Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính quê hương là một trong những kết quả quan trọng đối với Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam.
Bước sang năm thứ 5 của chặng đường triển khai xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp, từ khi UBND tỉnh có Quyết định 4396 ngày 18.12.2017 ban hành Kế hoạch thực hiện “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025”, Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần mở rộng khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Nhiều dấu ấn
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (KNST) tỉnh nhìn nhận, Hệ sinh thái KN Quảng Nam là mô hình tích hợp khoa học, hiệu quả.
Từ năm đầu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện “Hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025” trên cơ sở lồng ghép, tích hợp cùng lúc 3 Đề án 844, Đề án 939 và Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Thanh niên KN của Trung ương Đoàn và triển khai hỗ trợ nông dân KN.
Theo ông Sinh, việc triển khai nhiệm vụ KNST với phương pháp tư duy mới đã tạo cảm hứng, khuyến khích hoạt động KNST. Tinh thần dấn thân KN được lan tỏa rộng rãi, văn hóa KN được hình thành. Tinh thần “Quảng Nam - vùng đất mở cho KNST” có nhiều ý nghĩa trong vận hành hệ sinh thái. Trong 4 năm qua, hầu hết chỉ tiêu thực hiện hệ sinh thái KN đề ra đều đạt và vượt, có chỉ tiêu vượt rất cao.
Theo báo cáo, giai đoạn 2017 - 2021 Quảng Nam có 104 dự án KNST được UBND tỉnh công nhận. Nhiều startup đất Quảng đã ghi dấu ấn ở các cuộc thi KN cấp khu vực và quốc gia. Năm 2021 có thể xem là năm “bội thu” giải thưởng của startup ở các cuộc thi KN trung ương.
Lần đầu tiên 2 dự án KNST xứ Quảng lọt vào tốp 10 dự án KN quốc gia. Trong đó, dự án “Cô gái Bh.nong - mang hương rừng ra phố” của chị Võ Thị Minh Nga - Giám đốc Công ty TNHH Minh Nga đã xuất sắc dành giải nhì.
Nhiều gương doanh nhân lọt tốp 100 doanh nhân trẻ KN xuất sắc toàn quốc qua các năm. Nhiều sản phẩm KN đã xuất hiện tại thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...
Từ vài câu lạc bộ KN ban đầu, đến nay toàn tỉnh hình thành 18 đơn vị hỗ trợ KN. Ở cấp tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập hai đơn vị sự nghiệp công lập gắn với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ KN, gồm Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ KN (Sở Kế hoạch - Đầu tư) và Trung tâm Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học - công nghệ).
Ở cấp huyện, từ mô hình câu lạc bộ ban đầu, đến nay đã có có 6 địa phương tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội KNST gồm Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước, Tam Kỳ, Bắc Trà My, Nông Sơn.
Các địa phương khác cũng đang vận động thành lập hội và chuyển đổi mô hình từ câu lạc bộ sang mô hình hội. Bên cạnh đó, lồng ghép hình thành mạng lưới hỗ trợ KN tại các cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Trường Cao đẳng Quảng Nam, Đại học Quảng Nam…
Ở cuộc thi Phụ nữ KN Việt Nam lần thứ 4, chị Phan Vũ Hoài Vui (chủ dự án Sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng từ mo cau của Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam) là đại diện duy nhất của Quảng Nam lọt vào vòng chung kết và đoạt giải “Chắp cánh tài nguyên bản địa” với tiền thưởng trị giá 100 triệu đồng.
“Ở cuộc thi này tôi được gặp gỡ nhiều chị em ở khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua các buổi huấn luyện về sản phẩm, về cách bán hàng và cách để tương tác cùng nhau. Những “sân chơi” như thế này chúng ta không chỉ đến để “chơi” để thi và nhận giải, mà cũng là cơ hội rất tốt để chị em phụ nữ tiếp cận kiến thức mới, cập nhật cách nhìn mới về sản phẩm, về xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, những kiến thức vô cùng thực tế giúp chúng tôi nhìn lại sản phẩm cả mình để đưa hàng chào thị trường một cách tốt nhất” - chị Vui chia sẻ.
Thúc đẩy phát triển
Trong xây dựng hệ sinh thái KN, Quảng Nam đã hoàn thiện được hệ thống cơ chế, chính sách, các văn bản quy định về quản lý, điều hành, hỗ trợ. Trong đó phải kế đến Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều cơ chế đặc thù.
Đây là cơ sở, đòn bẩy để hệ STKN tỉnh triển khai thuận lợi, hiệu quả, đúng quy định và có sức lan tỏa lớn. Công tác gắn kết KN - sản phẩm OCOP - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hiệu quả, thiết thực; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Quảng Nam không đặt ra kỳ vọng lớn nhưng đến nay có hơn 100 sản phẩm KN cấp tỉnh. Quảng Nam cũng không đặt ra chỉ tiêu thi với toàn quốc nhưng đến nay có 6 dự án đạt giải quốc gia.
Cùng với đó, nhiều sự kiện KN thường xuyên được tổ chức, ngay cả trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Coivid-19. Từ TechFest Quảng Nam lần thứ nhất - năm 2019 đến TechFest Quảng Nam lần thứ 2 - năm 2021 và sự kiện TechFest Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh... đã đạt những thành công ngoài mong đợi.
Nhiệm vụ thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, tiếp tục triển khai đồng bộ hệ sinh thái, phấn đấu là địa phương nhóm dẫn đầu KN Việt Nam. Đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần và văn hóa KN.
Tỉnh cần xây dựng đội ngũ chuyên gia KN tại chỗ phục vụ xây dựng hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai chương trình tăng tốc dự án KNST, tập trung hỗ trợ nguồn lực khoa học - công nghệ cho các sản phẩm thuộc dự án KN, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Các ngành, địa phương quan tâm, chủ động hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp để cơ chế chính sách phát huy hiệu quả. Các chủ thể sản phẩm OCOP, KN tiếp tục lan tỏa, phát triển nâng tầm sản phẩm, trong đó có vấn đề xuất khẩu nhằm lan tỏa mạnh mẽ sản phẩm Quảng Nam; phát triển dược liệu, logistis, cơ khí; tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu để tranh thủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ KN của tỉnh, địa phương...