Chàng trai "thổi hồn" vào gỗ

SONG ANH 12/01/2014 09:38

Tranh khắc gỗ của Lê Tiến Vỹ không còn mới mẻ so với những sản phẩm nghệ thuật hiện đại, nhưng lạ lùng thay, những tác phẩm ấy cứ ám ảnh người xem. Bởi anh làm nghệ thuật “cứ như không”, coi công việc của một nghệ sĩ cũng hết sức bình dị.

Nuôi ước mơ từ gỗ

Vỹ rất lanh lẹ với đôi nạng gỗ, giới thiệu với chúng tôi ý nghĩa từng đường nét trên những bức tượng gỗ và tranh của anh. Mộc mạc và có đôi phần thô ráp, nhưng lạ thay, khi đi vào chỉnh thể tác phẩm, những đường nét chạm khắc ấy lại rất tinh tế. Có lẽ vì nó được làm nên bằng cảm xúc. Vỹ tâm sự: “Mỗi sản phẩm ở xưởng này, với mình như một giọt máu trong người vậy. Chăm chút, dồn hết sức lực và khả năng với từng chi tiết nhỏ”. Và sự suy tư không ngừng khiến chàng trai này, có những tác phẩm cùng tên gọi nhưng lại nhiều dị bản độc đáo. Cũng chạm khắc Chùa Cầu lên tranh gỗ đó, nhưng mỗi tấm lại là một Chùa Cầu với nhiều biến thể và góc nhìn lạ lẫm. Người xem có cảm giác vừa quen vừa lạ, bởi mỗi sản phẩm mang một tâm trạng khác nhau của người chạm khắc. Đừng cố tìm những hình ảnh cầu kỳ trong tranh cũng như tượng gỗ của Vỹ, bởi lẽ, anh chỉ đưa vào tác phẩm của mình những hình ảnh giản dị, quen thuộc và đã được anh nhìn ngắm, trải nghiệm.

Lê Tiến Vỹ đang chỉ dạy cách chạm khắc sao cho tinh tế với học trò.
Lê Tiến Vỹ đang chỉ dạy cách chạm khắc sao cho tinh tế với học trò.

Không có may mắn được lành lặn như bao người, lại sinh ra trong gia đình nghèo khó, Lê Tiến Vỹ muốn làm việc gì cũng phải nỗ lực gấp 3 - 4 lần người bình thường. 14 năm vọc gỗ, từ khi vừa tròn 18 đến lúc bước qua ngưỡng 30 của cuộc đời, Vỹ mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Xưởng gỗ Lạc Việt, dù nhỏ thôi, như bao xưởng gỗ thủ công của người dân vùng Gò Nổi (Điện Bàn), nhưng với Vỹ đã là một sự thành công quá lớn. “18 tuổi mình bắt đầu học nghề với anh Thu (cơ sở gỗ mỹ nghệ Âu Lạc - PV), được gần một năm rưỡi thì ra làm thợ suốt 8 năm ròng, sau đó anh Thu chuyển mình qua dạy học viên và sửa hàng cho thợ. Đến năm 2008, khi 32 tuổi, mình quyết định lập nghiệp riêng” - Vỹ nói.

Tác phẩm “Bình phố Hội” – sản phẩm vừa được giải Nhì Hội thi sản phẩm lưu niệm Hội An 2013.
Tác phẩm “Bình phố Hội” – sản phẩm vừa được giải Nhì Hội thi sản phẩm lưu niệm Hội An 2013.

Những ngày ra riêng với muôn vàn khó khăn, số vốn tích lũy được trong 10 năm làm nghề, Vỹ đã dồn cả vào mẻ hàng đầu tiên. Vỹ lên mẫu, chạm khắc, tất cả chỉ có một mình. Từ tượng gỗ, sản phẩm lưu niệm, những bức tranh khổ lớn, Vỹ ngày đêm dùi, đục, cưa… Những thanh âm của gỗ cứ cuốn lấy chàng trai khuyết tật. Hành trình để những sản phẩm của mình trình làng cũng không phải phần việc dễ dàng với Vỹ. Anh chạy khắp nơi để có được một gian hàng tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, rồi lại tự mình “tiếp thị” sản phẩm. May thay, một người khách đã quyết định mua toàn bộ sản phẩm đầu tiên của anh để về trưng bày tại cửa hàng mỹ nghệ ở Hội An. Và từ đây, cái tên Lê Tiến Vỹ cùng những bức tranh, tượng lần lượt được biết đến nhiều hơn ở các gian hàng lưu niệm của phố cổ và một số thành phố lớn.

Tác phẩm Bộ đèn gỗ “Thôn nữ” của Lê Tiến Vỹ. Ảnh: S.A
Tác phẩm Bộ đèn gỗ “Thôn nữ” của Lê Tiến Vỹ. Ảnh: S.A

Vĩ thanh của mộc

Khá dễ dàng để tìm đường đến với cơ sở gỗ mỹ nghệ của Vỹ tại thôn Thi Phương, xã Điện Phong (Điện Bàn). Ngay từ đầu hẻm đã vang tiếng đẽo, đục và cả những tiếng cười nói rổn rảng của 15 người thợ ở lứa tuổi từ 16 - 20. Các em phần lớn có gia đình khó khăn, phải rời ghế nhà trường khá sớm. Chính Vỹ, với nghị lực của mình, đã kéo gần 10 em, là “những đối tượng lông bông”, đến học nghề và cùng Vỹ gầy dựng nên cơ sở gỗ như hôm nay. “Xưởng của mình, thợ lớn tuổi nhất chỉ mới có 21 tuổi thôi, nhưng đã có đến 7 năm làm nghề. Từ thợ đến học viên đều là con em người dân ở đây. Các em đều như mình ngày trước, rất khó khăn, có em còn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mình chỉ nghĩ đơn giản là làm sao để các em có công ăn việc làm, tự nuôi sống được bản thân… chỉ vậy thôi cũng đủ khiến mình phải nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều cơ hội, nhiều đơn hàng về cho các em làm” - Vỹ nói.

Chính suy nghĩ cứ tưởng rất “đơn giản” ấy của Lê Tiến Vỹ khiến nhiều người cảm phục. Lo cho mình đã khó, vậy mà anh còn đèo bòng cho những thanh niên khốn khó quê mình. Người đời hay nói “có tật có tài”, nhưng với Vỹ, có lẽ tài năng xuất phát đầu tiên từ ý chí và nghị lực của anh. Để xã hội phải công nhận mình bằng chính những gì mình đóng góp cho cộng đồng, bằng sức lực và khả năng của mình, chứ không phải nhìn mình bằng những khiếm khuyết của cơ thể, đó là điều Vỹ luôn tâm niệm. Vỹ không e dè khi tự tay mang sản phẩm ra Bắc vào Nam, nhằm tìm kiếm những “mối làm ăn” lớn hơn. Sự lanh lẹ và chân thành của anh khiến nhiều người tin tưởng và tìm đến, dù chỉ mới gặp lần đầu. Đó cũng là lý do tại sao sản phẩm tượng gỗ của Vỹ lại được các chùa chiền từ Nam ra Bắc đặt hàng.

Những sản phẩm nghệ thuật của Vỹ không chỉ được du khách trầm trồ mà anh còn nhận được cả những giải thưởng. Năm 2004, anh nhận giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm của VCCI với bộ đèn gỗ mang tên Thôn nữ. Với kiểu dáng bàn tay thiếu nữ nâng chiếc nón lá, trên có khắc hình Chùa Cầu và Mỹ Sơn một cách tinh tế, bộ đèn đã thu hút được ánh nhìn của nhiều người. Mới đây, Lê Tiến Vỹ nhận giải Nhì tại Hội thi sản phẩm lưu niệm TP.Hội An 2013 với tác phẩm Bình phố Hội. Cả một Hội An thu nhỏ được anh đưa vào những vòng cung trên vân gỗ của chiếc bình, làm nên một tác phẩm nghệ thuật khá độc đáo. Với Vỹ, sản phẩm được công nhận ở các cuộc thi như vậy cũng là một cách để sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh cùng các cộng sự thân thương được nhìn nhận và quảng bá rộng rãi.

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng trai "thổi hồn" vào gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO