Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy dân chủ, bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng và huy động mọi nguồn lực đầu tư, thể hiện năng lực nội sinh là điều cốt lõi đã được công bố tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Dấu ấn phát triển
Không khó để nhìn thấy sự thay đổi của Quảng Nam trong vòng 5 năm qua khi tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, đánh thức tiềm năng và quy mô mở rộng ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo Chính trị của đại hội lần này, GRDP Quảng Nam đã tăng bình quân gần 11,5%, bình quân đầu người khoảng 41,4 triệu đồng. Con số này đã vượt đến 6,4 triệu đồng so với chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội XX. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm hơn 6%, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng lên tương ứng. Ngành công nghiệp Quảng Nam đã khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường như ô tô, giày da, may mặc... Thương mại - du lịch - dịch vụ đã gia tăng mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tốc độ tăng trưởng này đã làm giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp hơn 6% nhưng nông nghiệp cũng đã “kịp” bắt nhịp sản xuất hàng hóa, sản phẩm chất lượng gắn với thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở. Sự gia tăng sản xuất đã giúp lao động qua đào tạo tăng lên đạt khoảng 45% và hơn 200.000 lượt lao động đã có việc làm trong vòng 5 năm qua. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 ước đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010.
Thương mại - dịch vụ được Tam Kỳ xác định là thế mạnh và là trọng tâm của kinh tế thành phố trong giai đoạn mới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Bức tranh kinh tế sinh động hơn khi khai phóng tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng. Vùng đồng bằng ven biển, hải đảo được xem là vùng động lực về phát triển kinh tế biển, công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Sự phát triển lan tỏa từ Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp đến chuỗi đô thị đồng bằng ven biển, trung du miền núi với các mô hình kinh tế ngày càng định hình. Quảng Nam đã tính toán hợp lý trong khả năng ngân sách hạn hẹp để tạo động lực phát triển kinh tế từ kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 hơn 76.700 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 10,2%/năm. Quan trọng hơn, nguồn nhân lực, môi trường đầu tư cải thiện đáng kể, đã tạo nền móng thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi PCI luôn được duy trì ở nhóm khá, tốt. Hình ảnh nông thôn mới đã thay đổi tích cực, khả năng cuối năm 2015 sẽ có 56 xã (trên 27%) đạt chuẩn nông thôn mới. Nỗ lực trồng rừng, kết quả những nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất và chất lượng của các chương trình, chính sách khuyến khích thoát nghèo đã đưa đến con số giảm 3%/năm (từ 24,2% năm 2010 còn 8,9% năm 2015).
Không chỉ kinh tế hay văn hóa - xã hội, một nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng ngày càng vững chắc. Tư pháp, năng lực điều hành, cải cách hành chính của hệ thống chính quyền đã được nâng cấp trên tinh thần một nhà nước phục vụ theo quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Mối đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ đã xác lập và định hướng con đường phát triển bền vững cho Quảng Nam...
Nhìn nhận hạn chế
Diễn văn khai mạc đại hội đánh giá, kinh tế dù tăng trưởng khá, từ một tỉnh khó khăn, Quảng Nam đã trở thành một địa phương phát triển khá ở khu vực miền Trung, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh hạn chế. Quảng Nam vẫn loay hoay trong việc tạo nên đột phá về du lịch, dịch vụ. Kết quả thu hút đầu tư, chất lượng nhân lực, năng suất lao động nông nghiệp chưa thể đạt yêu cầu và thiếu sự quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ. Độ chênh lệch về kinh tế hay thụ hưởng văn hóa, chất lượng y tế giữa các vùng miền Quảng Nam chưa được thu hẹp hay lấp đầy và tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Nguyên nhân chính được tính đến là vì quá lạc quan nên việc đánh giá hay dự báo còn chưa sát, đúng với thực tế sinh động, dẫn đến một số chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 khá cao, khiến không thể đạt được. Một khung chiến lược phát triển, kế hoạch, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội hay ngành, lĩnh vực chậm và yếu. Đầu tư công dàn trải, thiếu giải pháp đột phá để huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân và chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, đào tạo nguồn “chưa kịp” phát huy hiệu quả. Đó là chưa kể đến năng lực nội sinh hay trình độ chuyên môn của một bộ phận lãnh đạo, quản lý còn hạn chế…
Theo nhận định của đại hội, hội nhập quốc tế sẽ sâu rộng, Quảng Nam có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng, dư địa sản xuất, dịch vụ còn lớn, nhưng địa phương vốn bị thiên tai, biến đổi khí hậu nặng nề, lại phải đứng trước sức ép cạnh tranh, thương mại tự do khi nền kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thấp. Đại hội lần này đã khẳng định con đường tốt nhất để tạo động lực chất lượng tăng trưởng Quảng Nam vẫn phải tiếp tục dựa vào ba mũi đột phá gắn với cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác thế mạnh du lịch, cộng với việc tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển miền núi bền vững.
Lựa chọn động lực phát triển
Sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu kinh tế và đầu tư công chất lượng, hiệu quả trong vòng 5 năm tới sẽ như thế nào là điều hết sức quan trọng. Quảng Nam không thể khẳng định lấy ô tô hay xi măng làm động lực kinh tế vì độ bấp bênh có thể xảy ra một khi chính sách thay đổi, khiến ngân sách gặp khó. Tỉnh rất cần một lộ trình cụ thể phát triển doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm đặc hữu, nâng cao hệ số sử dụng vốn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… để tạo nguồn thu bền vững. Bởi chính quyền không thể tự mình tạo ra thị trường, ngay cả muốn thu hút được người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có thị trường lao động, nhất là sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp. Ông Trần Nam Hưng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ xác định thương mại - dịch vụ là thế mạnh và là trọng tâm của kinh tế thành phố. Ngoài dịch vụ tài chính ngân hàng, bưu chính, viễn thông, thông tin, vận tải, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, sẽ thu hút công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường và xây dựng một nền nông nghiệp đô thị. Ông Kiều Cư - Bí thư Thành ủy Hội An nói, văn hóa và sinh thái là hai nền tảng gắn kết phát triển du lịch. Khẳng định vai trò chủ thể của người dân cả trong sáng tạo, tự nguyện tham gia và trực tiếp hay gián tiếp được hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa, du lịch mang lại. Nhanh chóng thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa vùng đô thị với vùng nông thôn ngoại vi, tạo điều kiện công bằng hơn cho mọi thành viên trong cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch.
Khó có thể lượng hóa được con số tăng trưởng chính xác trong tương lai, nhưng quan điểm của các đại biểu là từng ngành, địa phương sẽ đi sâu vào các giải pháp giảm nghèo trong việc xác định theo hướng đầu tư cái gì, hạ tầng hay nhân lực. Cần thiết phải định vị cho được con đường xã hội hóa đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh tăng tỷ trọng tích lũy đầu tư bằng các cơ chế, chính sách thuế và thu ngân sách phù hợp. Sẽ có thêm nhiều giải pháp về phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Sự phát triển sẽ đều và rộng khắp trên toàn tỉnh với mục tiêu hàng đầu là chất lượng tăng trưởng. Hy vọng đến năm 2020, các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo. Các huyện đồng bằng tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% và huyện trung du, miền núi ở mức dưới 7% (không bao gồm hộ nghèo thuộc diện trợ cấp xã hội thường xuyên) như Báo cáo Chính trị đại hội lần này đã ước định.
TRỊNH DŨNG - NGUYỄN SỰ