Người làng tôi chừ tứ tán vô Sài Gòn không ít, nhưng bao bận vào đó, công việc lu bu, tôi không gặp được, chỉ biết trong dòng tha hương dồn đuổi về Sài thành, tôi gặp nhiều là dân miền Tây.
1.Mỗi lần vào, tôi hay ngủ lại phòng trọ của Dũng, ngay sát kênh Tân Hóa dưới quận Tân Phú. Chỗ tôi đang tòng sự, đủ thập phương bá tánh, nhưng nhiều nhất vẫn là miền Tây. Bạn tôi, dân Sài Gòn bốn đời, quả quyết rằng, chính gốc Sài Gòn bây giờ còn ít lắm. Họ đã ra đi khắp thế giới rồi, nên lễ tết, thành phố vắng hoe, chỉ có ngõ về miền Tây là phải nhích từng bước, sau tết, ngõ lên thành phố lại như đám đất bệ vừa mới cuốc úp vào nhau. Dũng là người Vĩnh Long, mực thước, hiền như chưa từng thấy ai hiền hơn, chạy xe máy cũng chậm. Phòng trọ chừng 10m2, chật cứng và hôi hám. Hàng xóm với Dũng cũng nghịt người miền Tây, nhưng lại lọt vào một ông dân Quảng Nam. Tôi nhớ bữa đầu tiên đến, Dũng kéo một người đứng tuổi đến, giọng thỏ thẻ: “Anh Hai, cùng quê nè”. Hóa ra anh Hai dân Đại Lộc, làm nghề thầu khoán, nhưng gia cảnh không vui, chị Hai dân Điện Bàn, vô đây đã lâu, rồi sống cùng nhau. Anh rặt giọng Quảng, vẫn thường đi về quê, còn chị giọng đã pha rồi.
Bữa hội ngộ là… nhậu, mở màn cho từ đó trở đi, hễ tôi vô là uống say bí tỉ. Dũng cái gì cũng chậm, chỉ có rượu là nhanh và dai như đỉa. Dũng uống dữ dằn, say nằm đó, tỉnh dậy là quất tiếp. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, cà phê xong là gầy độ. Bạn tri kỷ của Dũng là Tâm, dân Kiên Giang, làm nghề bỏ mối bình gaz, cũng nhậu... “líp ba ga”, rồi một người nữa là dân dưới Trà Vinh, lên thành phố từ 2005, uống rượu ngang Võ Tòng. Bao lần tôi từ tòa soạn về, hơn 11h đêm, vẫn thấy cả bọn ngồi đó nghiêng ngửa. Bạn của bạn, thành bạn của mình. Nhậu với dân miền Tây đã lắm, uống tới tới, không ép, không gây, không cao đàm khoát luận, có tranh cãi cũng khoan thai từ tốn. Bạn tôi cho rằng, đó là cá tính miền Nam, không dữ dằn um sùm như dân Quảng Nam nhà ông...
Dũng uống thí xác luôn, nghiện nặng, tay cầm ly mà run run, nhìn đó tôi bụng bảo dạ “mi sẽ đi sớm”. Có bữa tôi nghe nó nói với anh Hai: “Em thấy vậy được rồi, giờ nếu không làm nhà nước nữa thì chạy xe ôm, ngày nào cũng có vài chai, là sống phà phà”.
Những người nhập cư mưu sinh ở Sài Gòn. Ảnh: T.V |
Người miền Tây vậy đó. Nhưng, đó chỉ là tiếng thở dài buông tuồng khi chưa say. Một bữa mưa, chiều ngó ra chỗ Đầm Sen thấy chim bay xáo xác, Dũng nhìn tôi cười cười: “Làm chút anh hén”. Tôi gật. Được vài ly, Dũng như sắp khóc: “Em nhớ má em”. Má Dũng mất cách đây gần 10 năm. “Má em sanh em chiều 30 tết. Cô em kể lại, lúc đó đang tát kênh bắt cá, má đang mò cá thì đau bụng, ráng bò lên bờ nhưng không kịp, mọi người kêu la thì ba em chạy quýnh kêu bà đỡ, về tới nơi má đã đẻ em rồi, rớt kênh luôn. Năm 2008, má em bị ung thư phải đưa lên đây chữa. Em nhớ chiều đó, cũng mưa như vầy, má và hai chị em ngồi trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện ung bướu, im lặng không nói chi nữa, bởi bịnh má nặng quá rồi, để cuối cùng ôm nhau khóc. Ước mơ đời má, là con cái ở cùng nhau, vườn tược rộng, má muốn mỗi đứa một miếng, vây quanh, giữa là nhà ba má, nhưng rồi đâu có được. Em phải đi”. Học đại học xong, bây giờ đã gần 20 năm, Dũng bám thành phố này. Đi làm báo, nên Dũng thuộc loại ma xó, ngõ ngách nào ở đây cũng tường tận, mà ngay người ở đây từ lâu cũng lắc đầu chịu thua. Chừng đó năm, lương bổng đủ sống, không vợ con, nhậu và nhậu, hỏi làm sao kiếm nổi miếng đất cắm dùi ở chốn này, mà ngay cả những người ở thành phố, nếu tự lập bằng đồng lương công chức, thì đừng hòng có nhà riêng mà ở.
2. Dũng là một trong biết bao người xa xứ, bám lấy Sài Gòn mà sống. Phải đi Sài Gòn, bởi một lẽ đơn giản, đó là Sài Gòn. Không giống nơi nào ở xứ này, Sài Gòn như cái hồ lô thần thông, hút hết, thu nhận hết và… xay nghiến, ai trụ bám được, kẻ đó thắng. Cái gì cũng có, nghề chi cũng không thiếu, thập loại chúng sanh, đủ cả. Sài Gòn, bao người đến và thành danh, nhưng cũng không biết bao nhiêu cho hết những người như Dũng, một đời ở trọ, có lẽ ở cho đến hết đời, nhưng giờ nói rời đi, về quê, liền lắc, sao được, phải ở chứ, về lấy chi mà sống, vả lại quen rồi, ngó vậy chứ dễ gì chết đói. Những lập luận chưa từng vô lý, khi làn sóng ly hương đổ về Sài Gòn ngày một lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi hỏi Dũng: “Rồi mi tính răng?”. “Dạ, tính gì anh, cứ vậy, tới đâu hay đó”. Những đêm mưa lê thê, đi về ngập nước, Dũng chở tôi trong chấp chới nhưng không một tiếng kêu than, như đã quen rồi với bụi bặm, cực khổ, quen với cả những ẩm ương của số phận, ngày mai lại sống tiếp. “Em tính rồi thuyết phục ba em lên, nhưng ổng không chịu”. Ba của Dũng, một ông già Nam Bộ lành hiền, nhưng… lỳ đòn dữ dằn. Bằng chứng là 81 tuổi rồi, vẫn chạy xe máy từ Vĩnh Long về quê nội ở Phan Thiết, vòng lên Bình Phước, về Sài Gòn chơi với con, rồi về lại Vĩnh Long, một năm ở nhà chừng một tháng. Dũng nhìn ông già, cười hơ hớ: “Ổng kể, có bữa ở Phan Thiết, đi sớm, đường một chiều vắng người, ổng đóng… 120km/h, công an chụp lại, ổng giở mũ bảo hiểm ra, nói các cậu hỏi chi, tôi bị điếc không nghe được, thế là bèn cho đi”.
Tôi đã hai lần uống trà sớm với ông, rầm rì ông kể nỗi niềm ngày mẹ Dũng còn sống. Cực lắm, ông từng qua Campuchia đánh cá, nhưng rồi cũng chẳng ăn thua, bèn về, theo thương hồ về ngõ Đồng Nai, dạt tới vùng Kiên Giang, tấp về vùng Dầu Tiếng để kiếm gạo nuôi gia đình. Con cái lớn, ra riêng, ông rảnh tay đi… giang hồ. Một bữa, ngó Dũng lừ khừ khờ ngắt, ông rầu rĩ: “Uống như mày, đến tuổi tao, mày sẽ biết”. “Con khỏe hơn ba đó”. Dũng cười hì hì. “Khỏe gì, qua 40 tuổi, sức xuống nhanh lắm, mày sống một mình, khổ lắm con à. Thanh niên gì mà hút thuốc răng đen sì, ai mà ưng”. Đến lượt ông cười. Nhưng tôi đọc trong mắt ông nỗi niềm âu lo và thương yêu khôn cùng. Ông đến, ngủ trên giường, còn tôi và Dũng nằm võng. Ba giờ sáng, ông lục đục dậy pha trà. Có lần ông nói như gửi gắm tôi: “Mày coi giúp đỡ nó cho bác, chứ thằng này nói không nghe”. Tôi gật, nhưng bụng lắc. Cuộc sống lê thê, rời rạc mà cuốn hút không ngừng, ngày qua ngày không có biến cố khiến người ta không nhận ra điểm rơi, nên mặc tất cả, đến lúc rơi, là vô phương. Nhưng nhịp sống Sài Gòn vậy đó, cuốn hết, ai cũng trôi. Đám bạn cùng cơ quan tôi, chưa có gia đình như Dũng, cũng có thua chi. Trôi và trôi, chỉ có nhìn phía trước, không đường lui. Ba Dũng ở quê, thấy Sài Gòn là ngán, sao lên được, kêu con về thì không, nhưng ngó cảnh ở trọ giữa ngổn ngang rác, chuột, nước ngập, mường tượng đời con mình đến khi mình khuất núi, cơ hội hé ra để đổi đời, không biết trời có ngó nghĩ không…
3.“Bao lâu chưa về quê?”. “Dạ từ bữa anh em mình về dưới, 8 tháng rồi”. Tôi nhớ bữa đó về đến TP.Vĩnh Long là 8h đêm. Nhà Dũng ngoài đồng, lối dẫn vào toàn cây thốt nốt, thân chĩa thẳng lên trời. Bữa nhậu lập tức bày ra. Ôi thôi anh ba anh tư anh năm cứ “dô… dô”. Sáng ra chị Tư nói: “Này em, ráng ăn cơm đi chứ, mày lên thành phố, tao nghi cả tháng mày ăn được ba bữa, còn lại nhậu hoài”. “Chị quả là thiên tài”. Dũng cười rần rần. Tôi ngó chị, má mất rồi, chị như má, thương đứa em xa nhà, nhưng bất lực, chỉ còn những dặn dò ứa nước mắt. “Mày tính bao giờ về lại em?”. “Dạ, em hổng biết, công việc nhiều lắm”. Nói rồi Dũng đi. Chị ngó theo, không biết trong cái nắng sớm chói chang ở phương nam, nước mắt chị có chảy dài theo mồ hôi không!
Bao đứa em, đứa con tứ xứ như Dũng, như bao người ở làng tôi, vào Sài Gòn kiếm ăn, mang tiếng ở Sài Gòn, nhưng chỉ đắp đổi qua ngày. Họ về làng, nói giọng Sài Gòn, nhưng sống ở đó, họ là dân nhập cư, với bao nỗi nênh, phập phù, chứ không phải ai cũng ngựa xe bóng láng. Nhiều người khổ lắm, nhưng ráng sống, bởi chốn về đầy gian khó, họ phải cắm mặt thâu đêm ở xưởng, trên đường phố, đi trong gió bụi mưa lầy, kiếm từng đồng bạc lẻ độ nhật. Mà khổ thay, mỗi lần về là mang tiếng ở Sài Gòn về, chơi lơ mơ là “đâu bền” được, rồi trở lại đi trong nhọc nhằn cơm áo. Một bữa, một người cùng cơ quan có bà già ở một mình tại Nam Phước điện, rằng ngán quá rồi, muốn về nhưng không được. Kẹt đủ thứ, đôi khi không kẹt gì, cũng không rời được. Tôi nói rằng, lui thì lui sớm đi, càng ở càng lún. Nhưng lui đi đâu, đường về chấp chới lắm. Đành phải sống, phải chấp nhận, rồi có ngày sẽ gửi nắm xương tàn chốn này.
Viết đến đây lại nhớ, bữa trước tôi hỏi chuyện ông trưởng ban đền bù và giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, nơi có nghĩa địa Bình Hưng Hòa mà cuối năm nay thành phố sẽ giải tỏa, ông đưa ra con số: ở đó có hơn 75 nghìn ngôi mộ của người có quê quán tại Sài Gòn và 24 tỉnh, thành trong cả nước! Kinh thật. Họ đến, ở đó và vĩnh viễn không về… Tôi ngó Dũng qua màn mưa, gương mặt chữ điền như dài ra tựa giọt nước lăn trên mái tôn. Sài Gòn biến những người như Dũng thành nước, thành bụi, chỉ có tan đi, làm chi có lối về…
Ký của TRUNG VIỆT