(QNO) - Hơn 30 tuổi, có kinh nghiệm chăn nuôi gần 5 năm, tưởng chừng anh Đặng Văn Cảnh (thôn Thanh Tân, xã Tiêu Châu, Tiên Phước) có thể từng bước mở rộng quy mô trang trại, nhưng thiên tai và dịch Covid-19 hai năm qua khiến giờ đây anh gần như phải khởi nghiệp lại từ đầu, tuy vậy anh không nản chí.
Về quê khởi nghiệp
Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân xây dựng, nhưng anh Đặng Văn Cảnh vào Sài Gòn thuê một căn trọ và khu đất trống để trồng giá đỗ. Thời gian trôi đi đã được 5 năm, nơi đất khách quê người, anh Cảnh làm ra bao nhiêu thì tiêu bất nhiêu, không có một khoảng nào dành dụm, tiết kiệm nào.
Năm 2016, anh Cảnh quyết định về quê tự vay mượn tiền từ bạn bè, người thân mở trang trại chăn nuôi heo, gà. Dần dần, nhờ việc tự học hỏi cách chăn nuôi ở các trang mạng xã hội của những người bạn phía Nam mà anh Cảnh đã thành công với mô hình khởi nghiệp chăn nuôi heo, gà.
..."Đến năm 2020, tôi mạnh dạng đầu tư nuôi 200 con heo và 7.000 con gà. Trong năm đó, trừ hết tất cả chi phí, thu nhập của gia đình tôi đạt 600 triệu đồng. Qua tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi đã lựa chọn giống lợn từ tỉnh Bình Định để tái đàn và gà là nhập về từ tỉnh Khánh Hoà. Từ đó, tôi đã thuần thục khâu chọn giống, lên khẩu phần ăn, tiêm phòng và khử trùng chuồng nuôi" - anh Cảnh chia sẻ.
Khâu kiểm soát người và phương tiện ra vào chuồng nuôi là hết sức quan trọng, tuyệt đối không được chủ quan vì đây là mối nguy lớn có thể làm lây lan mầm bệnh cho trại nuôi. Nhờ làm tốt khâu này mà đàn heo nái của anh Cảnh sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt, mỗi năm trung bình mang về cho anh nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Chăn nuôi heo và gà theo hướng sinh học được anh Cảnh rất chú trọng. Với gà tuyệt đối không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Nền trại được rải một lớp đệm lót sinh học, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh.
Còn heo, anh chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, không bố trí gần nhà và hàng xóm. Anh Cảnh xây dựng thành 2 khu chuồng riêng biệt dành nuôi heo nái và heo thịt và lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại như hệ thống điều hòa làm mát, hệ thống hầm bioga... không gây ô nhiễm môi trường.
Không chùn bước trước thất bại
Vào cuối năm 2020, do ảnh hưởng của bão, đàn gà của anh Cảnh chết hơn 300 con và phải tiêu huỷ. Cạnh đó, chuồng trại nuôi gà rộng hơn 700m2 cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 30 triệu đồng.
Anh Cảnh cho biết, cộng thêm từ đầu năm 2021 cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, người chăn nuôi như anh cũng gặp nhiều sóng gió. Nhất là sức tiêu thụ gà thương phẩm giảm mạnh, đến nay đàn gà anh nuôi chỉ còn 1.500 con. Anh nuôi cầm chừng bán cho các thương lái, người dân quanh huyện Tiên Phước mà thôi.
“Số lượng heo cũng giảm đi, hiện nay trang trại nuôi heo rộng 300m2 chỉ còn 15 con heo nái giống và 120 con heo thịt thương phẩm, thấp hơn mọi năm. Cũng may, thịt heo thì cũng còn có đầu ra từ các chợ đồi mối, nhà hàng ở TP.Tam Kỳ, Đà Nẵng vẫn đặt hàng đều đều” – anh Cảnh chia sẻ thêm.
Qua những thất bại từ ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh Covid-19, anh Cảnh không chùn bước. Tiếp tục chăn nuôi heo và gà theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, anh Cảnh cũng rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, hỗ trợ bột thức ăn cho heo, gà giúp 15 hộ gia đình ở địa phương có đủ điều kiện để cùng phát triển kinh tế với mình. Trang trại của anh Cảnh còn tạo việc làm thời vụ cho 4 lao động thanh niên trong xã Tiên Châu.
Ông Nguyễn Thành Nhân (66 tuổi, thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, Tiên Phước) chia sẻ: “Cảnh là một thanh niên chịu khó, giúp đỡ nhiều người dân chăn nuôi như tôi lắm, từ khi được Cảnh hỗ trợ về kỹ thuật, lấy giúp bột ăn của heo mà đàn heo nhà tôi sinh trưởng tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình”.
Chị Trần Thị Mỹ Lộc - Bí thư Đoàn xã Tiên Châu chia sẻ, anh Cảnh là một thanh niên có nghị lực và quyết tâm, dám nghĩ dám làm, chuyên tâm làm bằng được điều mình mong muốn, đó là đức tính cần thiết đối với người trẻ khởi nghiệp. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về lập nghiệp cho các thanh niên khác nhưng khi được đề nghị tuyên dương thì lại từ chối.
“Mong rằng được các cấp chính quyền giúp đỡ cho vay vốn để đầu tư sửa chữa lại chuồng trại, nhập giống heo và gà tốt nhất. Tôi cũng sẽ cố gắng đề xuất với các hộ gia đình tại địa phương thành lập hợp tác xã chăn nuôi ở xã Tiên Châu, từ đó để bà con cùng nhau học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm và cùng nhau làm giàu chính đáng trên quê hương” - anh Đặng Văn Cảnh nói.