Đó là câu trả lời của nhiều ứng viên tham gia kỳ phỏng vấn tuyển chọn trí thức trẻ về phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 500). Thời gian phỏng vấn ngắn nhưng nhiều hoài bão đã nhen nhóm với sự nhiệt huyết của các trí thức trẻ.
Khát vọng trẻ
Từ sáng sớm ngày 18.6, các ứng viên đã tề tựu đông đủ tại Trường Chính trị Quảng Nam - nơi diễn ra kỳ phỏng vấn tuyển chọn trí thức trẻ của Đề án 500. Tất cả đều trẻ, đều nhiệt huyết - đó là điều chúng tôi ghi nhận từ những ứng viên tham gia. Có chút hồi hộp, lo lắng trên khuôn mặt các ứng viên bởi tỷ lệ chọi khá cao khi chỉ có 15 trí thức trẻ được chọn trong tổng số 191 người đến dự tuyển. Hiểu được tâm lý của các ứng viên, tranh thủ trước cuộc phỏng vấn, ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) kiêm Tổ trưởng tổ giám sát Đề án 500 tạo sự an tâm cho các ứng viên khi cùng trò chuyện, giải thích “đầu ra” của đề án, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những khó khăn trong thực tế khi làm việc ở cơ sở.
Ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên trò chuyện với các trí thức trẻ trước khi bước vào cuộc phỏng vấn. Ảnh: ĐĐ |
Bỏ lại đằng sau cảm giác căng thẳng khi chờ đợi bên ngoài, ứng viên Nguyễn Thị Mai (27 tuổi, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) gần như thuyết phục được tổ phỏng vấn khi thuyết trình về dự án phát triển thương hiệu quế Trà My. “Em sẽ tìm hiểu về các sản phẩm từ quế và nhu cầu mặt hàng làm từ quế của các doanh nghiệp. Từ đó, sẽ vạch chiến lược phát triển các mặt hàng theo nhu cầu thị trường như tìm kiếm kết nối với doanh nghiệp, vận động các hộ dân gắn kết lại sản xuất theo xu hướng hàng hóa tập trung” - Mai trả lời rành mạch và ngắn gọn. Tổ tư vấn “bắt bí” khi cho rằng Mai đã có gia đình thì sẽ là trở ngại lớn, nhưng ứng viên này “phản biện” tổ tư vấn rằng đó là yếu tố thuận lợi. “Khi cống hiến tuổi thanh xuân của mình nơi miền núi khó khăn, nếu chưa có gia đình sẽ có chút vướng bận về việc lựa chọn bạn đời tương lai, việc xây dựng tổ ấm. Còn riêng em thì gia đình đã ổn định, tất cả thời gian em dành cho công việc. Vả lại, cả chồng và gia đình chồng đều ủng hộ hết mình khi em nói lên nguyện vọng tham gia Đề án 500. Đó là động lực lớn để em có thể yên tâm cống hiến nếu trúng tuyển” – Mai nói.
Tốt nghiệp ngành văn hóa tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, trí thức trẻ Đặng Năm (23 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) ấp ủ một hoài bão được lên công tác tại một vùng cao khó khăn để tự tạo “áp lực” cho chính mình nhằm phát huy sức trẻ. Chính vậy, khi đọc được thông tin về Đề án 500, dù ở tận TP.Đà Nẵng, Năm vẫn tình nguyện đăng ký để được làm cán bộ xã ở huyện Nam Giang. “Em nghĩ tuổi trẻ cần cống hiến để sau này khỏi hối tiếc khi bỏ phí những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Bây giờ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhiều nên em vẫn chưa hình dung hết những khó khăn. Nhưng có cọ xát mới có thể trưởng thành. Đề án 500 là cơ hội để những người trẻ được về vùng miền núi khó khăn, đóng góp khả năng của bản thân vào quá trình phát triển chung của miền núi. Nếu lần này không trúng tuyển, em sẽ chờ đợi một cơ hội khác tương tự như đề án này”.
Cùng chung hoài bão được cống hiến cho xã hội như Đặng Năm, ứng viên Mai Hồng Anh (23 tuổi, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) sẵn sàng “hy sinh” công việc ổn định tại một công ty du lịch ở Đà Nẵng để được lên làm “quan xã” ở Đông Giang. “Hy vọng em sẽ trúng tuyển để có thể thực hiện ước mơ được lên núi của mình” - Mai Hồng Anh chia sẻ lúc rời phòng phỏng vấn.
Kỳ vọng thế hệ tương lai
Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Vũ Đăng Minh cho rằng, hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt trong công tác đào tạo các trí thức trẻ trước khi họ trở thành những công chức tại các xã vùng nông thôn, miền núi khó khăn. “Chúng tôi sẽ tôi luyện kỹ cho các em các kỹ năng thực tế cũng như đào tạo về chuyên môn vì mục tiêu tạo nên một lực lượng cán bộ cơ sở giỏi” – ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, các đội viên của Đề án 500 phải biết phát huy năng lực trước mọi khó khăn có thể phải đối mặt: “Tôi biết các bạn sẽ có nhiều va chạm trong quá trình làm việc ở cơ sở, nhưng hãy xem đó là những bài học, là sự cọ xát để trưởng thành. Hãy dùng tất cả kỹ năng, kiến thức đã được đào tạo, phát huy tính vượt khó của tuổi trẻ để ứng xử tốt nhất trước mọi tình huống. Quan trọng là trong khó khăn các bạn xem đó là cơ hội. Các bạn nên nhớ là các bạn đã tình nguyện đến với những địa phương khó khăn để cống hiến”.
Ông Bùi Công Hai - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Đề án 500 là cơ hội tìm kiếm, đào tạo để bổ sung, tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cho các xã khó khăn ở Quảng Nam nên Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trong các khâu tổ chức tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn tuyển chọn một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó, Sở Nội vụ cũng đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh phân bổ các ứng viên trúng tuyển về các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động của đội viên Đề án 500. Lãnh đạo các địa phương có nhu cầu về nguồn nhân lực trẻ cũng khẳng định sẽ hỗ trợ, giúp đỡ tối đa cho các đội viên Đề án 500 có cơ hội làm việc tốt nhất, hiệu quả nhất. “Đó là những cán bộ chất lượng có thể giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai gần. Và xa hơn, các trí thức trẻ có thể trở thành những lãnh đạo trong tương lai nếu họ phát huy được năng lực. Chính vậy, khi tiếp nhận các đội viên Đề án 500, chúng tôi sẽ gặp gỡ, đối thoại với các đội viên để động viên, giúp các trí thức trẻ bớt bỡ ngỡ ban đầu khi nhận công tác tại miền núi. Trong quá trình công tác, tại các xã tiếp nhận đội viên, chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương quan tâm, kèm cặp để các đội viên hoàn thành nhiệm vụ” - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai khẳng định.
ĐOÀN ĐẠO