Chàng trai xứ Quảng xuyên Việt

01/12/2012 03:39

Bất ngờ khi gặp Lê Chí Linh tại buổi tiếp đón đoàn xe đạp xuyên Việt “Đồng hành da cam Việt - Hàn” tại Quảng Nam, và càng thích thú hơn khi nghe anh kể về hành trình của mình cùng những người bạn “xứ kim chi”.
Hành trình của Linh

Linh kể rằng anh rất thích đi, bất kể đi đâu, bằng phương tiện gì. Bởi từ việc đi, anh sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội hơn. Cơ hội ở đây, theo Linh lý giải, chính là chuyện được… ngắm nhìn cảnh vật, mở mang tầm mắt và bắt đầu cho những bài học ngoài sách vở. Tuy nhiên, điều kiện sống chưa cho phép Linh tự mình làm một cuộc hành trình. “Thật may mắn khi Linh được chọn tham gia cùng đội “Đồng hành da cam Việt - Hàn” xuyên Việt. Một hành trình đầy niềm vui, kỷ niệm và những bài học quý giá” - Linh cho biết.

Không phải thế hệ thứ 2 của người Hàn, càng không phải là nạn nhân chất độc da cam, nhưng Lê Chí Linh vẫn may mắn được chọn vào đội hình xuyên Việt lần đầu tiên này. Mối tương giao bắt đầu từ khi anh tham gia vào một dự án môi trường của TP.Hồ Chí Minh. Sự gặp gỡ, quen biết những người bạn đã tạo nên nhịp cầu kết nối Linh cùng hành trình. 26 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với hơn 90 người (kể cả ê-kíp tổ chức) không phải là chuyện đơn giản. Kỷ luật được đặt ra nghiêm ngặt tới mức, nếu không có ý chí các thành viên sẽ dễ dàng bỏ cuộc. “Người Hàn rất xem trọng kỷ luật. Giờ giấc được quy định rất cụ thể. Bất kể nắng hay mưa, mệt mỏi hay vấp ngã, nếu đang trong cuộc hành trình bạn cũng không được phép dừng lại. Chỉ cần bạn không đảm bảo được vận tốc như ban đầu, ban tổ chức sẽ đưa bạn lên xe buýt của đoàn ngay lập tức, để đảm bảo sự vận hành xuyên suốt của cả đoàn. Có những chặng đường phải đạp xuyên suốt hơn 100km, chỉ được dừng lại để tiếp nước trong vòng 15 phút, nhưng không ai than vãn” - Linh chia sẻ.

alt
Lê Chí Linh tại buổi tiếp đón đoàn ở Nha Trang.

Với những người mê dịch chuyển, có lẽ hành trình của Linh chưa đủ độ thú vị bởi đam mê khám phá khi đến vùng đất mới đều phải tạm “ngừng”. Bù lại, Linh đang thực hiện “sứ mệnh” cao hơn: mang hy vọng tìm công lý cho những người kém may mắn. Chuyến đi mang ý nghĩa thức tỉnh về sự bất hạnh của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong hành trình này, 3 nạn nhân chất độc da cam dioxin Hàn Quốc sẽ cùng 1 nạn nhân Việt Nam tham gia xuyên suốt. 19 tỉnh, thành nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam sẽ góp thêm 2 “vận động viên” là nạn nhân phơi nhiễm dioxin.

Lê Chí Linh vừa là thành viên, vừa là người đồng hành của Phan Thành Thương - nạn nhân chất độc da cam/dioxin đặc biệt nhất Việt Nam trên hành trình dài hơn 1.700 cây số. Hai cánh tay anh Thương bị khuyết tật, nên suốt hành trình xuyên Việt, Linh làm nhiệm vụ quan sát, giúp đỡ mỗi khi anh leo đèo, dốc. “Đây là một tấm gương lớn về ý chí cho tôi học tập. Tôi cũng khâm phục sự kiên trì, nhẫn nại và cả “thần kinh thép” của anh. Buổi tối, sau mỗi chặng đường, anh lại trở đau. Nhưng sáng ngày mai, không thành viên nào trong đoàn nhận thấy nét mệt mỏi nào từ anh. Kể cả 3 nạn nhân người Hàn cũng vậy, chính họ lại là người giúp anh em khác vững tinh thần” - Linh tâm sự.

alt
Chụp hình lưu niệm cùng Trung tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân
chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Linh đứng thứ 2, từ phải sang).

Đi là để trở nên mạnh mẽ, để thấy lớn lên sau nhiều cuộc va vấp trên đường, nên từ miền Nam ra đến miền Trung không phải là hành trình xa lạ với Linh. “Nhưng kể từ chặng miền Trung ra Bắc, đó là cuộc đi quá mới mẻ với mình, đặc biệt là khi khám phá bằng xe đạp. Dù chỉ là chuyến đi ngang qua trên mỗi địa phương, nhưng ít ra mình cũng sẽ tích lũy được ít kinh nghiệm về vùng đất và con người mỗi nơi” - Linh nói. Linh còn tự nhận lãnh một nhiệm vụ cao hơn: giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với những người bạn Hàn Quốc. Để làm tốt “nghiệm vụ cao hơn” này, anh đã phải tìm đọc khá nhiều sách về văn hóa của mỗi vùng đất đi qua mới đủ tự tin chia sẻ cũng những thành viên Hàn Quốc.

“Mang theo hơi ấm của mẹ...”

Khá cảm động khi đoàn dừng chân tại Quảng Nam - quê hương của Linh. Mẹ Lê Chí Linh đã đạp xe từ Bình An (Thăng Bình) mang theo chiếc áo ấm để cậu con trai mặc trong hành trình này, vì bà nghe tin từ Huế trở ra trời đã chuyển lạnh. Hai mẹ con gặp nhau chưa đầy một giờ đồng hồ thì Linh đã phải đi theo đoàn. Một diễn viên (cũng là thành viên của đoàn) biết chuyện liền bảo: “Sao không nói trước để chị mua áo ấm giúp cho?”. Nhưng với Linh lúc này lại nghĩ khác, “muốn mặc áo ấm của mẹ để nhận được hơi ấm từ mẹ, trên đường đi chắc chắn sẽ đỡ lạnh hơn”.

Khởi hành tại Bến Nhà Rồng TP.Hồ Chí Minh ngày 1.11, chương trình diễu hành xe đạp “Đồng hành da cam hữu nghị Việt - Hàn” đã đến thủ đô Hà Nội hôm 26.11. Chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Truyền thông MBC Hàn Quốc tổ chức.

Hoàn cảnh gia đình Linh khá khó khăn. Cậu học sinh chuyên Lý của trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) ngày trước đã phải khăn gói vào chùa để được ăn ở miễn phí mới có thêm cơ hội học hành. Lúc này, mẹ anh phải gồng mình nuôi 3 đứa con đều tuổi ăn học. Thương mẹ, Linh tự nguyện xin vào chùa, vừa đi học vừa giúp nhà chùa những công việc thường ngày. Khi đã trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Kinh tế kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Linh cũng phải vừa làm vừa học để tự trang trải sinh hoạt cho mình. Người viết bài này từng chứng kiến cảnh Linh một buổi đi học, buổi đi dạy kèm, phụ giúp tiểu thương của chợ Linh Tây (Thủ Đức, TP.HCM) để có tiền ăn học. 

Quãng thời gian khó khăn dần qua khi chàng trai này ra trường, tìm được việc làm ổn định tại Sài Gòn. Hôm nay, Linh đã có thể thay mẹ để chăm sóc, chu cấp tiền ăn học cho 2 đứa em. Hành trình xuyên Việt bây giờ, như Linh nói, là cách để Linh rèn luyện thêm chính bản thân mình, cũng như một cách cảm ơn những người đã giúp đỡ trong suốt quá trình học tập của anh. Thu Hiền, diễn viên người Hà Nội tham gia hành trình xuyên Việt, nói về Linh như một cậu em trai: “Linh là người nhiệt tình lại rất chân chất. Tất cả mọi hoạt động của đoàn, từ tinh thần cho đến công việc cần thể lực, Linh đều xung phong đầu tiên. Lúc lên đèo Cả (Phú Yên), tất cả mọi người đều rã rời, Linh tìm đủ mọi cách để xốc lại tinh thần cho toàn đội. Tuy nhỏ người nhưng Linh lại làm nhiều việc nặng nhất”.

Chuyến đi cuối cùng cũng đã chạm đích, những người quan tâm đến Linh hy vọng hành trình đầy ý nghĩa này sẽ nuôi dưỡng ở chàng trai xứ Quảng một trái tim thiện nguyện và can trường để đương đầu với những thử thách…

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng trai xứ Quảng xuyên Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO