Đó là vấn đề mà nhiều người quan tâm và được đại biểu chất vấn Sở GD-ĐT tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường, để nhìn nhận và đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, có thể đối chiếu một số số liệu. Trước hết, về xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học, thể hiện rõ nhất là việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đây được xem là giải pháp tổng thể, căn bản nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; bởi để đạt kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn, các trường học phải đạt 5 nội dung theo tiêu chuẩn quốc gia, trong đó quan trọng nhất là tiêu chuẩn về kết quả giáo dục.
Đến nay, Quảng Nam có 542 trường học đạt chuẩn, tỷ lệ hơn 68%, trong đó mầm non 175 trường, tỷ lệ 61% (77 trường đạt mức 2); tiểu học 188 trường, tỷ lệ gần 81% (182 trường đạt mức 2); THCS 155 trường, tỷ lệ 72% (63 trường đạt mức 2); THPT 24 trường, tỷ lệ 45% (2 trường đạt mức 2).
Với kết quả này, Quảng Nam là đơn vị dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tỷ lệ trường đạt chuẩn, cũng phản ánh được phần nào chất lượng giáo dục của tỉnh.
Đối với giáo dục phổ thông, theo ông Tường, có thể đánh giá chất lượng giáo dục đại trà qua kết quả thi tốt nghiệp THPT và chất lượng mũi nhọn qua kết quả thi học sinh giỏi quốc gia vì các kỳ thi này theo đề thi thống nhất chung trong toàn quốc.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT trong các năm, tỷ lệ tốt nghiệp của Quảng Nam xấp xỉ mặt bằng chung của cả nước (năm 2020 Quảng Nam đạt 97,8%, cả nước là 98,3%; năm 2021 Quảng Nam 97,3%, cả nước 98,6%).
Về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, Quảng Nam cũng nằm ở tốp đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên (năm 2020 có 33 giải, 2021 có 32 giải, 2022 có 34 giải), trong đó năm 2021 về chất lượng giải Quảng Nam xếp thứ 18 cả nước, về số lượng giải xếp thứ 23. Riêng năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp của Quảng Nam là 97,8%, xếp vị thứ 37 cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh thừa nhận chất lượng giáo dục vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng đất có truyền thống hiếu học và học giỏi. Có nhiều nguyên nhân, như có đến 9 huyện miền núi, trong đó 6 huyện miền núi cao còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục; sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và đồng bằng còn lớn.
Những năm trước đây, tuyển sinh vào lớp 10 đại trà với tỷ lệ khá cao so với các tỉnh, thành trong cả nước (tuyển 100% học sinh tốt nghiệp THCS ở miền núi và 90 - 95% học sinh tốt nghiệp THCS ở đồng bằng vào lớp 10, trong khi đó một số tỉnh, thành chỉ tuyển sinh khoảng 70%). Vì vậy, chất lượng đầu vào thường thấp hơn các tỉnh, thành khác.
“Trong những năm đến, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, tăng số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ nhà giáo ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là giảm sự chệnh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa phương miền núi và đồng bằng” - ông Tường nêu giải pháp.