Chàng trai vượt Himalaya và rộng đường đến Bắc Cực

LÊ VĂN CHƯƠNG 03/01/2017 16:10

(QNO) - Hoàng Lê Giang là chàng trai trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á lọt vào danh sách tham gia chinh phục Bắc Cực trong năm 2017. Anh sẽ mang lá cờ Tổ quốc, ngồi trên xe chó trượt tuyết vượt cung đường 300km dưới nhiệt độ âm 30 độ C.

Hoàng Lê Giang từng 7 lần chinh phục Himalaya, đi qua những những cung đường trên đỉnh trời, lội dòng sông băng và nghĩ về số phận của nhân loại đang chìm dần do trái đất ấm lên làm băng tan chảy.

Suy tưởng sau mỗi chuyến đi

Vào một đêm gió tuyết bão bùng, nhiệt độ âm 30 độ C, ngồi trong lều bạt, chàng trai Hoàng Lê Giang đã tính đến chặng đường tiếp theo trên con đường chinh phục thiên nhiên, đó là Bắc Cực. Lá cờ của Tổ quốc sẽ tung bay giữa không gian trắng xóa tuyết trắng. Túp lều bạt nơi anh đang dừng chân là đường đèo Khardungla ở Kashmir, nằm ở độ cao hơn 5.600m, thuộc dãy núi đồ sộ Himalaya. Nơi này, lượng ô xy trong không khí giảm xuống chỉ còn một nửa.

Hoàng Lê Giang chạy xe đường đèo Khardungla ở Kashmir nằm ở độ cao 5.602 m.
Hoàng Lê Giang chạy xe đường đèo Khardungla ở Kashmir nằm ở độ cao 5.602m.

Himalaya là dãy núi hùng vĩ trải dài qua 7 quốc gia, với đỉnh Everest cao nhất thế giới. Himalaya là nơi tích tụ số lượng băng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Bắc Cực và Nam Cực. Có 15.000 sông băng trên núi đã hợp lưu dưới đồng bằng, tạo ra 7 con sông lớn, như sông Hằng ở Ấn Độ và sông Dương Tử ở Trung Quốc.

Suốt 7 chuyến đi chinh phục Himalaya, chàng trai trẻ Hoàng Lê Giang đã đến nhiều dòng sông băng nổi tiếng, trong đó có sông Chadar. Con sông này được mệnh danh là “hành trình gian nan nhất thế giới”. Anh đi dọc ven sông kéo dài 150km uốn khúc qua bao khe núi, vách đá, thung lũng. Đó là những nơi có cảnh vật hư ảo, giống như nơi ngự trị của thần Gadhimai.

Sông Chadar là một nhánh dẫn đến sông Zanskar. Vùng đất này thường thông tuyến vào mùa đông, khi dòng sông Zanskar bị đóng băng ở nhiệt độ âm 40 độ C. Đây cũng là nơi dẫn đến thành lũy cuối cùng của Phật giáo Tây Tạng cổ, nơi có cuộc sống biệt lập, học sinh đi bộ 100km để tới trường học.

Sau mỗi chuyến đi, chàng trai trẻ lại suy tưởng về số phận của nhân loại trước biến đổi khí hậu. Himalaya là mẹ của trái đất, như cột chống trời. Tuy nhiên, những dòng sông băng dẫn vào Vương quốc cổ Zankas bắt đầu tan chảy vì nhiệt độ trái đất tăng. Anh viết: “Greenland sắp bị xóa xổ, các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang bị nhấn chìm. Ngay cả Miami của Mỹ cũng đang bị ngập như Sài Gòn. Nếu bạn không hành động vì mình thì hãy vì thế hệ mai sau”.

“Sao hỏa” trên trái đất

Hoàng Lê Giang, sinh năm 1988, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Anh từng theo học Đại học Jonkoping ở Thụy Điển và Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh. Anh là người thanh niên đầy nghị lực, vượt qua tật nguyền của bản thân để dấn thân vào con đường chinh phục thiên nhiên (bệnh tim hiểm nghèo và tiền sử hen suyễn). Hình ảnh quen thuộc của chàng trai có đôi mắt đậm, đó là 2 chiếc ba lô trên vai đầy ắp hành lý, đôi giày lởm chởm đinh đi trên tuyết, chiếc áo lông và mũ dày che kín mặt. Anh thường ví mình kiếp trước là chú bò Yak trên cao nguyên Tây Tạng băng tuyết và hoang sơ.

Đoàn người đi trên sống đỉnh núi Gangtok Kang Ri giữa gió tuyết
Đoàn người đi trên sống đỉnh núi Gangtok Kang Ri giữa gió tuyết.

Hoàng Lê Giang làm nghề lặn cứu hộ tàu biển, chụp ảnh, pha chế nước giải khát; tham gia các môn thể thao lướt sóng, đấu kiếm. Sau hành trình đi qua 30 quốc gia, anh tiếp tục 7 lần chinh phục Himalaya và mang về những hình ảnh kỳ ảo của thiên nhiên. Đó là tấm ảnh khối băng khổng lồ và nham nhở, trên đó hiện ra bóng người hành trình vượt khối băng vĩnh cửu đang rạn nứt.

Một buổi chiều trên con đường Sài Gòn, người mẹ chở đứa con tan trường và ném vỏ chai nhựa trên hè phố. Có một chàng trai đi sau vội thắng xe lại nhặt lên, đuổi theo và nhắc nhở phải làm gương, dạy con bảo vệ môi trường. Chàng trai “lắm chuyện” đó chính là Hoàng Lê Giang. Anh đã lựa chọn sống chết với môi trường và cứu nguy trái đất.

Trên Himalaya có rất nhiều hồ nước dự trữ cho nhân loại. Có lúc đoàn dựng trại ngay cạnh bờ hồ bên dãy núi như một cánh cung phủ đầy tuyết trắng, có khi dừng chân trên sống núi trẻ, sườn núi có màu của đất nâu và được điểm tô bởi những bông tuyết. Giữa núi non và trên độ cao vài nghìn mét, bầu trời luôn trong trẻo và xanh như ngọc bích, mây sà xuống dưới chân, con người trở thành hạt bụi nhỏ thấp thoáng giữa bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Himalaya là dãy núi trẻ nhất trái đất và vẫn đang tiếp tục lớn 5mm/năm. Có lúc Giang cảm thấy choáng ngợp khi đặt chân đến những vùng núi không một bóng cây, đồi núi nhấp nhô như những ụ đất mới như được bàn tay của các vị thần Hymavat vun đắp, khung cảnh như trên sao Hỏa; những khóm hoa tím nhú ra từ khe núi, đung đưa dưới bầu trời xanh khi trời chuyển sang đông.

Sự sống trên Hymalaya là những bình nguyên xanh mướt đồng cỏ, hoa vàng hiện ra giữa những dãy núi vây bọc mà thoạt nhìn ngỡ như đang lạc vào một thế giới khác. Từng đàn dê trắng, đàn trâu Yak Tây Tạng nặng 1.200kg, đàn ngựa rất nổi tiếng, vì thường gặm loại cỏ sinh ra thần dược đông trùng hạ thảo, những chú lạc đà nép người dưới gốc hoa trắng muốt.

Hình ảnh kỳ ảo nhất, đó là thời khắc bình minh và lúc mặt trời mọc. Himalaya trở nên huyền bí như một cõi đi về của mỗi đời người. Cảm thụ được hơi thở của Himalaya, Giang viết: “Không có bụi bặm, mọi thứ ánh sáng, màu sắc hiện ra rõ nét và mình cũng có thời gian chiêm ngưỡng sự thay đổi của thiên nhiên đất trời từ khi bình minh đến hoàng hôn”.

Vùng tử thần Death Zone

Đỉnh cao nhất trên Himalaya là Everest 8.848m, lên tới độ cao này, cơ thể sẽ chết dần, nếu không có thiết bị bảo vệ. Ở độ cao 8.000m trên đường lên đỉnh có vùng tử thần Death Zone. Hiện nay có hơn 200 xác của các nhà thám hiểm nằm lại và vẫn nguyên vẹn sau mấy chục năm. Phóng viên người Mỹ Mark Jenkins lên đỉnh Everest vào năm 2012 và tường thuật, trong một ngày có tới 5 người chết. Giang cho biết, khi leo núi cao từ 3.000m sẽ bị say độ cao và lượng ô xy rất thấp. Cứ leo thêm 500m độ cao thì phải nghỉ 1 ngày để cơ thể thích nghi.

Trong 7 lần lên Himalaya, Hoàng Lê Giang đã nhiều lần gặp nguy hiểm. Trước tiên, đó là trái tim của anh có thể ngừng đập và phải nằm lại rồi tan biến vào núi non hùng vĩ. Còn vào tháng 4.2015, Giang đã sống sót trên dãy Himalaya, khi đất nước Nepal bị một trận động đất mạnh 7,8 độ richter. Lúc núi rung chuyển, nhiều người vội quay xuống, còn anh quyết định vẫn tiến lên để tránh băng trôi và vượt Annapurna Base Camp ở độ cao 4.130m. Sau này các nhà địa chất đo được đỉnh Everest đã tụt mất 2,5cm vì trận động đất này.

Sau vài lần hành trình lên Himalaya, Giang đã thấu hiểu nơi này thuộc về Nepal và các quốc gia xung quanh, nhưng cuộc đời của nó gắn với số phận nhân loại. Do nhiệt độ toàn cầu tăng, dẫn đến hơn 400 hồ trên núi bắt đầu tràn nước do băng tan. Những túi nước khổng lồ cuối cùng trên trái đất nếu đổ xuống sẽ đe dọa trực tiếp vùng hạ lưu Nepal và Tây Tạng, sau đó làm dâng nước biển.

 LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng trai vượt Himalaya và rộng đường đến Bắc Cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO