“Biết họ biết hàng!” - có lẽ đó vừa là khởi nguồn vừa là ý nghĩa sâu sắc nhất trong ngày lễ chạp mả của người Việt. Trong những ngày này, những mối quan hệ huyết thống chằng chịt từ nhiều đời được các bậc cao niên phân giải rõ ràng cho con cháu nội ngoại tường tận, nhất là để những người trẻ tuổi có gặp nhau nơi xứ người cũng truy xuất được mối liên hệ bà con với nhau để liệu mà ứng xử. Ngoài ra, lễ chạp mả cũng có thể được xem như là một ngày hội chiêm bái, tri ân tổ tiên đông đảo nhất, quy mô nhất của cộng đồng một tộc họ. Tùy theo điều kiện thời tiết và tập quán canh tác ở từng vùng, mỗi tộc họ ấn định một thời điểm bắt đầu lễ chạp khác nhau, nhưng tập trung nhất vẫn là vào khoảng cuối tháng mười một cho đến nửa đầu tháng Chạp. Và tùy theo quy mô cùng điều kiện kinh tế của từng tộc họ, lễ chạp mả có thể kéo dài 2 - 5 ngày.
Các bậc cao niên tộc Nguyễn Đức (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) hướng dẫn con cháu về gia phả của dòng họ tổ tiên. Ảnh: H.DIỄM |
Ở miền Trung, những tộc lớn có lịch sử định cư nhiều thế kỷ trên một địa bàn hành chính thường chia ra thành nhiều phái, mỗi phái lại chia ra nhiều chi, mỗi chi có thể còn “xuất nhánh” theo các “đầu ông” như “đầu ông Cửu”, “đầu ông Chánh”, “đầu ông Thủ”, “đầu ông Xã”... nếu dân số quá đông. Do vậy, đến “mùa” chạp mả, trước tiên con cháu họ nội phải lo đi giẫy mả (tảo mộ) của các vị từ đời tiền hiền trở xuống đến vị sinh ra những ông “đầu phái” rồi về làm lễ cúng tại nhà thờ (từ đường) tộc. Ngày thứ hai là công việc của từng phái. Thông thường, “phái” là cấp giữa trong hệ thống của một tộc họ nên con cháu nội ngoại về đông đủ nhất. Những người làm ăn xa xứ cũng thường chọn ngày này để về phụng hiến tổ tiên. Cứ thế, ngày thứ ba đến chi, ngày thứ tư đến nhánh, và ngày cuối cùng là công việc “nội bộ” của từng gia đình, thậm chí một nhà chỉ có một vị mả cũng làm lễ “chạp lại”, bởi nếu không, vong linh vị này sẽ... lơ ngơ không biết về đâu (!).
Đó là chỉ mới nói đến những ngày lễ chạp bên nội. Một người đàn ông đã có gia thất ở miền Trung còn phải về tham gia giẫy mả và chạp mả phía bên ngoại, bên vợ, ít nhất cũng mất hai ngày nữa thì mới xem như... trọn đạo “cương thường”.
Và cũng vì thế mà cứ vào độ cuối đông, khi bầu trời đã bắt đầu hửng nắng hoặc chỉ còn lất phất mưa bay, khắp các gò bãi đồng làng miền Trung ngày nào cũng lô nhô bóng người vác cuốc, rựa, chổi... đi phát bụi, giẫy cỏ hoặc quét dọn cho những ngôi mộ có hình thù đủ cỡ, từ những vị mả “sè sè nắm đất bên đàng” cho đến những cái được xây dựng hoành tráng như... lăng Khải Định, cứ nhìn vào đó cũng có thể phần nào đánh giá được tình trạng kinh tế của một gia đình, một tộc họ. Có nhà cũng nhân dịp này để xây mới hoặc tái thiết phần mộ của người thân. Do đó, lễ này không chỉ là “tảo mộ” theo nghĩa quét dọn mồ mả, càng không có “hội đạp thanh” như trong truyện Kiều. Đây cũng không phải là lễ thanh minh, bởi vì “Thanh minh trong tiết tháng ba”, thường diễn ra vào mùa xuân. Đây thực sự là một mùa hội tâm linh, hội đền ơn đáp nghĩa, “hội sửa mả” của người Việt, mà dường như chỉ cư dân Trung Bộ là còn truyền đời cho đến ngày nay một cách bền vững và nguyên vẹn.
Đó là phần “hội”. Còn phần lễ chính là các nghi thức cúng tế tại nhà thờ sau khi đã hoàn tất công việc giẫy mả. Trong tiếng chiêng trống uy nghiêm và khói trầm hương nghi ngút, họ hàng con cháu chắp tay đứng xếp hàng theo thứ tự, lắng nghe giọng đọc tế văn ngân nga vọng ra từ trong đại tẩm… Trong một tộc phái, nếu có được “người hay chữ” chấp bút thì bài văn tế càng có sức lay động lòng người. Những tình cảm thiêng liêng đối với cội nguồn gia tộc bình thường bị chìm khuất trong cuộc mưu sinh nay chợt bừng dậy. Mỗi người lại cảm nhận được hơi ấm của huyết thống, càng thấy có trách nhiệm hơn đối với gia đình, tộc họ.
Sau lễ đến tiệc. Một tộc phái lớn thường phải biện cỗ cả chục mâm. Đây cũng là dịp để họ hàng thăm hỏi, tìm hiểu về cuộc sống của nhau, đặc biệt đối với những người làm ăn xa xứ. Và cuối cùng sẽ là mục đóng góp tự nguyện của con cháu, thường là cháu gái và cháu ngoại, bởi vì các hộ “đầu đinh” bên nội đã đóng góp trước đó theo định mức chung. Món tiền gọi là “cúng hương” này sẽ được dùng vào việc hương khói tổ tiên trong năm sau đó.
Lễ hội chạp mả có lẽ là một trong những tập quán tâm linh chứa đựng nhiều yếu tố nhân văn sâu sắc nhất của người Việt. Nó diễn ra một cách đều khắp và tự nhiên, chân thật. Nó không hề mang tính chất mê tín, cũng không có sự phô trương về hình thức như nhiều lễ hội khác. Vì thế, nó cần được tạo thêm điều kiện để bảo tồn.
PHAN VĂN MINH