Giáo dục STEM càng phát triển càng mở ra nhiều cơ hội khám phá và hiểu tường tận về khoa học, công nghệ...cho thế hệ trẻ. Những quan sát cùng chất liệu từ đời sống, vì thế dễ trở thành các dự án cho những sáng tạo của người trẻ.
Năm 2024, Trần Thị Kim Chi (lớp 12/4, Trường THPT Hùng Vương, Thăng Bình) gây ấn tượng khi trình bày đề tài nghiên cứu “Ứng dụng chăm sóc, quản lý và cung cấp thông tin về sức khỏe tâm lý”. Em đã có niềm đam mê với khoa học, đặc biệt các nghiên cứu liên quan đến đời sống.
Chi nói, ở độ tuổi 16, 17, nhiều bạn nữ đồng trang lứa em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề dẫn đến những hành động bộc phát, đáng tiếc. Bắt đầu từ câu chuyện của bạn bè mình, Kim Chi tìm tòi và từng ngày một thực hiện dự án nghiên cứu của mình.
Đề tài của Kim Chi là mô hình hỗ trợ tâm lý online cho các bạn học sinh đang gặp vấn đề về tâm lý. Mô hình kết nối người dùng với các chuyên gia tâm lý, cùng nhiều tiện ích trò chuyện, kê bệnh, đề xuất hoạt động nghe nhạc, tập thể dục, viết nhật ký để đạt hiệu quả cao nhất về cải thiện tâm lý người dùng.
Kim Chi là chủ nhiệm câu lạc bộ Kỹ năng; Co-Founder dự án Y sinh - Medpius project; Founder dự án khởi nghiệp vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh với đề tài này.
Tuy được thiết kế công phu và đầu tư nhiều tâm huyết nhưng vì lý do nguồn lực, dự án của Kim Chi đã phải tạm gác lại. Tuy nhiên, cơ hội lại mở ra với em khi dự án này thuyết phục được các chuyên gia trường Đại học FPT để em được nhận 50% học bổng khi theo học chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại trường.
Gần đây nhất, đề tài “Hệ thống đa tác tử để tra cứu và soạn thảo nội dung học thuật” của 2 tác giả Nguyễn Cao Đức và Lê Quỳnh Anh (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho bậc THPT. Với thế mạnh từ chuyên ngành tin học, đề tài của các em mang tính ứng dụng rất cao.
Quả ngọt của các công trình nghiên cứu từ phía học sinh, ít nhiều có nguồn cơn từ chương trình học tập theo STEM đang ngày càng được các địa phương đề cao. Năm 2023, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên (Nam Định) - giáo viên Việt Nam đầu tiên có giải thưởng Tỏa sáng sức mạnh tri thức thông qua đề cử trực tiếp từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - giải thưởng thường niên duy nhất cho một nữ giáo viên về giáo dục STEM.
Thông tin từ các kênh truyền thông, tháng 11/2023, cùng các chuyên gia, giáo viên STEM trong nước và quốc tế tại Ngày hội STEM quốc gia, cô Quyên đúc kết danh sách “5 người thầy để học STEM” sẵn có ở nông thôn và vùng cao Việt Nam.
“Đó là “Giáo sư thiên nhiên” (ông Trời), Phó giáo sư Khó khăn (hoàn cảnh thực tiễn), Gia sư Lao động (thực làm), Nhà giáo nhân dân về STEM (là nguồn văn hóa tri thức cộng đồng sẵn có), và “người thầy của thế kỷ 21” (là Internet và chuyển đổi số)” - chia sẻ từ cô giáo Hồng Quyên.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Mới đây nhất, dự án thí điểm xây dựng phòng học STEM và thư viện số trường học có tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng được khánh thành và đưa vào hoạt động tại 3 trường học tại TP.Tam Kỳ.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, quy mô phòng học STEM được đầu tư trang bị các bộ STEM thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và đo lường, vật lý, vật lý cơ và điện tử, kiến trúc và xây dựng, robot tự động, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), stem coding và phần mềm...
Việc triển khai mô hình giáo dục mới, thí điểm dạy học STEM và thư viện số ở các trường học, bậc học, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.Tam Kỳ trở thành điểm sáng về chuyển đổi số giáo dục của Quảng Nam. Điều này cho thấy giáo dục STEM đã bắt đầu lan tỏa, được biết đến nhiều hơn và hình thành nền tảng phát triển bền vững.
Bước vào kỷ nguyên 4.0, những người trẻ xứ Quảng nếu được tạo điều kiện tiếp cận đúng hướng, được xây dựng nền tảng chắc chắn về khoa học công nghệ, thì sự tiếp nối và phát triển các thành tựu khoa học kỹ thuật là điều đương nhiên.