Chàng sinh viên chế tạo hệ thống cảnh báo lũ sớm

HÀ SẤU 29/03/2017 08:31

Với đam mê nghiên cứu công nghệ cùng sự trăn trở về những khó khăn của quê hương trước thiên tai, Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình) đã chế tạo thành công hệ thống cảnh báo lũ sớm trên sông.

Đam mê với dự án cộng đồng

Là sinh viên năm cuối của Khoa Điện tử  - viễn thông Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng, Thương luôn là một cán bộ đoàn năng nổ từng tham gia nhiều chuyến đi thiện nguyện đến nhiều nơi. Từ những chuyến đi đó, chứng kiến các trường hợp khó khăn, bất hạnh vì hứng chịu thiên tai, tai nạn phải chật vật với cuộc sống, “máu” nghiên cứu trỗi dậy trong chàng sinh viên trẻ. Trong năm 2015, Thương đã cho ra lò 2 sản phẩm tự mình sáng chế gồm: “Kính thông minh cho người khuyết tật” và “Hệ thống thông báo cho người thân khi gặp sự cố té ngã” trợ giúp đắc lực cho người già hoặc người khuyết tật được cộng đồng đánh giá cao.

Không dừng lại ở đó, ngoài việc học trên giảng đường, chàng sinh trẻ còn dành thời gian để  nghiên cứu các đề tài của mình hoặc rong ruổi thực tế khắp TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để thu thập, thử nghiệm các số liệu. Đó cũng là tiền đề cho sự ra đời của “Hệ thống cảnh báo lũ sớm” được Thương dành rất nhiều tâm huyết và thời gian nghiên cứu ròng rã suốt cả năm trời. “Sản phẩm này xuất phát từ chính thực tế bà con ở quê hương mình phải hứng chịu các đợt lũ khốc liệt và tôi mong muốn góp một chút gì đó để vơi đi những nhọc nhằn của người dân trong vùng ảnh hưởng của lũ lụt” - Thương tâm sự. Chính công trình nghiên cứu này đã giúp Thương giành giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016 do ĐH Bách khoa Đà Nẵng phối hợp với Sở KH-CN Đà Nẵng tổ chức. Bên cạnh đó, nó cũng giúp Thương vinh dự đoạt giải thưởng “Sao tháng Giêng” 2017 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.

Triển vọng của “Hệ thống cảnh báo lũ sớm”

Theo chia sẻ của tác giả, hệ thống cảnh báo lũ sớm có 3 phần chính gồm: trung tâm dữ liệu, trạm đo mưa và trạm phát thanh. Các trạm đo mưa có thể đặt cách xa nhau 10km và sẽ được thiết lập thành một mạng lưới và truyền dữ liệu với nhau bằng công nghệ Radio Frequency. Khi các số liệu lượng mưa ở trạm bất thường và vượt ngưỡng, hệ thống sẽ hiển thị thông báo trên website đồng thời báo tin nhắn đến người quản lý để sẵn sàng ứng phó. Từ đó, hệ thống loa phát thanh sẽ được sử dụng để phát tin cảnh báo lũ để người dân trong vùng ảnh hưởng. Do sử dụng năng lượng mặt trời nên các trạm đo mưa này hoàn toàn có thể hoạt động ở cả khu vực không có sóng 3G. Như vậy, sản phẩm của Thương trực tiếp đo đạc lượng mưa ở vùng sườn đồi và truyền về trung tâm dữ liệu khá nhanh nên thời gian cảnh báo lũ cũng được phát đi sớm hơn khá nhiều so với một số mô hình cảnh báo lũ khác hiện nay.

Để có một sản phẩm hoàn thiện như vậy, chàng sinh viên trẻ này phải chắt chiu số tiền ít ỏi tích cóp được dốc vào việc tái nghiên cứu, chỉnh sửa các chi tiết, phần mềm sau các lần thử nghiệm thất bại. Hiện nay, bản thân Thương và Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang tích cực phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng để có thể triển khai thử nghiệm mô hình “Hệ thống cảnh báo lũ sớm” trên sông Vu Gia hoặc Thu Bồn trong thời gian sớm nhất. Theo thầy Vũ Vân Thanh - giảng viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, người đồng hành hỗ trợ Thương trong nhiều năm qua, hệ thống cảnh báo lũ sớm có tính ứng dụng rất cao và hướng đến việc sẻ chia cùng cộng đồng.

HÀ SẤU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng sinh viên chế tạo hệ thống cảnh báo lũ sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO