Hôm nay 28.1, Báo Quảng Nam phối hợp với Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) trao 20 phần học bổng, tổng trị giá 1 tỷ đồng, đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất tại các huyện Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My.
Ông Andy Han Suk Jung - Tổng Giám đốc SonKim Land chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020, công ty vẫn quyết tâm không cắt giảm các hoạt động trách nhiệm xã hội, vì biết rằng nhiều khu vực khó khăn rất cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp. Với mỗi suất học bổng trị giá 50 triệu đồng, SonKim Land hy vọng hỗ trợ các em phần nào cho đến khi hoàn thành chương trình THPT. Hướng đến mục tiêu khác biệt và bền vững, học bổng được SonKim Land trao tặng dưới dạng sổ tiết kiệm và do Báo Quảng Nam hỗ trợ kiểm soát để số tiền được sử dụng hợp lý cho các em. Công ty chọn thời điểm trao học bổng trước Tết Nguyên đán 2021 với mong muốn các em có một cái tết đủ đầy cũng như thêm động lực học tập hơn trong thời gian tới.
NHỮNG ĐOM ĐÓM VÀNG
“Nghèo khổ, nhưng các em sẽ không từ bỏ ước mơ con chữ. Bởi chỉ có học, các em mới có thể chạm đến ước mơ của mình”. Một thầy giáo ở huyện Đông Giang nói với tôi bằng tất cả quyết tâm của người “dẫn đường”. Đó cũng là cách mà người thầy này động viên học trò của mình vượt khó, vươn lên trong học tập.
1. Cuối năm, tìm gặp Ating Thị Hương - học sinh lớp 7 Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Sông Kôn, Đông Giang), người thân chỉ tay về phía con đường cuối làng bảo, nó dẫn đứa em đi chơi trên đó để mẹ làm việc nhà. Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp, Hương đều phụ giúp ba mẹ trông em, thỉnh thoảng làm thêm việc gia đình. Có hôm, cha mẹ đều lên rẫy, Hương vừa học bài, vừa trông 3 em nhỏ. Vậy mà, năm học nào Hương cũng đạt học lực khá, khiến thầy cô và bạn bè cảm phục.
Cùng hoàn cảnh với Hương, vài năm trở lại đây, Hốih Thị Yến Nhi (lớp 6, Trường THCS Phan Châu Trinh) cũng trở thành “trợ thủ đắc lực” của gia đình khi vừa học chữ, vừa phụ giúp cha mẹ làm việc nhà.
Ông Hốih Pơi, ba của Yến Nhi nói, nhiều năm nay, mùa màng không mấy thuận lợi nên gia đình ông đều nằm trong diện khó khăn của xã. Trong khi đó, công việc làm thêm theo thời vụ chỉ đủ để trang trải cuộc sống, chuyện chăm lo cho chị em Yến Nhi học tập cũng trở nên thiếu hụt đủ điều. Vì thế, khi hay tin đến suất học bổng sẽ được trao cho Yến Nhi, ông Pơi và cả gia đình đều bày tỏ niềm vui và bất ngờ, nhất là trong thời điểm mùa giáp hạt kéo dài.
Đại diện chính quyền địa phương nơi Yến Nhi và Ating Thị Hương sinh sống cho hay, mặc dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng cả hai em rất chăm học. Thời gian gần đây, do thiên tai liên tục hoành hành nên nhiều diện tích hoa màu và các mô hình sinh kế của gia đình các em bị thiệt hại khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các suất học bổng này sẽ là động lực khuyến khích các em nỗ lực hơn trong học tập.
2. Cha mất sớm, nhiều năm nay, Bh’nướch Thị Tép (lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Zà Hung, Đông Giang) sống với mẹ trong căn nhà tạm. Sau đợt mưa lũ vừa qua, toàn bộ diện tích đất vườn trồng hoa màu cạnh dòng sông A Vương bị sạt lở nặng khiến gia đình em mất đất sản xuất.
Cô Alăng Thị Crích - giáo viên chủ nhiệm của Tép cho biết, nhiều ngày qua, ngoài thời gian học tập ở trường, Tép tranh thủ về nhà phụ giúp mẹ trồng thêm luống rau, cấy mảnh ruộng lúa nước còn sót lại để kịp vụ mùa đông xuân. “Tép rất chăm chỉ và luôn có tinh thần tự giác trong học tập. Nhiều năm nay, Tép học khá ở nhiều môn, là tấm gương sáng cho học sinh ở địa phương” - cô Crích nói.
Được Ban Biên tập Báo Quảng Nam giao nhiệm vụ xác thực thông tin trường hợp nhận học bổng do các địa phương đề nghị, tôi càng cảm phục tinh thần vươn lên trong học tập của các em vì trường hợp nào cũng thuộc diện hết sức khó khăn. Có em cha mất, mẹ đi bước nữa phải ở cùng người thân; có em sống trong gia đình đông con, thiếu thốn đủ bề; có trường hợp, nhiều năm nay gia đình luôn nằm trong diện nghèo, nay lại gặp phải thiệt hại nặng nề sau mưa lũ… Nhưng, điều đáng mừng là các em đều rất ham học, nhiều năm liền học lực khá giỏi và chăm ngoan. Các em như những con đom đóm lấp lánh niềm mong, mang điều ước bay cao để thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống, mai này!
NẮNG Ở NGÀY MAI
Vết bão lũ vẫn còn, vùng rẻo cao các xã Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn) chưa hết nỗi ám ảnh tang thương, nhưng trường học đã lại rộn ràng tiếng ê a học bài. Và nhiều ngôi trường, từ khi bão đến nay, đã trở thành mái nhà duy nhất, nơi ăn ở của học sinh lẫn tình thương, sự chăm sóc của thầy cô, người thay cho cha mẹ các em không may bị mất vì sạt lở.
Hồ Cao Thịnh - học sinh lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Lộc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Được dì nuôi nấng, không may, sau cơn bão số 9, căn nhà của dì bị cuốn trôi hoàn toàn. Hồ Hoài Dưỡng là bạn cùng lớp với Thịnh ở trường cũng đáng thương không kém, khi không chỉ căn nhà bị cuốn trôi mà mẹ em cũng vĩnh viễn mất đi do trận sạt lở kinh hoàng đổ xuống xã Phước Lộc mùa mưa lũ vừa qua. Mái trường nơi các em học giờ trở thành nhà, thầy cô là cha mẹ.
Thầy Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh vùng cao vốn đã nhiều khó khăn, sau mưa bão, chuyện học càng trắc trở. Với Thịnh và Ngộ, thầy cô của trường đã cùng chăm lo cho các em bằng tất cả tình thương, sự quan tâm, sẻ chia. Ở trường các em có bạn bè, có thầy cô, như có một gia đình của mình. Các em còn ở đây, thầy cô còn cố gắng lo được cho các em, chỉ sợ sau này khi xong chương trình học cấp hai, khó khăn về điều kiện gia đình có thể làm các em bỏ dở sự học, bỏ dở ước mơ của mình.
Học bổng của Công ty CP Bất động sản Sơn Kim, thông qua sự kết nối của Báo Quảng Nam cực kỳ ý nghĩa lúc này, là động lực quan trọng giúp các em có thể tạm yên tâm về chặng đường tiếp theo.
Năm trường hợp học sinh của huyện Phước Sơn nhận học bổng lần này là 5 câu chuyện, 5 mảnh ghép về cuộc sống của học trò vùng cao sau thiên tai. Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn chia sẻ, sau bão lũ, thiệt hại quá lớn về trường lớp, cơ sở vật chất của ngành giáo dục huyện cũng như nhà cửa của bà con đặt ra rất nhiều áp lực. Nhưng bằng tình yêu với con chữ, bằng những hy sinh thầm lặng của bao thầy cô, học trò lần lượt ra lớp, các em vẫn tiếp tục đến trường. Đó là cả một quyết tâm rất lớn.
“Các em đến lớp học, chúng tôi rất mừng, nhưng kèm theo đó là nỗi lo khi nhiều học sinh bị mất người thân, mất nhà cửa sau thiên tai, sự học có thể bỏ dở bất cứ lúc nào. Sự quan tâm của các nhà hảo tâm, mà lần này là học bổng từ sự kết nối của Báo Quảng Nam thực sự là niềm vui lớn cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trên địa bàn huyện, đem lại niềm tin cho các em trên hành trình dài của sự học phía trước” - bà Võ Thị Lệ nói.
Nắng đã lên rồi. Nắng bớt đi những ám ảnh đau thương của bão lũ, hong khô sách vở, bớt bùn lầy con đường đến lớp của học trò vùng cao. Với các em, dù còn nhiều khốn khó, quỹ học bổng lần này đã tiếp thêm động lực, để các em có thể vững tin, ngày mai luôn có nắng…