Trước nguy cơ thất truyền tiếng nói người Cơ Tu, kỹ sư Phạm Văn Tài đã mày mò thực hiện bộ từ điển điện tử song ngữ Việt - Cơ Tu.
Sau hơn một năm ròng rã tạo phông chữ, viết lập trình và nhập dữ liệu hàng ngàn từ điển, cuối cùng phần mềm từ điển Việt - Cơ Tu của kỹ sư Phạm Văn Tài (33 tuổi) - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - truyền thông tỉnh cũng sắp đến ngày nghiệm thu. Phần mềm tập hợp 9.500 từ điển với giao diện đẹp mắt, tích hợp sẵn công cụ tìm kiếm, cho phép người dùng chuyển đổi nhanh giữa hai ngôn ngữ và thêm từ vào danh sách yêu thích để tiện sử dụng. Ngoài hiển thị ý nghĩa bằng chữ viết, kỹ sư Tài còn đưa vào hình ảnh minh họa ý nghĩa từng từ giúp cho người sử dụng dễ hiểu hơn. Trước đó, vào năm 2009, để phục vụ cho mục đích số hóa ngôn ngữ Cơ Tu, anh đã viết phần mềm bộ gõ tiếng Cơ Tu trên máy tính và đạt giải nhất Hội thi sáng tạo Khoa học - kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ 3.
Kỹ sư Phạm Văn Tài, người thực hiện từ điển điện tử Việt - Cơ Tu. Ảnh: TRẦN THẮNG |
Kỹ sư Tài cho biết, phần mềm từ điển của anh được thực hiện dựa trên nguồn tư liệu tiếng Cơ Tu của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, dù chưa thật sự đầy đủ nhưng có thể đáp ứng tốt nhu cầu giao tiếp thông dụng. Phần mềm được thiết kế theo hướng mở, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể thêm mới hoặc sửa nghĩa của từ để giúp dữ liệu từ điển phong phú hơn. Anh đang ôm ấp ý định đưa thêm chức năng phát âm từ vựng và đưa từ điển này lên hệ thống tra cứu online để mọi người học tiếng Cơ Tu dễ dàng hơn. Hiện tại, từ điển đã được gửi cho các địa phương có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống tại các huyện Tây Giang, Đông Giang sử dụng thử nghiệm và có phản hồi rất tích cực. Chia sẻ lý do thực hiện từ điển điện tử, anh nói: “Việc giao tiếp giữa đồng bào Cơ Tu và người Kinh trước kia rất khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Với việc viết ra hệ thống này, tôi hy vọng các dân tộc sẽ dễ dàng hơn trong việc học tập và giao tiếp lẫn nhau, giúp người Cơ Tu có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài”.
Bà Trần Thị Kim Thu - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học công nghệ, cho biết hiện nay tỉnh đã tổ chức giảng dạy tiếng Cơ Tu cho cán bộ và giáo viên công tác tại các huyện vùng cao. Việc giảng dạy lâu nay vẫn sử dụng bộ từ điển bằng văn bản in truyền thống. Do vậy, phần mềm từ điển điện tử song ngữ Việt - Cơ Tu khi đưa vào sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác giảng dạy tiếng Cơ Tu, giúp cho việc quản lý hành chính và giảng dạy văn hóa cho đồng bào Cơ Tu thêm thuận tiện. “Đây là từ điển điện tử nên rất tiện lợi, dễ làm quen và tra cứu nhanh, phù hợp với xu hướng trong tương lai” - bà Thu nói.
Ông Đoàn Công Thành - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp huyện Tây Giang, đơn vị đang giảng dạy tiếng Cơ Tu cho cán bộ miền núi, hy vọng vào tính khả thi của dự án. Theo ông Thành, đa số cán bộ, giáo viên không có thời gian học tập trung ban ngày nên từ điển điện tử sẽ đơn giản hóa việc học, giúp người học dễ học, dễ nhớ.
TRẦN THẮNG