Chàng tiến sĩ... thợ mộc

TƯỜNG MINH 11/11/2018 03:40

“Đại tởm thiền sư” là biệt danh mà nhà báo Bùi Ngọc Long (báo Thanh Niên) đặt cho bạn mình, anh Đoàn Trung Hữu – Giám đốc doanh nghiệp mộc mỹ nghệ Phước Huệ. Anh Hữu là một tiến sĩ Hán Nôm nhưng lại đi làm… thợ mộc đúng nghĩa. Và không chỉ đơn thuần là thợ mộc, anh còn đã và đang âm thầm làm một “cuộc cách mạng”, bắt đầu từ cái bàn thờ của người Việt.

“Đại tởm thiền sư” Đoàn Trung Hữu.Ảnh: T.M
“Đại tởm thiền sư” Đoàn Trung Hữu.Ảnh: T.M

Đoàn Trung Hữu gia đình vợ con ở Đà Nẵng, nhưng hò hẹn mãi tôi mới gặp anh ở… “cây sung quán” bên bờ sông Hương ngoài Huế. “Cây sung quán” là bạn bè gọi vui về ngôi nhà khác của anh, một không gian “thần tiên” nằm sát bờ sông có mấy cây sung soi bóng rất thú vị và thích hợp cho bạn bè tụ tập trà sớm rượu chiều. Đó là một không gian nhìn đâu cũng thấy những tác phẩm chạm khắc gỗ quý, nào tủ thờ, gỗ lũa, nu… được chạm khắc bóng Phật và kinh kệ. “Tôi mê gỗ, đặc biệt là lũa và nu có tuổi đời hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm bởi tự thân nó với những hoa văn đã là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của thiên nhiên và tạo hóa. Lúc đầu tôi sưu tầm cho thỏa đam mê, sau mới có ý tưởng chạm khắc lên đó những thứ mình thích như anh thấy” - Đoàn Trung Hữu bắt đầu câu chuyện với tôi về đồ gỗ và hành trình trở thành “thợ mộc” của mình.

Sen và hoa văn Phật giáo

Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Sư phạm Huế, Đoàn Trung Hữu có gần 10 năm nghiên cứu và dịch thuật Hán Nôm nhưng không đi dạy như người ta mà làm luôn một lèo từ cao học, tiến sĩ về Hán Nôm với đề tài về văn bia. Học xong, anh đóng gói bằng cấp cất vô tủ, mỉm cười coi như mình đã xong nợ đèn sách.

Nhiều trường đại học, các trung tâm nghiên cứu Hán Nôm trong cả nước mời TS. Đoàn Trung Hữu tham gia giảng dạy về Hán Nôm nhưng anh đều từ chối vì quá bận rộn và đam mê với đồ gỗ, với bàn thờ, với phong thủy… vẫn lớn hơn. Tuy vậy, anh vẫn dành ra gần 10 năm (1998 - 2007) để tham gia nhóm dịch thuật Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (TP.Hồ Chí Minh) chủ trương. Hiện ngoài làm thợ mộc, anh vẫn tranh thủ những khoảng thời gian ít ỏi của mình để nghiên cứu, dịch thuật kinh điển Phật giáo và văn hóa phương Đông nhằm phục vụ cho “cuộc cách mạng” bắt đầu bằng cái bàn thờ của mình. “Dù chỉ chơi với gỗ và không đi theo nghiệp giảng dạy, nhưng tấm bằng tiến sĩ cùng những kiến thức tôi học được vẫn không hoài phí bởi nó đã và đang giúp ích rất nhiều trong công việc” - Đoàn Trung Hữu cười. Đời, tôi chưa thấy ai cười hiền và sáng đến như thế!

Thế rồi anh về mở một xưởng mộc mỹ nghệ, trước hết để thỏa mãn đam mê của mình, đồng thời cũng là giải pháp để trả lời một cách “thực chứng” cho vấn đề anh đau đáu trong quá trình nghiên cứu cũng như làm mộc: “Vì sao bàn thờ của người Việt nhưng đi đâu cũng nhìn thấy bóng dáng Trung Quốc trong các mô típ chạm khắc?”. Theo anh, nghề thợ mộc mỹ nghệ ở Việt Nam, đặc biệt là kiến trúc gỗ, đồ thờ tự và đồ gia dụng, các nghệ nhân vẫn đời này qua đời khác tuân thủ những khuôn mẫu có sẵn mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Quốc kiểu xưa bày nay làm. Cụ thể là các hoa văn họa tiết, dù đã được Việt hóa nhưng vẫn không thể rời xa các khuôn mẫu của bộ ô hộc tứ linh (long, lân, quy, phụng); tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)… Ngay cả ở Huế, dù một thời là nơi quy tụ các thợ mộc mỹ nghệ giỏi nhất nước, các nghệ nhân hiện nay tinh thông các nghề mộc, chạm, khảm... nhưng họ vẫn chỉ quanh quẩn với những mẫu thông thường, phổ biến, ít ai chịu sáng tạo hay phá cách. Đặc biệt, ngay cả trong các chùa cũng bị mai một văn hóa Việt và bị áp đặt văn hóa nước ngoài khi phần lớn cũng chỉ có trang trí rồng phụng chứ ít có hoa văn Phật giáo.

Để bổ khuyết vào những điều sai sót đó, anh đã sáng tạo ra những mẫu tủ, bàn thờ… với trang trí ô hộc theo mô típ văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam từ các thời Lý, Trần, Nguyễn… để tạo ra những không gian đúng với văn hóa Việt và tín ngưỡng của từng gia đình. “Người Việt từ lâu đã gắn bó với hoa sen, văn hóa Việt cũng thấm đẫm hương vị hoa sen, nhưng trong các mẫu tủ, bàn thờ người Việt rất ít ai đưa hoa sen vào. Vậy nên tôi đã dùng những mẫu cách điệu sen (hoa sen, rồng sen, phụng sen), sư tử chuyển pháp luân, các bộ pháp khí, các bài chú, kinh bằng tiếng Phạn, Hán… để đưa vào các ô hộc mà trước đó người ta vẫn thường dùng bộ tranh tứ thời, tứ quý...”. Đặc biệt, anh còn tạo ra mẫu tủ thờ có khắc bộ Phật Đảnh Tôn Thắng Đà la ni - dấu ấn cho một pháp môn mang màu sắc Phật giáo Mật tông Việt Nam có từ thời Đinh Tiên Hoàng. Bộ kinh này đã được Đinh Liễn, con trai của Đinh Tiên Hoàng khắc bằng chữ Sanskrit vào 100 cột đá dựng ở Hoa Lư năm 973. Và anh muốn khôi phục lại truyền thống thực hành với Đà la ni quan trọng này.

Cùng với việc sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới lấy mô típ từ văn hóa phong phú của Việt Nam, cơ sở mộc của anh đã tận dụng tối đa tinh hoa nghề truyền thống như: các nghề chạm, khảm mộc của Huế, kết hợp với sơn mài, sơn son thếp vàng, bạc để làm nên các sản phẩm độc đáo, được khách hàng khắp nơi trong cả nước ưa chuộng. Với những gia đình có điều kiện, anh còn khuyên họ nên bài trí một bàn thờ gia tiên đúng chuẩn của một không gian thờ cúng của người Việt với các thứ tự gồm: Khám thờ - linh sàng - bàn linh - tiền án - sập gụ - bàn soạn lễ và binh khí hai bên.

Nhơ nhớp là ở trong tâm

Đầu tóc luôn húi ngắn nhất có thể, cơ thể đúng nghĩa là da bọc xương, giày luôn không vớ, quần tây sơ mi đóng thùng nhưng không bao giờ mang thắt lưng, Đoàn Trung Hữu luôn mang lại cho người đối diện một niềm vui kiểu “buồn cười” bởi sự giản dị. Tóm lại là một người không quan trọng lắm về hình tướng. Nhà báo Bùi Ngọc Long kể câu chuyện sống động về biệt danh “Đại tởm thiền sư” Đoàn Trung Hữu thời cả hai còn tu trong chùa Từ Vân ở Huế: “Đoàn Trung Hữu rất nhác tắm. Những lúc mùa hè, mồ hôi nhễ nhại bạn thường dùng một chiếc khăn, lau lên mặt rồi lau lên người. Lau rồi, mồ hôi lại chảy, lại lau. Cái khăn vì đó được tẩm ướp một lớp mồ hôi nhầy nhụa. Mỗi lần thấy cảnh đó, tôi gọi là “Đại tởm thiền sư”. Bạn bảo lau cho vui thôi chớ nhơ nhớp là ở trong tâm, mần răng lau được”.

Những hoa văn Phật giáo như thế này thay cho tứ linh, tứ thời.
Những hoa văn Phật giáo như thế này thay cho tứ linh, tứ thời.

Trước khi là một thợ mộc (dù chỉ là người phác thảo ý tưởng và bản thân không cầm nổi cái đục như anh thừa nhận), Đoàn Trung Hữu có một quãng dài tu tập trong các chùa Diệu Đế, Linh Mụ, Từ Vân và hơn 10 năm dọc ngang đất nước tầm sư học đạo. Và trong thời gian này, anh may mắn được thọ giáo với nhiều bậc thầy phong thủy. Và anh phát hiện kiến thức phong thủy, tử vi, trạch cát… ở nước mình hầu hết đều từ sách Tàu. Nhưng người Tàu lại chưa bao giờ muốn mình nắm được cốt tủy của môn này. Chính họ đã “cài đặt” những điều sai trái trong sách vở để cho người Việt mình tự phá hủy phong thủy, long mạch nhằm kìm hãm sự phát triển. Anh học phong thủy tới nơi tới chốn, nhưng thú vị là học không phải để hành nghề kiếm cơm mà trước hết là vì “tui có cái chí thích học những môn khó học nhất và làm những việc khó, những việc không ai làm”. Thứ đến, anh học cùng sở nguyện vì cộng đồng, vì chúng sinh chứ không vì tâm nguyện cá nhân. Bởi vậy dù được mệnh danh là “phong thủy sư Hải Tuệ”, được nhiều giới từ trong Nam, ngoài Bắc nghe tiếng tìm đến nhưng không phải ai, lúc nào anh cũng giúp.

Trở lại với câu chuyện bàn thờ. Anh Hữu có một nhận xét khá thú vị là số đông người Việt mình thường không chú trọng đến đời sống tinh thần, ít hướng nội và tôn trọng những giá trị tâm linh. Vậy nên việc làm sao để người dân mình thờ tự đúng cách, không lệ thuộc vào những ám thị của văn hóa Nho, Lão… từ Trung Quốc cũng là một cách để thay đổi tư tưởng và nhận thức. Anh nói: “Tôi cho rằng người hay vật đều có mã số để mà đọc. Người có tướng người, nhà cũng có tướng của nhà - tướng trạch. Nhà cửa, bàn thờ ra sao thì cuộc sống của gia chủ cũng sẽ tương ứng như thế. Đặc biệt, bàn thờ cũng là một cách giáo dục truyền thống cho đời sau. Để sách có thể con cháu không đọc. Nhưng để lại mật mã (hoa văn) chạm khắc trên bàn thờ tổ tiên, thể nào con cháu cùng tìm đọc cho bằng được để hiểu cha ông mình muốn nói điều gì”.

TƯỜNG MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng tiến sĩ... thợ mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO