Chào cột mốc biên cương

VINH ANH 26/02/2018 10:30

Hoạt động tham quan và thực hiện nghi thức “Chào cột mốc biên cương” là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thanh niên về chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.

Đông đảo cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên chuẩn bị tham gia nghi thức “Chào cột mốc biên cương” tại Nam Giang. Ảnh: VINH ANH
Đông đảo cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên chuẩn bị tham gia nghi thức “Chào cột mốc biên cương” tại Nam Giang. Ảnh: VINH ANH

Bên cột mốc biên cương

Cột mốc biên giới 717 nằm gần cửa khẩu Nam Giang là mốc đại duy nhất trong số 60 cột mốc dọc tuyến biên giới đất liền dài 157,422km tiếp giáp giữa Quảng Nam và Sê Kông (Lào). Cột mốc 717 nằm ở độ cao 1.170m so với mực nước biển, được đội cắm mốc tỉnh Quảng Nam chính thức khởi công xây dựng vào tháng 6.2008 và hoàn thành vào ngày 30.12.2009.

Từ khi hoàn thành, cột mốc đại 717 không chỉ là mốc giới để phân định, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước mà nơi đây còn trở thành “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian qua, các cấp bộ đoàn, đoàn cơ sở trong tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến tình nguyện hướng về nhân dân, cán bộ chiến sĩ biên giới, đồng thời kết hợp cho đoàn viên, thanh niên tham quan và thực hiện nghi thức chào cột mốc. Mới đây, trong chuỗi hoạt động chương trình “Xuân biên giới - Tết yêu thương” do Tỉnh đoàn phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tại các xã biên giới huyện Nam Giang, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm đoàn viên thanh niên đã thực hiện nghi thức chào cột mốc tại ví trí xây dựng mốc đại 717.

Tuyến biên giới đất liền của Quảng Nam tiếp giáp với 2 huyện Đắc Chưng và Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, trải dài qua đoạn biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang. Toàn tuyến có 60 cột mốc, gồm 1 mốc đại, 17 mốc trung và 42 mốc tiểu; trong đó, đoạn biên giới đi qua huyện Nam Giang có chiều dài hơn 90km với 33 cột mốc (1 mốc đại, 8 mốc trung, 24 mốc tiểu).

Trong cái rét thấu da thịt giữa bốn bề mây mù bao phủ, nghi thức chào cột mốc được tổ chức hết sức trang nghiêm và đầy xúc động. Tham gia chào cột mốc còn có những người bạn Lào đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới. Dưới lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới và cột mốc chủ quyền thiêng liêng, mọi người cùng hát vang Quốc ca Việt Nam và dành phút tưởng niệm công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, đại diện lực lượng Bộ đội Biên phòng giới thiệu, tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên thanh niên về hệ thống mốc giới dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào đoạn tiếp giáp giữa 2 tỉnh Quảng Nam - Sê Kông. Thông qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc xây dựng, tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc giới trong việc phân định chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Giáo dục về chủ quyền Tổ quốc

Trong hệ thống mốc giới dọc tuyến biên giới giữa Quảng Nam và Sê Kông, cột mốc đại 717 là cột mốc được xây dựng đầu tiên. Thiếu tá Nguyễn Hồng Thanh, cán bộ Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, quá trình xây dựng mốc đại 717 do đội cắm mốc 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do đường sá cách trở, mọi công việc từ vật chất đến vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển bằng cách thô sơ, gùi cõng. Để làm được điều đó, lực lượng bảo vệ biên giới giữa 2 bên Việt Nam - Lào đã huy động bà con dân bản, đặc biệt là phát huy vai trò của lực lượng thanh niên mang gùi cõng ba lô để vận chuyển nước uống, thực phẩm, từng viên gạch, đá, bao xi măng… xây dựng cột mốc. Cho nên, quá trình xây dựng cột mốc 717 có cả máu, mồ hôi và nước mắt của bà con nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của 2 bên. Sau khi hoàn thành cột mốc này, nhân dân 2 bên biên giới và các đoàn khách thường xuyên đến thăm, chiêm ngưỡng, tìm hiểu quá trình xây dựng và thể hiện niềm tự hào khi đứng trước cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều bạn trẻ khi đến đây đã bày tỏ sự cảm phục ý chí của cha anh để làm nên những cột mốc biên cương nói chung và tạo dựng nên đường biên giới nói chung.

Anh Alăng Mơch - Bí thư Đoàn xã La Dêê cho biết, là địa bàn thuộc khu vực biên giới nên đoàn xã xác định việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về chủ quyền, an ninh biên giới lãnh thổ là việc làm trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó, đoàn xã thường xuyên vận động thanh niên chấp hành nghiêm chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hàng năm, Đoàn thanh niên các xã vùng biên đều phối hợp với Đoàn thanh niên các Đồn Biên phòng biên giới tuyên truyền cho thanh niên cũng như nhân dân về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời giữa lực lượng thanh niên của xã và thanh niên các thôn, bản lân cận của nước bạn Lào thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi, động viên tinh thần và vận động thanh niên tôn trọng chủ quyền, an ninh biên giới của nhau.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Mẫn - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, việc tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham quan và thực hiện nghi thức “Chào cột mốc chủ quyền” là hoạt động hết sức ý nghĩa, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh hiểu biết về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào và chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ đó đoàn viên thanh niên thấy được vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với Bộ đội Biên phòng tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chào cột mốc biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO