Mỗi khi đụng đến chuyện nợ nần lại thấy như bát cháo nóng hôi hổi.
Còn nhớ trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về tài chính ngân sách vào đầu năm nay, Bộ Tài chính cho biết dư nợ công đã đến khoảng 64,73%, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Theo bộ này, các khoản nợ đều nằm trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỷ lệ nợ công đã tăng rất nhanh và ở mức kịch trần. Và, nếu tính đầy đủ nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ…, nợ công đã vượt trần cho phép.
Ở tầm quốc gia là vậy, còn ở cấp tỉnh như Quảng Nam, nợ công cũng là điều đáng lo. Không rõ số nợ xây dựng cơ bản lên đến 3.017 tỷ đồng vào cuối năm 2014 nay đã trả được bao nhiêu, nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư đã từng đưa ra phương án và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng trước 2019.
“Tốt vay dày nợ”, muốn đầu tư phát triển không ai không nợ, nhất là những ai đang vay vốn để làm ăn. Giàu như nước Mỹ cũng nợ, thì nước đang phát triển như Việt Nam nợ là đương nhiên. Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ, nên để có vốn cho đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay, sinh ra nợ. Nợ thì phải trả dần, cũng như bát cháo nóng phải húp quanh. Vấn đề không phải là nợ nhiều hay ít mà nợ như thế nào, có kiểm soát được dòng tiền trả nợ không, mới là điều đáng lo.
Có những món nợ kiểm soát được, có món thì dây dưa, có món trả xong sẽ nảy sinh nợ mới, còn nợ tình nợ nghĩa thì bao giờ trả mới xong? Đây là chuyện về món nợ của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) mà Quảng Nam cuối tuần đề cập. Theo con số thống kê cả tỉnh, các địa phương xây dựng NTM nợ gần 165,8 tỷ đồng xây dựng cơ bản, trong đó chủ yếu là do đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. “Hay đi chợ để nợ cho con”, là tình trạng của địa phương đi đầu về xây dựng NTM như Phú Ninh (có 8/10 xã đạt chuẩn và huyện được công nhận hoàn thành NTM), cũng “dẫn đầu” về số nợ (hiện còn 27,8 tỷ đồng). “Bát cháo nợ” của Phú Ninh nóng, nên đã từng có cán bộ chủ chốt của xã hoảng lên xin từ chức vì lo lắng bị kiểm điểm trách nhiệm khi địa phương không trả nổi nợ. Song, lo thì có lo nhưng số nợ như vậy vẫn “trong tầm kiểm soát” như Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định. So với mức đầu tư cho NTM gần 19,3 ngàn tỷ đồng trong 5 năm (2011-2016) thì con số nợ cũng nhỏ, và nếu so với nhiều tỉnh thành thì Quảng Nam cũng nợ ít.
Đầu tư cho NTM để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì có nợ cũng không sao. Bởi ngoài chuyện lợi ích kinh tế còn là vấn đề an sinh xã hội, là nghĩa cử phải trả cho những vùng đất nghèo khó đã cưu mang lực lượng kháng chiến để giải phóng quê hương. Trong hội nhập kinh tế, nông nghiệp và nông dân cũng là “đối tượng dễ bị tổn thương” khi chưa kịp tiếp cận cơ hội làm ăn, thiếu những điều kiện động lực phát triển. Vấn đề cần phải làm là kiểm soát đầu tư cho “tam nông” sao cho đúng hướng, đúng mục đích, đúng chỗ, hạn chế thấp nhất sự thất thoát đồng vốn. Điều cần nữa với Quảng Nam là hiện đã có 62 xã đạt chuẩn NTM, thì với tình trạng nợ làm sao phải có lộ trình trả dần một cách hợp lý, đồng thời vẫn phải tiếp tục đầu tư để giữ chuẩn và phát huy thành quả. (Trong thực tế đã có xã không giữ vững được tiêu chí đã đạt năm trước).
Với chỉ tiêu phấn đấu đến 2020 có 122 xã (50% số xã) trên địa bàn đạt chuẩn NTM, câu chuyện nợ nần sẽ còn đặt ra. Tỉnh đã quyết không để nợ mới phát sinh thì các địa phương phải tùy theo năng lực mà đầu tư, không chạy theo phong trào mà làm tràn lan ào ạt, rồi nảy sinh nợ vượt khả năng chi trả.
NGUYỄN ĐIỆN NAM