Con ếch mà làm hai cái hang đôi khi khó tìm được đường đi về, nhất là lúc cấp bách dễ nhảy lung tung. Nó cũng không khác tình trạng “như chim hai tổ, như nàng hai nơi”. Chàng ràng nên đâm ra rối trí.
Nào có phải ếch đâu nhưng chuyện chàng ràng con người cũng gặp, có khi nhiều hơn. Thử khảo những ví dụ thời đại dịch Covid là thấy ngay. Chàng ràng khai báo y tế loạn xạ trên nhiều nền tảng ứng dụng công nghệ…
Đầu mùa dịch năm 2020 biểu cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện F0 trong cộng đồng, nhưng sau truy vết thì đuổi theo mệt thở. Rồi lại lên tờ khai y tế, quét mã QR-Code, hay vào cổng 1022, smart của các tỉnh…
Tới bây giờ, với chiến dịch tiêm chủng lại ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” của Bộ Y tế nhằm tập hợp thông tin tiêm chủng toàn dân; song hiện nhiều người truy cập thấy có trường hợp tiêm 2 mũi vẫn chưa cập nhật “thẻ xanh vaccine”.
Có người tỉ mẫn thống kê là trong hai năm đại dịch vừa qua đã có hàng chục ứng dụng ra đời phục vụ công tác truy vết, khai báo y tế, khai báo đi lại, đăng ký tiêm chủng...
Những sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa thực tế nở rộ như nấm sau mưa từ các bộ ngành đến địa phương, chắc tiêu tốn không ít ngân sách nhưng hiệu quả khá hạn chế.
Đã sử dụng nền tảng internet mà quay lại viết tay, khai báo từ xã phường đến các chốt kiểm soát, những tờ giấy khai báo thông tin không biết đi về đâu, ai quản, ai cập nhật, nên có khi “sáng khai mai đổi rồi lại khai”.
Do vậy có nơi chàng ràng như ếch hai hang là vừa phải dùng nền tảng số vừa viết thủ công. Đặc biệt là giấy thông hành, giấy đi đường, mỗi chỗ một kiểu, sáng khác chiều, làm đứ đừ người dân khi cần thiết phải ra khỏi nhà.
Chúng ta hay nói về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về 4.0 nhưng không ít chỗ làm như… 0.4. Chúng ta xà quần khi phong tỏa, bảo người dân ở yên nhưng có địa phương lại nói muốn đi đâu phải lên phường xin giấy xác nhận; biểu giãn cách mà lại tụ tập xét nghiệm và tiêm vắc xin.
Tại sao lại có tình trạng chàng ràng như vậy? Hẳn trước hết là việc quản trị xã hội chưa được ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số. Thực tế là Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, đã có Nghị quyết 52/NQ-TW và Quyết định 749/QĐ-TTg đưa chuyển đổi số trở thành chương trình hành động quốc gia.
Theo nhiều kỹ sư thông tin nhận xét rằng bài toán liên thông dữ liệu lớn là mấu chốt để nhất thể hóa ma trận các ứng dụng, giúp các cơ quan hành pháp quản lý người dân qua một nền tảng số hóa đồng nhất. Do vậy nếu các bộ ngành và địa phương cứ mạnh ai nấy triển khai các ứng dụng mà chẳng đồng bộ nền tảng dữ liệu thì hệ lụy là xử lý dữ liệu thông tin cũng chàng ràng ra vậy (mà hiện tượng vừa nói trong phòng chống dịch là minh chứng).
Đó là chưa kể, các công ty công nghệ sản xuất phần mềm lại thêm cơ hội làm ăn trong cái “chợ mạng”, chào bán đủ loại ứng dụng. Chẳng thể trách trong bối cảnh ai cũng coi ứng dụng công nghệ là thời thượng, cái chợ phần mềm, áp nọ, áp kia được dịp rao bán, bởi “chợ rộng thời lắm lái buôn/ sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra”.
Cho nên Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông nghiên cứu một ứng dụng thống nhất, cấp mỗi mã định danh cho công dân để sử dụng tích hợp nhiều thông tin, đặc biệt là phục vụ phòng chống dịch.
Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý đã thu thập và chuẩn hóa thông tin cơ bản của hơn 90 triệu dân, có thể là cơ sở dữ liệu lõi để các bộ ngành, địa phương khai thác, xây dựng thông tin chuyên ngành phục vụ các mục tiêu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Bao giờ bớt chàng ràng thì mới đàng hoàng đi trên xa lộ thông tin đến đích được.