Chất lượng cuộc sống quan trọng hơn GDP

TÙY PHONG 27/08/2014 10:38

GDP là tên gọi của một chỉ tiêu ở tầm quốc gia, nhưng không hiểu vì sao các chỉ tiêu này cũng xuất hiện trong các nghị quyết của địa phương (tỉnh, huyện, xã). Các chỉ tiêu này dường như mang tính pháp lệnh và bắt buộc phải thực hiện nên dẫn tới tình trạng cơ quan được giao chỉ tiêu liên tục xin điều chỉnh khi tình hình biến động hoặc tìm mọi cách thực hiện cho bằng được, bất chấp các quy tắc cơ bản của thị trường.

Các nhà hoạch định chính sách và cả Quốc hội đều coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá tăng trưởng của quốc gia trong khi những chỉ tiêu khác quan trọng và thực chất hơn nhiều như việc làm và giảm nghèo thường không được đề cập hoặc chỉ đề cập một cách lẻ tẻ và không mang nhiều ý nghĩa. Thực tế, nhiều năm qua, các địa phương đều muốn chỉ số GDP đều tăng hơn 2 con số, nhưng không thể lý giải được đằng sau sự tăng trưởng của các con số ấy có gì khác nhau? Việc coi trọng quá mức chỉ tiêu GDP (mới đây xuất hiện từ GRDP tại địa phương), sử dụng nó như là thước đo quan trọng nhất cho thành tích phát triển kinh tế thì nghiễm nhiên một điều là địa phương sẽ chạy theo lợi ích cục bộ, tìm mọi cách để giải ngân vốn đầu tư công, tăng tốc GDP, kéo theo nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả. Một khi khả năng chỉ tiêu chưa đạt thì chính quyền ra lệnh tăng tốc cấp tín dụng, giải ngân vốn, thúc đẩy xây dựng, bất chấp chất lượng nhằm đạt chỉ tiêu báo cáo cuối năm. Các dự án xây dựng được gấp rút triển khai, bất chấp các văn bản pháp quy về đấu thầu, chỉ định thầu không chỉ gây nợ mà còn gây áp lực lên ngân sách. Hậu quả thấy rõ là nhà thầu không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính, không kịp tiến độ khiến nhiều công trình, dự án dang dở... Đó là chưa kể tình trạng xin nới trần thâm hụt ngân sách và nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn thường xuyên xảy ra ở các địa phương.

Một điều đáng chú ý là là khi chính quyền dốc hết sức, bằng mọi giá thực hiện cho bằng được các chỉ tiêu kế hoạch do chính mình đặt ra, nhưng không phải tất cả đều có kết quả thực tế tốt đẹp. Nhiều địa phương vẫn loay hoay với việc điều chỉnh các chỉ tiêu GDP hàng năm. Nhưng tăng trưởng GDP cao là một chuyện; còn đời sống người dân lại là chuyện khác. Việc tăng GDP trong nhiều trường hợp không đồng nghĩa với tăng mức sống người dân.

Tại hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố hướng tới việc hoạch định chính sách cần hướng tới con số tạo công ăn việc làm nhiều nhất, tạo nhiều phúc lợi cho người dân nhất phải được coi trọng… Theo các nhà hoạch định chính sách kinh tế, việc đặt ra các chỉ tiêu kinh tế xã hội từng cấp độ phải dựa vào tiềm lực, nguồn lực, tình hình thực tế địa phương. Các chiến lược lựa chọn ưu tiên là một quá trình làm việc khoa học và logic. Nó được xem xét và điều chỉnh trong mối tương quan logic với nhau và với nhiều mục tiêu tác động khác cần đạt được, chứ không phải thực hiện bằng mọi giá theo ý chí chủ quan. Khi có hệ thống chiến lược và phương pháp logic, người ta sẽ biết mình đang làm gì, chứ không phải tìm mọi cách nắn các con số cho đúng nghị quyết, bất chấp những giải pháp đó ảnh hưởng đến toàn cục. Suy cho cùng điều cần hơn hết là chất lượng cuộc sống người dân chứ không phải là con số tăng trưởng GDP nhiều hay ít là tiêu chí định đoạt cho sự tăng trưởng của kinh tế!

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chất lượng cuộc sống quan trọng hơn GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO