Chàng sinh viên đam mê sáng tạo

MINH KIỆT 26/05/2014 16:19

(QNO) - Mỗi một sáng chế do Thái Xuân Hồng Nhật - sinh viên năm 4 lớp Kỹ sư chất lượng cao, trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh làm ra đều mang nặng những tin yêu của gia đình và quê hương miền cát trắng Thăng Bình…

Thái Xuân Hồng Nhật trong một lần đi Jakarta - Indonesia.
Thái Xuân Hồng Nhật trong một lần đi Jakarta - Indonesia.

Giấc mơ nhọc nhằn

Từ hành lang của phòng thí nghiệm dành cho sinh viên khoa Điện -  Điện tử, Thái Xuân Hồng Nhật vẫn miệt mài bên những vi mạch để hoàn chỉnh sáng chế Security Camera - một trong những đề tài xuất sắc được chọn đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi sáng tạo sinh viên vì môi trường tại khu vực Đông Nam Á. Ít ai biết được, để trở thành chủ nhân của những đề tài sáng kiến được các hội đồng khoa học đánh giá cao đó, cậu sinh viên gốc Quảng này đã từng bao đêm trăn trở và có lúc rưng rức vì nhớ thương giọt mồ hôi của mẹ cha.

Sinh ra và lớn lên ở vùng ven của thị trấn Hà Lam,  từ nhỏ Thái Xuân Hồng Nhật đã thấu hiểu nỗi cơ cực của người nông dân một nắng hai sương.  “Em còn nhớ mãi hình ảnh giọt mồ hôi của cha vừa rơi xuống cát, chưa kịp thấm đã bốc hơi vì trời quá nắng. Nhớ mãi cái áo của mẹ bạc thếch đến sờn trên vai. Vậy mà bữa cơm nào cha cũng lựa miếng ngon gắp cho mấy anh em... Hình ảnh ấy cứ mãi ám ảnh và em luôn tự nói với lòng chỉ có học mới giúp bản thân, gia đình thoát nghèo” - Nhật chia sẻ.

Ước mơ và khát khao được cống hiến của chàng sinh viên xứ Quảng Thái Xuân Hồng Nhật đã bắt đầu bay xa hơn khi sáng chế Security Camera đạt giải nhất cuộc thi Go Green in The City do công ty Schneider Electric tổ chức và được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên Đông Nam Á, diễn ra tại Indonesia.

Suốt 12 năm liền là học sinh giỏi, nên ngày Nhật nhận giấy báo đậu Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh, cả làng không ai ngạc nhiên. Đến khi được nhận vào lớp Kỹ sư chất lượng cao, Nhật mất ngủ mấy đêm liền vì đây là cơ hội để thực hiện ước mơ nhưng cũng đầy thử thách. Ông Thái Xuân Cư, cha Nhật không giấu được xúc động: “Nó bảo với tôi rằng ở lớp Kỹ sư chất lượng cao nếu đạt loại giỏi sẽ đễ nhận được học bổng du học, bù lại sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc phục vụ  nghiên cứu. Tui là nông dân cực khổ bao đời, giờ chỉ mong con cái học hành nên người”.

Vào Sài Gòn nhập học, Nhật tranh thủ sau giờ học đi làm thêm như phục vụ cà phê, rửa chén, gia sư, lắp ráp rèm cửa... để trang trải gánh nặng học phí, chi tiêu hằng tháng. “Bạn ấy chưa bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm. Dù có thức khuya đến mấy, 5 giờ 30 phút sáng là bạn đã dậy. Khi bạn bè hỏi sao không ngủ cho đủ giấc, Nhật trả lời đơn giản giờ này ba mẹ đã ra đồng làm ruộng rồi, mình có làm gì đâu mà không dậy sớm học bài, đọc sách…” - bạn Nguyễn Phạm Nhật Thiên Minh, sinh viên năm 4 trường  ĐH Bách Khoa, bạn cùng phòng ký túc xá với Nhật cho biết.

Chàng trai sáng chế

Gần 4 năm vừa học vừa làm đã tạo cho Nhật tư duy gắn với thực tế. “Cải cách hành chính tại bến tàu xe” là ý tưởng được hình thành trong những lần Nhật ngồi chờ đợi để có được tấm vé xe về quê và đạt giải nhất tuần cho ý tưởng xuất sắc do Hội khoa học TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Đam mê sáng tạo là điều dễ nhận ra từ cậu sinh viên nghèo xứ Quảng này. Dường như cuộc thi về ý tưởng sáng tạo nào Nhật cũng tham gia. Nhật chia sẻ: “Em tham gia không phải để đạt giải mà đây là một cách để học từ bạn bè, thầy cô những kiến thức thực tế. Nhiều sinh viên trong trường thường phối hợp với nhau để tìm ra những ý tưởng khả thi phục vụ cuộc sống”. Sau sự thành công của những ý tưởng nhỏ, Nhật và nhóm bạn bắt tay vào thực hiện dự án “Điều khiển và giám sát ngôi nhà từ xa qua tin nhắn SMS” bước đầu đã đưa ra được những giải pháp chống trộm hiệu quả.

Ước mơ và khát khao đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp Nhật trở thành chủ nhân của nhiều giải thưởng sáng tạo.
Ước mơ và khát khao đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp Nhật trở thành chủ nhân của nhiều giải thưởng sáng tạo.

Sài Gòn những ngày nắng nóng, buổi trưa Nhật không dám bước về căn phòng trọ nhỏ bé của mình. Siêu thị là nơi được Nhật cùng nhóm bạn ghé chân thường xuyên để tận hưởng không khí mát mẻ. Đây chính là khởi nguồn cho ý tưởng sử dụng hệ thống security camera để phân tích mật độ người trong siêu thị, cao ốc nhằm giám sát và điều chỉnh công suất làm mát cũng như bật tắt các thiết bị không cần thiết của hệ thống điều hòa. “Lúc đó, em nhớ đến những ngày hè quê mình bị cúp điện, cả nhà phải tận dụng bóng cây hóng mát. Trong khi đó, đôi khi ở những siêu thị, nhiệt độ điều hòa lại quá lạnh. Nhiều doanh nghiệp cũng rất muốn hạn chế sự lãng phí này và ý tưởng trên ngay bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của thầy cô và bạn bè”.

Security camera được sử dụng bằng phần mềm do chính nhóm Nhật viết, thông qua hình ảnh thu được từ camera, thông số mật độ người trong siêu thị, các tòa nhà sẽ được gửi đến phần cứng phân tích dữ liệu. Tùy theo mật độ người nhiều hay ít, dữ liệu sẽ chuyển hóa thành mệnh lệnh điều khiển tắt mở các thiết bị như máy điều hòa, thang cuốn, tivi quảng cáo. Nếu được áp dụng thành công, security camera sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30 - 40% năng lượng điện hằng tháng. Ông Nguyễn Duy Hiển - Giám đốc khu vực TP.Hồ Chí Minh siêu thị Co.opMart nhận định về dự án: “Đây là một ý tưởng tuyệt vời và thực sự rất cần thiết cho những doanh nghiệp. Nếu tiết kiệm được lượng năng lượng như vậy thì doanh số của các doanh nghiệp sẽ tăng hơn rất nhiều. Trong thời gian tới, Co.opMart sẽ tạo mọi điều kiện để Nhật và nhóm bạn của mình có thể biến ý tưởng này thành hiện thực một cách nhanh nhất”.

MINH KIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng sinh viên đam mê sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO