Chàng tiến sĩ mê Biển Đông

XUÂN THỌ 30/04/2016 09:17

VỚI đề tài “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885”, TS. Lê Tiến Công (37 tuổi) - Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Phan Châu Trinh (TP.Hội An) đã xuất sắc đoạt “Giải công trình nghiên cứu Biển Đông xuất sắc năm 2015” của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông. TS. Lê Tiến Công cho biết, nội dung nổi bật xuyên suốt công trình nghiên cứu là tầm quan trọng của Biển Đông đối với chủ quyền dân tộc.

Người xưa đã xác lập chủ quyền biển đảo

Theo TS. Lê Tiến Công, trước khi các nước phương Tây sang xâm lược, thách thức ở nước ta chủ yếu đến từ đất liền, cụ thể là ở vùng biên giới, qua các cuộc chiến từ quân xâm lược phía bắc, phía nam. Đến thế kỷ XIX, khi phương Tây đem thuyền lớn và đại bác sang gây chiến, mới có một cái nhìn về “thách thức mới” nảy sinh, đến từ phía biển. “Tuy nhiên, tính hướng biển của chúng ta có từ trước đó chứ không phải không có như một số ý kiến vẫn đang tồn tại. Bởi nếu không có tính hướng biển, thì trước triều Nguyễn đã không có chuyện xác lập chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Đây cũng là một trong 3 cơ sở của hệ thống phòng thủ ven biển miền Trung” - TS. Công nói.

TS. Lê Tiến Công bên một trong những tấm bia đá đã từng nghiên cứu.
TS. Lê Tiến Công bên một trong những tấm bia đá đã từng nghiên cứu.

Cũng theo TS. Công, dưới thời Nguyễn, vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng vô cùng quan trọng. Đặc biệt là vịnh Đà Nẵng - nơi đón tàu thuyền phương Tây. Mặc dù lúc bấy giờ triều Nguyễn cho người phương Tây đến tự do buôn bán, nhưng nghiêm cấm thiết lập các mối quan hệ. Lúc này, triều Nguyễn viện cớ cho rằng đây là một đất nước nông nghiệp, việc lập phố buôn bán sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Do đó, một tuyến phòng thủ kiên cố nhất, chặt chẽ nhất được đặt ở Đà Nẵng. Mở rộng ra là vùng biển thuộc Quảng Nam bây giờ như tấm phòng thủ ở Cửa Đại, đài hỏa phong - dùng để báo hiệu khi có biến ở Cù Lao Chàm…

TS. Lê Tiến Công trong một chuyến điền dã thu thập tư liệu.
TS. Lê Tiến Công trong một chuyến điền dã thu thập tư liệu.

Trong quá trình nghiên cứu châu bản, TS. Công phát hiện người dân Cù Lao Chàm năm 1826 có gửi lời đề nghị lên vua Minh Mạng xin miễn thuế còn xin được miễn đi lính. Lý do là người dân ở đây quanh năm đã đi tuần tra, kiểm soát trên biển. Trong một số tư liệu cũng đã có đề cập truyền thống tuần tra vùng biển của người Cù Lao Chàm. TS. Công còn nghiên cứu tấm bia Đại Phước Nghĩa Trủng ở Cửa Đại dưới triều vua Tự Đức và phát hiện bia được đặt trên đất của “bản tấn” - một điểm phòng thủ cửa biển xưa. Còn ngoài Cù Lao Chàm, có tấm bia ghi tên 10 quan chức thủy quân thuộc triều Nguyễn đã góp tiền trùng tu chùa Hải Tạng.

Gần 15 năm miệt mài

Cần giáo dục biển đảo cho sinh viên
TS. Lê Tiến Công cho rằng, rất cần thiết truyền đạt kiến thức về biển đảo cho sinh viên. Tuy vậy, không thể làm theo phong trào, làm cho có mà cần phải có một chiến lược cụ thể, bài bản. Đối với những nghiên cứu, cần phải có lộ trình đưa vào áp dụng thực tiễn. Đây là công việc đòi hỏi sự tìm tòi, linh hoạt; tránh những rập khuôn, cứng nhắc. Việc giáo dục biển đảo, lòng yêu nước phải dựa vào những cứ liệu lịch sử, nghiên cứu khoa học; phải xây dựng được những trung tâm, bảo tàng có trưng bày hiện vật, tư liệu, tài liệu liên quan để người quan tâm dễ dàng tiếp cận.

Trở về Hội An sau chuyến đi nhận giải tại Hà Nội, TS. Công cho biết đang tiếp tục chuẩn bị nội dung cho một số bài tham luận cũng như công trình nghiên cứu về Biển Đông sắp tới. Riêng công trình anh vừa được giải là thành quả của gần 15 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, miệt mài tìm tòi, nghiên cứu tư liệu. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế, TS. Công vào làm ở Hội Sử học Thừa Thiên Huế. Công việc đòi hỏi có những chuyến đi, khảo sát và anh bắt gặp những tài liệu về Hoàng Sa - Trường Sa. Những dòng tư liệu về 2 quần đảo này, đã “bắt” anh đi từ đam mê đến dành nhiều quan tâm và dấn vào con đường nghiên cứu.

Trong khoảng thời gian này, anh đã có một số bài viết liên quan đăng trên các tạp chí chuyên ngành, có uy tín. Sau này, nội dung ở những bài này đều xuất hiện trong công trình mà anh vừa được giải. Trước đó, năm 2006 anh đã lấy công trình này làm luận văn thạc sĩ. Rồi sau đó mở rộng, bổ sung để làm đề tài luận án tiến sĩ. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2015, và được Hội Sử học Việt Nam trao giải Nhất Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật dành cho luận án tiến sĩ xuất sắc nhất hàng năm, anh bắt tay “chuyển” đề tài này thành sách. Khi đang thực hiện, anh nhận được thông tin về Giải công trình nghiên cứu Biển Đông của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, thế là nộp công trình tham gia dự thi.

Nói thì gọn vậy, chứ sau khi nộp công trình dự thi, TS. Công phải đứng trước hội đồng đánh giá để bảo vệ công trình nghiên cứu của mình. Còn công việc “chuyển” đề tài trên thành sách, vẫn đang diễn ra. Khi tôi hỏi về số tiền thưởng 50 triệu đồng có đủ chi phí anh bỏ ra gần 15 năm nay, TS. Công bảo rằng anh may mắn có một số công trình đoạt giải cũng như nhiều bài đăng báo, nên xét về khía cạnh “kinh tế”, số tiền gom lại cũng đủ trang trải làm nghiên cứu. Anh cũng thẳng thắn chia sẻ, làm nghiên cứu không thể đặt nặng vấn đề kinh tế, mà phải hướng đến hiệu quả công trình đem lại.

Trở lại công trình trên, từ khi triển khai làm luận án tiến sĩ rồi đến công trình nghiên cứu, do tính đặc thù nên anh phải thường xuyên đi tìm tài liệu gốc. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, nhất là sự cẩn trọng. Tư liệu anh tiếp xúc nhiều nhất là Châu bản triều Nguyễn. Với tư liệu này, anh phải chọn lọc, in hàng trăm tờ (mỗi tờ từ 10 - 30 nghìn đồng tùy in trắng đen hay màu), sau đó phải nhờ những người am hiểu Hán - Nôm dịch rồi xử lý. Hàng năm trời đằng đẵng như thế, anh mới hoàn thành công trình.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng tiến sĩ mê Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO