Hồi sinh viên, chúng tôi ở trọ gần ga tàu Sài Gòn. Mỗi lần có người hỏi “đang trọ đâu”, trước khi trả lời, chúng tôi cười hì hì “ngay ga”. Không ít người nhíu mày “gần nhà ga, xa nhà văn hóa. Nguy hiểm. Nguy hiểm quá”.
Thực ra không phải bọn tôi không nhận thấy cái sự nguy hiểm đó. Đôi khi, cả đám đang nằm vắt vẻo đọc thơ tình bỗng giật mình nghe dưới hẻm hô “cướp cướp” hoặc mắt đang mơ màng nhìn trời, cúi xuống đất là thấy ngay cảnh anh chị xăm trổ đang phì phèo phê thuốc… Chuyện như cơm bữa, ở riết rồi thấy cũng quen!
Bà chủ cho chúng tôi thuê trọ là một người phốp pháp. Hai cánh tay bà nhiều thịt đến nỗi nó thõng xuống, nặng trĩu. Đôi má vun đầy làm cho cái miệng của bà như lút vào trong. Giọng bà ồm ồm lại hay chửi tục nên thoạt đầu trông bà thật khó gần.
Ngoài nhà trọ, bà có thêm một hàng cháo. Hàng cháo lòng với cái tên tả rất thực “Cháo lòng bà Béo”. Xế xế bà chiên dồi, mùi thơm của hành, dầu, miếng dồi bốc lên, len vào tận ngóc ngách của phòng trọ. Đó là một cuộc tra tấn đối với lũ sinh viên đang đói ăn thiếu mặc, sống lay lắt ở các tầng trên.
Cháo lòng bà Béo khá đắt khách. Gần 5h chiều bà mới bày hàng nhưng từ hơn 4h đã có người lảng vảng hỏi cháo. Không hiếm người kiên nhẫn ngồi chờ cả buổi để ăn một bát cháo có vắt tí chanh, bỏ chút gừng, thêm đĩa lòng luộc chấm nước mắm ớt cay xè.
Khách đông là thế nhưng chiều nào quán cháo của bà cũng ế lại chừng chục tô. Đúng 8h tối bà dọn quán, nhiều khi có khách đến hỏi cháo, dù cháo còn trong nồi, bà vẫn từ chối: “Dọn quán rồi cưng. Mai tới sớm nghen cưng!”. Bà với ông chồng gầy nhom, răng rụng mất đôi cái lọm khọm bê nồi cháo vào sân rồi ngửa mặt lên các phòng, gọi: “Có đứa nào ăn cháo ế không? Ăn dùm chứ tao đổ uổng tụi bây”.
Ngày đầu tới trọ, tôi còn ngại nhưng khi thấy các phòng khác ầm ầm mang tô đi thì tôi cũng chen một chân. Ngoài cháo, mỗi tô được thêm mấy miếng lòng luộc, hôm nào may mắn bà để lại cho mỗi tô ít dồi chiên. Bê tô cháo không còn bốc khói nghi ngút nhưng mắt đứa nào cũng sáng rỡ, cảm ơn rối rít. Nhóm thường xuyên mang tô xuống chia phần cháo ế phải kể đến lũ sinh viên ở tầng trên, mấy cô bán “xoài, cóc, cút luộc”, nhóm chị gái mặt đầy son phấn, người sực nức nước hoa rẻ tiền.
Chúng tôi ở khu trọ “gần nhà ga, xa nhà văn hóa” ấy gần hết thời sinh viên. Rồi chúng tôi tìm được việc, có lương tháng đầu tiên, chúng tôi tính chuyện chuyển chỗ trọ. Tối đó, chúng tôi không bê tô xuống chia phần cháo mà tự tin mời vợ chồng bà chủ trọ một bữa nhậu ở bờ kè để nói lời chia tay!
“Bà Tư (Béo), sao khách đông mà ngày nào quán cháo bà cũng ế vậy bà Tư? Mà con thấy bà bán văn nghệ quá, còn cháo người ta tới hỏi mà hổng ráng bán thêm một tô. Dẹp là dẹp…”. Nghe tôi hỏi, bà Tư cười hề hề: “Ủa tao bán hết rồi lấy đâu cháo ế cho tụi bây”. Rồi bà kể chuyện đời mình, ông bà cũng là dân tứ xứ trôi dạt về ga tàu, hồi đó khổ muốn chết đi sống lại, ông bà được một người ở ga tàu cưu mang, sang cho hàng cháo. Ông bà bán cháo từ lúc tô cháo có giá 2.000 đồng, đến giờ là 20.000 đồng. Ông bà nên cửa nên nhà cũng nhờ cháo.
“Bây giờ mấy đứa bây không khổ lòi mắt như tụi tao hồi xưa nhưng đâu có giàu. Nếu hôm nào bán nhanh hết thì hôm sau tao nấu nhiều gạo, nhiều nước, mua nhiều lòng, chiên nhiều dồi hơn để ít nhiều phải ế lại hơn chục tô để mấy người hết tiền, bí bách vẫn có cái ăn. Tao hay bảo “ăn dùm chứ tao đổ uổng” là bởi không muốn ai phải cảm thấy mắc nợ và chẳng phải ngại ngần gì cả. Giờ mấy đứa ra trường đi làm, có tiền rồi, sắp tới ghé quán cháo là phải trả tiền đó nghen con” - bà Tư Béo vẫn cười hê hê, đệm một vài tiếng chửi thề trong câu chuyện vậy mà lũ chúng tôi thấy bà hiền như tiên, mắt đứa nào cũng cay xè.