Chạp mả ở Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 04/01/2017 10:52

Ký ức quê xứ xưa ở ven sông Tam Kỳ về mùa đông là những cơn mưa phùn dài lê thê và những con đường lầy lội - những con đường mà mãi đến những ngày đầu xuân vẫn không ngớt làm ngại ngần bước chân của các cô gái buổi mới về làm dâu của làng. Ký ức ấy còn gắn liền với những ngày vác cuốc theo họ hàng đi giẫy mả dưới những cơn mưa lất phất, qua những cánh đồng vừa mới cấy, nơi mặt ruộng vẫn còn quánh đục những váng nước rỉ ra từ những rễ mạ tươm vàng. Ba bốn tháng nữa mới đến mùa gặt lúa tháng Ba, chẳng ai có thể tưởng tượng được bao giờ thì mới hết cái âm u của những ngày rét mướt để trời đất bung ra cái nắng mênh mang màu hổ phách của những ngày giữa tháng Chạp; để chỉ một vài bước ngắn nữa thôi là đến những sáng đầu xuân thênh thang gió ấm.

Giẫy mả. Ảnh minh họa
Giẫy mả. Ảnh minh họa

Cuối tháng Mười một - đầu tháng Chạp, dân ven các con sông chẳng ai bảo ai đều nhìn lên những cái cuốc bàn gác trên trính chuồng bò và nhẩm tính đến ngày giẫy mả. Có nơi giẫy sớm, chạp sớm trước mười ngày, nhưng thường tập trung nhất, trùng nhất là vào những ngày từ mùng Một đến mùng Bảy của tháng cuối năm âm lịch. Mỗi họ tộc chọn một ngày nhất định. Dụng cụ mang theo khi tảo mộ, cùng với chiếc cuốc bàn để giẫy những ngôi mả đất là những vật dụng dùng để phát quang cây dại - đặc biệt là cây trâm trâm thường mọc dày đặc quanh các nghĩa địa nhiều đất phù sa. Hà Đông xưa là vùng đất nghèo; các ngôi mả đất - đặc biệt là mả vô chủ nhiều không kể xiết. Theo người trước kể, những năm mất mùa đã kéo về vùng này rất nhiều người ở các địa phương khác. Họ đi trong vô định, gặp gì ăn nấy và thường ngã quỵ ở nhiều nơi. Nhân dân địa phương đã phải vất vả gom thi thể người lang thang vào chôn ở những gò hoang để tránh dịch bệnh lây lan - từ buổi ấy những khu “gò Bông” “gò mả Đông”, “gò Dịch”… thành nơi tập trung nhiều người đi “giẫy mả âm linh” sau khi xong việc giẫy mả mồ thân tộc. Tập tục đáng quý này vẫn còn giữ mãi đến sau này, khi mả vôi, mả đá đã nhiều lên mà những mả vô chủ thì vẫn còn nguyên hình thức cũ. Không chỉ những nấm mồ vô chủ sơ sài mới giẫy mả âm linh, nhiều ngôi mộ cổ rất hoành tráng, uy nghi nay chẳng rõ con cháu lưu lạc về đâu, đã trở thành hoang phế cũng được những người hữu tâm phát quang cây dại, mở lối vào viếng hương. Dọn dẹp xong, họ ngơ ngẩn nhìn những cây trụ đá, bia đá khắc đầy chữ Nho lòng rất băn khoăn, các bậc cao niên phần lớn đã về với thiên thu; các vị còn lại thì tuổi cao sức yếu, con cháu chẳng ai nỡ vời họ ra để nhờ đọc mấy cái tự dạng hình khối vuông đã thành cổ tích trong những cơn mưa gió dầm dề. Thành ra, ngày lại tháng qua, những mộ cổ một thời uy nghi kia đã trở nên những điều bí mật, đã trở thành nhưng ngôi… mả Hời, trong khi thực chất đó là những ngôi mả Việt mà những người nằm trong đấy, có khi giữ một địa vị không thể thiếu trong sinh hoạt của xã hội xưa. Những người lớn tuổi trải đời, gặp cảnh ấy, đã không ngớt chép miệng thở dài và than thở “Vị quy tam xích thổ; nan bảo bách niên thân/ Ký quy tam xích thổ; nan bảo bách niên phần” rồi tự diễn nôm một cách ngậm ngùi: “Chưa về với ba tấc đất; khó có thể đoán sẽ sống được đến bao lâu / Về với ba tấc đất rồi; khó có biết con cháu gìn giữ mộ phần được đến bao lâu?”.

Nhưng, ở trên là nói về một thời quá vãng. Về sau, khi xi măng sản xuất được nhiều, người có của bắt đầu xây mộ và làm bia bằng xi măng - nhiều nơi làm rất cầu kỳ. Thời ấy, người biết chữ Nho còn nhiều và phong trào viết chữ Nho trên bia còn thịnh. Vì thế, số mộ xi măng có bia văn, liễn đối xuất hiện khá nhiều - đặc biệt là nơi an táng các vị Tiền hiền làng xã. Về sau, khuynh hướng viết văn bia bằng chữ Quốc ngữ càng chiếm ưu thế. Và theo đó, nhiều gia đình, họ tộc đã nâng cấp mộ xi măng thành mộ ốp đá mỹ thuật hơn. Nhờ có điều kiện làm mộ chắc chắn hơn xưa, việc giẫy mả ngày càng thuận tiện đối với con cháu.

Nhân đây, xin giới thiệu một bài thơ Nôm rất đặc biệt được ghi trên một tấm bia xi măng ở nghĩa trang Gò Trầu, xã Tam Xuân 1, Núi Thành: “Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ thần thánh mới lập đình/ Đào ao đắp đập phòng trời hạn/ Đãi cát bòn vàng nạp thuế thanh/ Lịch sử vì đâu lưu lạc mất/ Tám câu xin ứng nghĩa đồng thanh”. Nét đặc thù trong sinh hoạt của người dân Nam Quảng Nam buổi đầu đến định cư vùng ven các con sông ở Tam Kỳ được phác họa trong bài thơ này rất rõ nét.

Hiện nay, ở ven sông Tam Kỳ có một việc rất hay mà có thể nhiều vùng khác trong tỉnh cũng có: Đến kỳ giẫy mả âm linh hoặc khi có người địa phương qua đời, thanh niên thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh cử một tổ khoảng 5 - 7 người đi mua cát trắng, bỏ vào bao, đặt ven đường vào các nghĩa trang để thân nhân người có mả mồ hoặc người quá cố dùng sung vào quan tài trước khi lấp đất hoặc sung vào các mả bị sụt. Đến đầu tháng Chạp, họ lại rà soát và tiếp tục giẫy, sung đất những mả vô chủ còn lại.

Ký ức chạp mả xứ nghèo còn gắn liền với “nồi nước rang” và “đĩa rau ghém”. Người lớn tuổi ở Quảng Nam ai chẳng biết những món này. Ngày đông tháng giá, nhà nghèo, lương thực dự trữ đã cạn, quỹ chạp mả có hạn mà bà con tề tựu thì đông; giải pháp của việc này là nồi nước thịt và đĩa rau cải xắt ghém kia. Xắt thật nhiều rau và nấu thật nhiều nước rang để dự phòng sẽ làm cho thức ăn bữa chạp không bị thiếu. Lâu dần, món này đã trở thành “hồn vía” của ngày chạp mả. Từ giàu đến khó, chẳng nhà nào có thể thiếu hai thức đó. “ Nước rang, rau ghém” chưa phổ biến đến quy mô cả nước để có thể thành món “quốc hồn” nhưng gọi đó là “tỉnh hồn” “tỉnh túy” chắc không là quá đáng!

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chạp mả ở Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO