Chấp chới đường về

THÀNH CÔNG 22/08/2019 15:25

Những ồn ào trỗi lên rất lâu ở xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), liên quan đến dự án Nam Hội An, rồi lắng lại. Nhưng đâu đó, vẫn là “sóng ngầm” phía sau rậm rịch công trình, sau những căn nhà mọc lên ở khu tái định cư, dậy lên đợt dư ba trong nỗi lòng người xứ sở. Ngổn ngang trên lối về nơi mới, là tâm tư về chuyện ở, đi, về đồng tiền đền bù làm xao xác làng quê từng một thời yên ả...

Cơn lốc xây dựng ở Duy Hải khiến rất nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: T.C
Cơn lốc xây dựng ở Duy Hải khiến rất nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: T.C

Ký ức dừng lại

Nắng bốc lên từ cát, bỏng rẫy chân người. Loang lổ những vệt đất mới cũ, những ụ bê tông án ngữ khắp các nẻo về khu tái định giai đoạn 3 ở xã Duy Hải. Xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Danh vừa dựng được hai tháng. Ngay sát bên cạnh, là căn nhà mới vừa lên tường, chưa kịp tô vữa. “Hai tháng, làm được mươi bữa mà đã “đốt” hết ba cái mô tơ điện. Chập chờn, rồi cháy. Làm gì cũng cần điện, nhưng ở chỗ này, đường dây phải vài trăm mét mới kéo điện về tới nhà, mà cả chục hộ dùng chung. Giờ thấp điểm còn bật máy cưa xẻ được, chứ đến giờ cao điểm là không đủ tải. Mấy hôm trước thợ xây tới làm nhà, không đủ điện, họ nghỉ, cả chục ngày ni chưa thấy quay lại, kêu không ra người làm. Trước nhà là trụ điện, mà chỉ có trụ thôi chứ chưa có điện”,  anh Danh đưa tay quệt vệt mồ hôi trên mặt. San sát chỗ nhà anh, ba bốn căn nhà đang xây dựng. Cầm chừng với điện. Mà không chỉ thiếu điện. Nước sạch chưa có, nhà nào cũng phải đóng giếng khoan. Nước hút lên, ngửi không nổi mùi phèn. Mười mét, mười hai mét, có nhà khoan tới mười sáu mét, họ thăm dò từng mét một dưới lòng đất, vẫn phèn. Nhưng hết cách. Những nhà đến sớm phải chung sống với dòng nước được chăng hay chớ dưới lòng đất sâu, và điện vẫn cứ chập chờn lưng lửng qua đường dây hàng trăm mét kéo từ trụ ở tít tắp xa, trong khi cột điện dựng trước nhà vẫn trơ ra, với nắng.

Dù đã về nơi tái định cư, nhưng anh Danh cùng nhiều gia đình đang khốn khổ về chuyện thiếu nước, thiếu điện. Ảnh: T.C
Dù đã về nơi tái định cư, nhưng anh Danh cùng nhiều gia đình đang khốn khổ về chuyện thiếu nước, thiếu điện. Ảnh: T.C

Tôi rảo quanh khu tái định cư. Ánh nhìn cứ tưng tức với nhà mới, nhà cũ, với những giàn cây trái còn sót lại của các hộ chưa di dời nằm khuất sau những ụ đất đá công trình. Nơi này, sẽ là chỗ an trú của hàng trăm hộ dân của xã Duy Hải, Duy Nghĩa, sau khi rời bỏ mảnh đất hương hỏa của gia đình để nhường lại cho dự án. Nhiều người đã rời đi. Ký ức của căn nhà, mảnh vườn qua bao thế hệ vĩnh viễn dừng lại. Phía vòng xoay dẫn vào khu tái định cư, máy xúc, máy ủi ầm ào nổ, bụi mù mịt khắp trời. Anh bạn người địa phương chỉ về phía đống máy móc. Phía sau đó, là những căn nhà lọt thỏm dưới cốt nền đường, cửa đóng then cài. Ông Lê Tăng Vĩnh (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa), chủ nhân của một trong số những ngôi nhà đó, đã rời đi Sài Gòn. Qua điện thoại, ông nói với tôi, giọng đầy tâm tư, rằng chỉ mới đo đạc, chưa áp giá đền bù, máy ủi máy xúc đã tràn quanh nhà. Không ở nổi, cũng chẳng ai muốn thuê, ông để mặc căn nhà với sương gió, rồi đi vào Nam. “Vừa rồi, tôi có về nhà hơn chục ngày. Họ chưa áp giá đền bù, nhưng bên thi công đã múc đất, nhổ cọc rào. Tôi phản ứng, xã vô lập biên bản, yêu cầu bên thi công phải chịu trách nhiệm nếu làm sai. Ở quê, không làm nông hay làm việc gì được, phải đi. Đất đai còn, nhưng cái giải tỏa, cái không, khó khăn quá nên nhiều người còn đất cũng bỏ. Tôi cũng như bao bà con ở đây, sẵn sàng nhường đất cho Nhà nước nếu được đền bù thỏa đáng. Nhưng sao chưa áp giá, chưa đền bù, mà đã thi công rầm rầm quanh nhà? Tôi đi Sài Gòn rồi, chứ nếu còn ở lại đó thì biết làm sao...”, ông bỏ lửng câu nói. Một chấm lặng, có vẻ như để giấu tiếng thở dài thăm thẳm, ở nơi cách xa quê hương cả ngàn cây số.

Xao xác những nỗi niềm

Trơ trọi những gốc mè đã chết khô trong vườn nhà ông Nguyễn Tấn Quý (85 tuổi, thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa). Mảnh vườn đã bỏ không, vì chẳng mấy lâu nữa, ông bà cũng phải ra ở nơi khu tái định cư, nhường đất cho dự án. Ông kể về đất, về làng, như thể cố đưa đôi tay già nua của tuổi tác mà níu lấy quá vãng của một thời xanh vườn xanh trái, xanh cả những nghĩa tình. Những người như ông gắn với mảnh đất này, lấy mồ hôi mình tưới cho từng gốc cây từng ngọn rau ngọn bí. Nhưng thời của ông đang sắp qua rồi. “Tôi đi ra chỗ khu tái định cư với thằng con trai, ngó mấy cái nhà, mà chột dạ. Nhà sát nhà, tường dựa nhau nhưng đi ra đóng cửa, đi vô đóng cửa, còn chi là tình làng nghĩa xóm. Xưa nay nghèo, nhưng còn miếng vườn, bước qua bước lại ông cho tôi, tôi cho ông nhúm rau, trái bí, chừ thì hết. Duy Nghĩa xưa làm chi có ma túy, chừ thì đầy. Mấy đứa trẻ có đồng tiền là đua đòi đánh bạc, ăn chơi, quán xá thì mọc lên san sát. Đổi đời hay tụt hậu thì không biết, nhưng rõ ràng là tụt về đạo đức. Anh em trong nhà còn hơn thua, giành giật từng mét đất, từ mặt nhau. Nghe hắn cũng buồn!”. Câu cuối cùng của ông già, đủ để cứa buốt cả đoạn đường về.

Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch xã Duy Hải nói, Duy Hải chiếm đến 562ha trong tổng số 985ha cần giải phóng mặt bằng, bàn giao cho dự án Nam Hội An, chưa kể 3 khu phải giải tỏa để tái định cư cho cả dân Duy Hải và Duy Nghĩa. Nơi nào cũng vướng, vì một số hộ vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Có nhiều hộ “phất” lên nhờ tiền đền bù, nhưng cũng có hộ chỉ đủ tiền để làm lại nhà sau khi được cấp đất tái định cư. Ngổn ngang những nỗi niềm. Mà lo nhất là việc làm. “Vừa rồi, dự án Nam Hội An cũng kết hợp với trường dạy nghề mở lớp đào tạo nghề bảo trì sân golf và một số nghề phụ để tìm kiếm nhân lực phục vụ cho dự án. Nhưng tương lai, địa phương đang lo “cái hậu”, là chuyện việc làm, nhất là lao động lớn tuổi. Đất đai nhường cho dự án, trong khi lực lượng này chiếm khoảng 30% số lao động. Bây giờ họ vẫn đang được sử dụng để tưới cây, bảo vệ, làm các công việc thông dụng, nhưng tương lai, lao động phải đáp ứng nhiều tiêu chí về sức khỏe, ngoại ngữ, họ sẽ gặp khó. Địa phương cũng đã có kiến nghị các cấp để tính toán, có phương án giải quyết việc làm cho người dân, vì đây là cái gốc để tránh những hệ lụy khác phát sinh, nhất là tệ nạn xã hội. Tiến độ khớp nối của cấu trúc hạ tầng, đường sá chưa đảm bảo, sẽ là một lo nữa trước mùa mưa. Đó là chưa kể điện, nước, môi trường, quá nhiều điều mà xã đang không thể kham nổi trước áp lực hiện tại”, ông chia sẻ. Tôi hỏi chuyện đất đai, ông cười, nguội rồi, nhưng sao hết được. Vẫn cứ dùng dằng đâu đó, vẫn cứ “chịu trận” vì ăn ở với bà con thân thuộc, dân bầu mình ra. Nhấp nhỏm với bao cơn quy hoạch từ khi còn là phó chủ tịch xã, hơn mười năm ròng, nỗi lo cũ chưa vơi, giờ lại hiện hữu thêm nhiều áp lực mới, khi làng bắt đầu “ra phố”.

Bài toán chưa có lời giải

Tôi đem chuyện việc làm cho lao động vùng giải tỏa lên Phòng LĐ-TB&XH huyện. Con số đến năm 2018, vẫn được tiếp tục cập nhật, là trong 2 năm, đã thu hồi hơn 2 triệu mét vuông đất của huyện, hơn 1.000 hộ với hơn 2.000 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Trong khi đó, từ các nguồn chính sách, chỉ có hơn 311 lao động bị thu hồi đất được đào tạo nghề.

Ông Văn Phú Đợi - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện nói, có một nghịch lý nữa là dù các dự án kết hợp với trường nghề đang liên tục tuyển sinh để phục vụ cho các ngành nghề, chu cấp tiền ăn học, sẵn sàng nhận vào làm việc song lại không tìm ra lao động trong độ tuổi. Các hội, đoàn thể đã rà soát, thống kê nhu cầu, nhưng may lắm chỉ tuyển được 1/3 so với chỉ tiêu. Người có tiền chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống cho công nhân, du khách. Người khác thì chạy sang Hội An, nơi họ có thể dễ dàng tìm việc mà chỉ mất vài ngày để được đào tạo, thay cho việc học nghề vài ba tháng. Số khác nữa thì trình độ thấp, độ tuổi lao động lớn, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Nhiều lý do để có thể kể, nhưng không ai đưa ra một câu trả lời chung cho số phận của những lao động nông nghiệp, khi họ phải bước ra khỏi mảnh vườn của mình lúc đã quá ít cơ hội cho việc kiếm tìm một công việc mới…

Có bao nhiêu hao tổn của cả xã hội với những biến động về ở, đi, việc làm cho người dân vùng đông? Bao nhiêu người chưa được hưởng những quyền lợi mà đáng lẽ họ phải được hưởng từ khi rời đi nhường đất cho dự án? Hình như, vẫn chưa một ai làm thử phép thống kê để trả lời cho những câu hỏi vang lên, từ ngay trong vùng dự án.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chấp chới đường về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO