Chất lượng dân số đối mặt nhiều thách thức

DIỄM LỆ 11/07/2020 04:08

Bác sĩ - Chuyên khoa II (BS-CKII) Phan Đình Nhân - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho hay, chất lượng dân số tại Quảng Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều, do đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, cần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: LD
Trong bối cảnh dịch Covid-19, cần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: LD

Nhân ngày Dân số Thế giới 11.7 năm nay với chủ đề “Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”, Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng ông Phan Đình Nhân về những giải pháp thiết thực ở lĩnh vực này, nhất là vùng sâu vùng xa.

Nỗ lực cải thiện chất lượng dân số

BS-CKII. Phan Đình Nhân.
BS-CKII. Phan Đình Nhân.

* Thưa ông, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, Quảng Nam đã làm được những việc cụ thể nào?

BS-CKII. Phan Đình Nhân: Kết quả giảm sinh đã làm thay đổi rõ rệt cơ cấu dân số của tỉnh. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động 15 - 64 tuổi chiếm 65,7%, tỷ lệ phụ thuộc chung dưới 50%, Quảng Nam đã và đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tạo lợi thế về nhiều “dư lợi” nguồn lao động, một điều kiện quan trọng để nền kinh tế có bước tăng trưởng bứt phá. Đồng thời bước vào thời kỳ già hóa, số người trên 65 tuổi chiếm 9,9% tổng dân số. Tỷ số giới tính khi sinh, hàng năm đạt kế hoạch về tốc độ giảm tỷ số giới tính khi sinh, năm 2020 là 105,62 bé trai/100 bé gái, giảm 1,88 điểm phần trăm. 

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (10,8%), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (3,2%) đã giảm nhiều trong những năm gần đây và tỷ suất tử vong mẹ cũng giảm chiếm tỷ lệ 18,22/100.000 sơ sinh sống. Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng được chú trọng. Đến nay, 70% bà mẹ mang thai và 85,8% trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật, tăng 10% sàng lọc sơ sinh và tăng 22,45% đối với sàng lọc sơ sinh.

* Ông có thể cho biết những mô hình nào được triển khai góp phần nâng chất lượng dân số hiệu quả?

BS-CKII. Phan Đình Nhân: Trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình “Góc truyền thông”, Câu lạc bộ (CLB) Bạn gái, CLB “Giáo dục tình dục toàn diện cho vị thành niên, thanh niên” trong các trường THCS, THPT, trường cao đẳng. Đã triển khai thí điểm mô hình CLB “Gia đình sinh 2 con một bề là gái” nhằm đề cao giá trị của trẻ em gái, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả bình đẳng giới, loại trừ dần nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mô hình CLB trước hôn nhân, Tổ tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn trong các khu - cụm công nghiệp đã được thí điểm để cung cấp cho công nhân lao động kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là tư vấn cho công nhân thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn...

Nhiều thách thức

* Chất lượng dân số liên quan chặt chẽ đến tăng trưởng kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững. Quảng Nam đang đối mặt với những thách thức nào làm cản trở quá trình phát triển toàn diện đó, thưa ông?

BS-CKII. Phan Đình Nhân: Chất lượng dân số được cải thiện chưa nhiều. Một số vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết tốt, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng trong chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế, việc cung cấp dịch vụ chuyên về lão khoa còn yếu. Người cao tuổi chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Chưa chủ động được nguồn cung cấp phương tiện tránh thai, nhất là nguồn tiếp thị xã hội; chương trình phát hiện tỷ lệ mang gene Thalassamia của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được đầu tư đầy đủ; tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng, cũng để lại những hậu quả, làm giảm chất lượng dân số của các thế hệ tương lai.

* Theo ông, đâu là giải pháp khả thi khắc phục hạn chế nêu trên?

BS-CKII. Phan Đình Nhân: Trước tiên, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới phải được quán triệt đến các cấp ủy đảng, chính quyền, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân số phải được đẩy mạnh, đặc biệt là cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lạm dụng khoa học - công nghệ trong chẩn đoán giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính trước khi sinh đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Thực hiện tốt chính sách về chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Quan tâm phụ nữ và trẻ em gái

* Năm nay, chủ đề ngày Dân số Thế giới chú trọng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến phụ nữ và trẻ em gái. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, nhất là đối với Quảng Nam?

BS-CKII. Phan Đình Nhân: Đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hậu quả mà mỗi người phải hứng chịu là khác nhau. Ví dụ, phụ nữ, đối tượng chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm vi rút corona cao hơn. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm và gây gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

Đối với Quảng Nam, các hoạt động tập trung bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh tác động xấu của dịch Covid-19 sẽ được thực hiện như phối hợp tổ chức tư vấn, can thiệp giảm tình trạng người chưa thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn cho học sinh THPT; đề nghị UBND các huyện khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định 39/CP về chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; công tác tư vấn phòng chống tảo hôn hôn nhân cận huyết thống... Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chất lượng dân số đối mặt nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO