sửa rút kinh nghiệm. Mình mà trả hàng nhiều quá, sợ mấy chị làm thấy nản” - anh Phong tâm sự. Chính nhờ suy nghĩ đó, mà cơ sở của anh ăn nên làm ra. Hiện nay, cơ sở thu hút hơn 40 chị em trong xã nhận sản phẩm gia công với mức thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị Phan Thị Xuân (tổ 2, thôn Vĩnh Xuân) cho biết: “Mấy năm trước xong vụ gieo sạ hoặc gặt lúa, chị em chúng tôi chẳng biết làm gì. Nhưng một năm trở lại đây, nhận hàng mây tre đan của cơ sở anh Phong về nhà làm cũng có đồng ra đồng vào, góp phần trang trải thêm cho chi tiêu gia đình”.
Học xong đại học, có được một công việc phù hợp là điều bạn trẻ nào cũng mong muốn. Nhưng câu chuyện của anh Ngô Thanh Phong thì có thể gọi là “ngược đời”. Tốt nghiệp ngành xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, anh Phong may mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa khác khi có được việc làm đúng chuyên ngành với mức lương 13 triệu đồng/tháng ở TP.Hồ Chí Minh. Thế nhưng, những công trình đã không đủ sức kéo chân anh ở lại. “Sau nhiều lần ngồi cùng bạn bè, nhìn lên những tòa nhà cao tầng có đàn chim yến bay về mỗi ngày, tôi tự hỏi tại sao ở những tòa nhà cao tầng lại có thể nuôi được chim yến. Rồi nghĩ đến mảnh vườn ở quê, tôi nghĩ mình cũng có thể làm được. Chính ý nghĩ đó đã khiến tôi quyết định về quê lập nghiệp vào đầu năm 2012” - anh Phong chia sẻ.
Được cha mẹ đồng tình ủng hộ đứng ra vay ngân hàng 150 triệu đồng, anh Phong quyết chí lập nghiệp với những bước đi thận trọng. Qua các mối quan hệ từ trước, anh nhờ người có kinh nghiệm thiết kế nhà nuôi chim yến, hướng dẫn trang bị các phương tiện kỹ thuật. Thế là nhà nuôi yến với tổng chi phí 400 triệu đồng được hoàn thành từ số tiền vay mượn và tích cóp của anh Phong. Hiện nay, anh đang nuôi hơn 500 cặp chim yến; mỗi tháng cho thu nhập 25 - 30 triệu đồng.
Song song với thời điểm tạo cơ ngơi xây dựng nhà nuôi yến, anh Phong đầu tư 4 chuồng nuôi heo trên nền đệm lót sinh học - mô hình mới trên địa bàn huyện Thăng Bình vào thời điểm đó. “Thấy nhiều người nuôi heo thải nước ra môi trường gây ô nhiễm, tôi lên mạng tìm kiếm các thông tin chăn nuôi an toàn. Qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy nuôi heo trên nền đệm lót sinh học là phù hợp, dễ làm mà nguồn nguyên liệu là trấu và mùn cưa lại dễ kiếm nên đi theo mô hình này” - anh Phong cho biết. Mỗi chuồng đầu tư nuôi 20 con heo, trong 2 năm qua, mỗi năm anh Phong xuất bán 3 - 4 lứa heo, lãi ròng gần 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm từ các mô hình kinh tế, anh Phong thu về gần 500 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Phong luôn tích cực tham gia các công tác xã hội tại địa phương. Các hoạt động ủng hộ chương trình “Thắp sáng đường quê”, giao thông nông thôn, quỹ khuyến học, quỹ người nghèo… anh đều tham gia nhiệt tình.
TẤN MẪN - GIANG BIÊN