Để đối phó với thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều vùng phải sử dụng các phương cách “giải hạn” khác nhau, trong đó phổ biến là khai thác nguồn nước ngầm trong lòng đất. Hậu quả là chất lượng đất và nước đã giảm sút nghiêm trọng.
“Nước đen” trong lòng đất
Các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thường sử dụng tài nguyên nước mặt sẵn có trong tự nhiên, đặc biệt là do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh nên gần đây nguồn nước có dấu hiệu nhiễm bẩn từ hoạt động trên mặt đất. Ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Ninh, nhất là những khu vực có thành phần thổ nhưỡng là đất cát, đất pha cát hoặc khu vực có độ sâu mực nước tĩnh thấp là nơi có nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm bẩn bởi tác nhân sinh học và chất hữu cơ. Kết quả quan trắc môi trường năm 2015 cho thấy, ở khu vực gần bãi rác, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp... dẫn đầu về ô nhiễm nước ngầm. Tại các bãi rác lớn như Đại Hiệp (Đại Lộc), Cẩm Hà (TP.Hội An), Tam Đàn (Phú Ninh), bãi rác Tam Xuân (Núi Thành), lượng nước rỉ ra từ rác thải hàng ngày cực kỳ lớn. Đây là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng chất lượng nước dưới mặt đất. Số liệu quan trắc cũng cho thấy, nước ngầm tại các khu vực gần bãi rác đã bị ô nhiễm vi sinh và có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ. Coliform là chỉ tiêu vượt quy chuẩn thường xuyên và ở ngưỡng cao so với quy chuẩn chất lượng Việt Nam QCVN 09:2008/BTNMT. Đầu năm 2015, vi khuẩn coliform trong nước gần bãi rác Đại Hiệp vượt quy chuẩn đến 83 lần; khu vực gần bãi rác Tam Xuân vượt 80 lần. Ngoài ra, thông số COD, amoni vào một số thời điểm vượt quy chuẩn.
Chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng giảm sút. TRONG ẢNH: Người dân xã Tam Xuân 2 dùng nước ngầm nhiễm bẩn. Ảnh: T.H |
Quan trắc các điểm gần các khu, cụm công nghiệp, chất lượng nước ngầm cũng có dấu hiệu giảm sút. Do không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và không có hệ thống dẫn nước thải ra sông suối, các nhà máy phải xả thải vào đất. Thêm nữa, chất thải phát sinh từ các khu dân cư xung quanh khu, cụm công nghiệp làm gia tăng thêm tác động đến chất lượng nước ngầm. Số liệu quan trắc xác định, nước ngầm tại các khu vực này đã bị ô nhiễm bởi vi khuẩn coliform, COD, amoni. Có thời điểm, khu vực gần các khu công nghiệp Tam Hiệp, Điện Nam - Điện Ngọc, Cụm công nghiệp Tây An, coliform vượt ở ngưỡng cao đến 80 lần so với quy chuẩn. Tại Khu công nghiệp Tam Hiệp có lúc hàm lượng amoni vượt quy chuẩn gấp 41 lần.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước dưới đất tại 8 điểm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2015 cho thấy, tất cả đều bị ô nhiễm amoni, trong đó vượt ngưỡng quy định cho phép tập trung các khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai và Điện Nam - Điện Ngọc. |
Theo ngành nông nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái chất lượng đất sản xuất nông nghiệp là do sử dụng quá mức phân bón và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên đất canh tác. Biểu hiện dễ thấy nhất là giảm tính chất cơ lý, tích lũy kim loại nặng và độc chất trong đất, tăng độ chua của đất... Do tác động bất lợi của các yếu tố về thời tiết, dịch bệnh, nông dân có xu hướng sử dụng phân bón vô cơ nhiều hơn so với phân hữu cơ đã gây sức ép lên môi trường đất. Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, trung bình trên toàn tỉnh, tần suất phun hóa chất bảo vệ thực vật tăng. Cụ thể với cây lúa là 2 - 3 lần/vụ, cây bắp 2 lần/vụ, cây đậu phụng 2 lần/vụ, cây dưa hấu 4 - 5 lần/vụ và cây trồng khác từ 1 - 2 lần/vụ.
Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong các kho chứa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến môi trường đất. Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 6 điểm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nằm rải rác 5 huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Bắc Trà My và Núi Thành. Trong số các địa phương tồn dư hóa chất, thời điểm này chỉ có mỗi thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) đã được UBND tỉnh hỗ trợ 2,7 tỷ đồng xử lý ô nhiễm. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt công đoạn khai thác vàng có xả thải hóa chất độc hại cyanua, thủy ngân... gây tác động xấu không chỉ với môi trường nước mà còn với chất lượng đất. Khu đô thị, khu dân cư tập trung xả ra môi trường các loại nước thải sinh hoạt còn làm xấu đất.
TRẦN HỮU