Trung tâm Đào tạo và Thi đấu TDTT Quảng Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1.2020 trên cơ sở hợp nhất Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam và Trung tâm TDTT. Một chặng đường mới mở ra đối với “lò” đào tạo vận động viên (VĐV) Quảng Nam sau 21 năm thành lập.
Ngôi trường nhiều thành tích
Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam được thành lập vào ngày 1.1.1999. Trải qua 21 năm với không ít thăng trầm, nơi đây đã khẳng định thương hiệu của một “lò” đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao. Điều đó được thể hiện ở những kết quả gặt hái được tại các cuộc tranh tài quốc gia và quốc tế. Theo thống kê, kể từ ngày thành lập đến nay, các VĐV đã mang về tổng cộng 1.441 huy chương, trong đó có đến 360 huy chương vàng (HCV). Điều đáng nói, càng ngày thành tích càng đầy đặn và chất lượng hơn. Nếu như năm 1999 đạt 20 huy chương (trong đó có 7 HCV), năm 2009 đạt 50 huy chương (14 HCV) thì đến năm 2019 tăng lên 191 huy chương (48 HCV). Quy mô đào tạo VĐV những năm gần đây gấp đôi so với thời điểm thành lập nên kết quả cao hơn, nhưng với 220 VĐV như hiện nay thì con số hơn 190 huy chương trong một năm là thành tích đáng nể. VĐV xứ Quảng cũng thành công ở các giải đấu quốc tế khi liên tục góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia và giành được 81 huy chương, trong đó 39 HCV. Đặc biệt, tại tất cả các kỳ SEA Games kể từ năm 1997 đến nay, thể thao Quảng Nam cũng đều để lại ấn tượng với từ 1-2 HCV.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng, việc sáp nhập hai đơn vị ngành TDTT có thuận lợi hơn nhiều các đơn vị khác dù lãnh đạo trung tâm có thiệt thòi về khoản phụ cấp so với thời còn là trường. Sắp tới, trung tâm cần nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh chế độ, chính sách đối với VĐV, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo; đồng thời làm tốt công tác tổ chức thi đấu.
Thành tích đó gắn liền với những gương mặt vàng làm rạng danh thể thao xứ Quảng. Có thể kể đến những VĐV “đời đầu” như Đặng Thị Thúy và Lê Thị Hồng Ngoan. Đây là 2 VĐV mà giai đoạn thăng hoa của họ gắn liền với thời kỳ hoàng kim của Pencak Silat Việt Nam, mang lại cho đất nước nhiều tấm HCV SEA Games, châu Á và thế giới. Giai đoạn này, điền kinh cũng có một số gương mặt xuất sắc như Vương Nguyên Long, Nguyễn Thị Hòa - người từng thống trị đường chạy cự ly dài 5.000m, 10.000m quốc gia và giành HCB SEA Games nội dung marathon. Khi Pencak Silat thoái trào, điền kinh đánh mất “phong độ” thì Karatedo và Taekwondo nổi lên là những môn thay thế xứng đáng. Ở môn Karatedo, Bùi Thị Nhung, Huỳnh Thanh Chinh, Bùi Như Mỹ và đặc biệt Bùi Thị Triều giành 2 HCV SEA Games. Trong khi đó, Taekwondo có Trần Thị Mỹ Khanh, nhất là Phạm Thị Thu Hiền tỏa sáng khi góp mặt ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp, giành 2 HCV, 2 HCB SEA Games và HCĐ Asiad. Môn Võ cổ truyền cũng có nhiều cái tên rực sáng như Cao Khẩn, Đỗ Thị Ngọc Luận, chị em Nguyễn Thị Tân An, Nguyễn Hồng Ninh - người đoạt HCV giải vô địch thế giới Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II.
Chặng đường mới
Sau 21 năm thành lập, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam đã “thay tên đổi họ” khi sáp nhập với Trung tâm TDTT và đổi tên thành Trung tâm Đào tạo và thi đấu TDTT Quảng Nam. Bước vào chặng đường phát triển mới, tên trường không còn, song quy mô, chức năng, nhiệm vụ của “lò” đào tạo VĐV vẫn không thay đổi. Trong khi đó, những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tập luyện chắc chắn sẽ được cải thiện. Chẳng hạn, sẽ không còn hình ảnh 200 con người của tất cả các môn hàng ngày phải nhồi nhét trong khuôn viên nhà tập luyện chật hẹp. Hay việc phối hợp trong tổ chức thi đấu các giải phong trào và tuyển chọn VĐV sẽ chặt chẽ, hợp lý hơn.
Theo ông Phan Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và thi đấu TDTT Quảng Nam, giữa thể thao phong trào và thể thao thành tích cao có mối quan hệ biện chứng với nhau. Thể thao phong trào phát triển mạnh sẽ giúp phát hiện nhiều tài năng cho thể thao thành tích cao; và ngược lại, thể thao thành tích cao đạt kết quả tốt sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của thể thao phong trào. Nhờ đó, công tác phát hiện và tuyển chọn tài năng sắp tới sẽ được thuận lợi hơn. Những khó khăn về cơ sở vật chất cho công tác tập luyện cũng được khắc phục. Sắp tới, nhà thi đấu TDTT tỉnh được sử dụng để làm nơi tập luyện của một số môn như bóng chuyền, võ thuật nhằm giải tỏa bớt áp lực cho nhà tập luyện. “Tất cả cán bộ, viên chức, huấn luyện viên phải nâng cao trách nhiệm vì công việc, xây dựng kế hoạch tuyển chọn VĐV, huấn luyện phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao trong thời gian tới” - ông Hạ chia sẻ.