Bước qua tâm thế cùng cực của kẻ tha phương, họ đã đắp xây cuộc sống trên vùng đất đỏ bazan. Trong hành trình ấy, là công cuộc gầy dựng, gìn giữ và phát triển làng người Quảng nơi cách quê nhà hàng trăm cây số.
Xã Nam Yang ban đầu có tên là Plei Piơm 1, năm 1960 đổi tên thành xã Kỳ Bình (ghép từ Tam Kỳ và Thăng Bình), năm 1961 đổi tên là xã Lệ Chí. Năm 1976, sau khi Gia Lai được giải phóng, xã Lệ Chí được đổi tên thành xã Nam Yang thuộc huyện Mang Yang (ghép từ Quảng Nam và Mang Yang). Sau khi chia tách huyện, xã Nam Yang thuộc huyện Đăk Đoa. Hiện toàn Nam Yang có 1.700 hộ với 7.400 nhân khẩu. |
Chúng tôi đang nói đến đất và người của xã Nam Yang, thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai; người dân còn gọi đây là xã Quảng. “Vì ở cái xã này, gần 100% là người gốc Quảng Nam mình. Cái không-phết-mấy-phần-trăm còn lại, là những dâu rể” - ông Nguyễn Tẩu, một trong những người Quảng Nam đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, lý giải.
1. Một sáng cuối đông, bỏ mặc những cơn mưa bất chợt bên ngoài, ông Tẩu khi trầm lặng, khi sôi nổi kể về quãng đường 60 năm trôi qua chớp nhoáng của người Quảng trên xứ này. Là khi đến tuổi này ngồi nghĩ lại, chứ hành trình đã qua ấy, nhiều lúc chẳng khác gì cuộc trần ai. “Vì tôi hỏi chú thế này, đang yên lành ở quê đấy, mà bọn hắn “hốt” nguyên xóm làng, thôn xã đi thì có ức không?” - ông Tẩu hỏi như… bâng quơ, khi ánh mắt hướng ngoài cửa sổ. Thì ra, từ 60 năm trước, khoảng 2.800 con người đặt chân lên xứ Đăk Đoa này là một cuộc đi đày. Hồi đó chính quyền Ngô Đình Diệm lập dinh điền ở Tây Nguyên, và để có người phục vụ trong những dinh điền này bèn thực hiện cái gọi là “những cuộc di dân”. Lần giở từng trang sổ mà mình cất công ghi lại, ông Tẩu cho biết từ cuối năm 1957 đến đầu năm 1958, tổng cộng có 5 lần chính quyền cũ đưa dân từ Thăng Bình và Tam Kỳ vào các dinh điền ở Đăk Đoa.
Anh Ngô Văn Tiên - một trong những tỷ phú người Quảng tiêu biểu ở Nam Yang. Ảnh: XUÂN THỌ |
“Ý đồ sâu xa của chính quyền Sài Gòn là chia tách những người cộng sản khỏi vùng cách mạng” - ông Tẩu giải thích thêm. Thế mà lên trên này, dù bị quản thúc đủ đường, những con người cách mạng xứ Quảng vẫn không rời bỏ nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Cương (87 tuổi, quê gốc xã Bình Giang, Thăng Bình) thỉnh thoảng nhắc nhớ về những kỷ niệm “nhảy núi”. Đó là cách nói của họ dùng để chỉ việc trốn thoát sự truy lùng của nhà cầm quyền khi biết họ vẫn còn hoạt động cách mạng. “Mà như anh Bốn (tức ông Tẩu - NV) mới ớn, chớ bọn tui đã “xi nhê” gì. Ảnh vừa làm cảnh sát cho dinh điền của chính quyền Ngô Đình Diệm trên này, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Bị lộ, bọn hắn bắt bỏ tù, đánh đập ảnh tơi tả” - ông Cương kể. Tôi nhìn sang, ông Tẩu gật đầu cười, nói như để xác nhận thêm: “Bị nhốt ở nhà lao Pleiku từ năm 1965 đến 1970”.
Lớp người thuộc thế hệ ông Tẩu lên trên này, hiện nay còn khoảng 20 người và phần lớn đã già yếu. Trong ký ức họ, những lần “nhảy núi”, tù đày, đánh đập vẫn không “ớn” bằng cái rùng mình nhớ lại mưa rừng gây sốt rét người chết liên tục. “Hồi mới lên, chỉ qua 3 tháng mà có đến hơn 200 người bị chết vì sốt rét, chỉ biết bó chiếu đem chôn” - ông Tẩu nhớ lại. Hồi đó muốn trốn về Quảng Nam chỉ có cách theo đường 19 xuống quốc lộ 1 ở Bình Định rồi ngược về. Nhưng lần nào cũng vậy, vừa đến đèo Mang Yang thì hết nhóm này đến tốp nọ bị bắt trở lại dinh điền.
2. Những khó khăn gian khổ, rồi cũng phủ bụi thời gian, chỉ có cốt cách con người mới làm nên điều lưu nhớ mãi. Và giữa cái nhộn nhịp lẫn trong màu xanh trù phú của Nam Yang ngày hôm nay, đâu đó chuyện xưa lại được nhắc nhớ. Hay ở chỗ, đó là những chuyện hiện rõ mồn một tính cách người Quảng. “Vì thế, cộng đồng người Quảng mình trên này, vẫn còn chất Quảng nhiều lắm” - ông Lê Kim Cường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nam Yang (người gốc xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) khẳng định. Như hồi đầu năm 1996, ông Cường (khi ấy là Bí thư Đảng ủy xã Nam Yang) cùng với ông Nguyễn Tấn Quốc (khi ấy là Chủ tịch UBND xã, nay công tác ở huyện Đăk Đoa) quyết định lên Pleiku để tìm gặp Chủ tịch UBND tỉnh xin kéo đường dây điện trung thế về Nam Yang.
Hồi đó đường sá còn cơ cực, nên lặn lội cả ngày trời mới lên tới Pleiku, nhưng ông Chủ tịch tỉnh lại đi công tác, nghe đâu chừng 10 ngày. “Chẳng lẽ bây chừ về rồi lên lại? Lỡ ổng về nửa chừng, rồi đi nửa chừng nữa thì răng? Rứa là tụi tui đợi, quyết tâm đợi với tâm thế là khi mô gặp được mới về. Cũng may là gặp rồi trình bày thì ông Chủ tịch tỉnh đồng ý cái rụp, sướng rơn” - ông Cường nhớ lại. Trở về xã thông báo, bà con ai cũng mừng và thống nhất đốn mít để đón điện. Nam Yang khi ấy mít hai bên đường rất nhiều, cây nhỏ nhất đường kính gốc cũng đã 60cm. Rồi chưa nói, những cây mít ấy dân làm choái trồng tiêu, có gốc tiêu mỗi lần hái đến 50kg hạt. Nhưng khi nghĩ về lợi ích chung, ai cũng đồng ý hy sinh… mít để mở rộng đường, dựng trụ kéo điện. “Điện về đến, mỗi nhà phải đóng thêm 1,2 triệu đồng để kéo đường dây hạ thế, dân mình vẫn vui vẻ. Nhờ vậy mà đi xin kéo điện về hồi đầu năm 1996 thì cuối năm đó cả xã có điện, ăn tết hoan hỉ” - ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch UBND xã Nam Yang chia sẻ.
Cũng năm đó, thấy việc cần thiết phải mở chợ, nhưng vốn đầu tư không có, không xin được, ông Quốc bèn lấy chiếc xe máy của mình đem đi… cầm lấy tiền cộng với số tiền mà dân đóng rồi đi gặp đơn vị thi công thuyết phục họ làm chợ. “Nhờ rứa bà con mới có chợ, chứ thời điểm đó làm gì có chương trình nông thôn mới như bây giờ đâu” - ông Tùng kể thêm. Ông Tùng còn cho hay, hai năm sau, tức là năm 1998, xã xây trường cấp một với kinh phí hơn 1 tỷ đồng nhưng chỉ xin được 800 triệu đồng. Khi kêu gọi, dân trong xã vui vẻ đóng góp mấy trăm triệu đồng còn thiếu. “Không phải “thoáng” vì có tiền, nhưng dân mình trên này đoàn kết lắm, chất Quảng đầy ra đấy, làm gì cũng nghĩ đến cái chung” - ông Tùng nói.
Xã Nam Yang ban đầu có tên là Plei Piơm 1, năm 1960 đổi tên thành xã Kỳ Bình (ghép từ Tam Kỳ và Thăng Bình), năm 1961 đổi tên là xã Lệ Chí. Năm 1976, sau khi Gia Lai được giải phóng, xã Lệ Chí được đổi tên thành xã Nam Yang thuộc huyện Mang Yang (ghép từ Quảng Nam và Mang Yang). Sau khi chia tách huyện, xã Nam Yang thuộc huyện Đăk Đoa. Hiện toàn Nam Yang có 1.700 hộ với 7.400 nhân khẩu. |
3. Lời ông Tùng nói làm tôi nhớ câu chuyện với anh Ngô Văn Tiên (47 tuổi) trước đó vài tiếng đồng hồ. Anh Tiên là thế hệ thứ hai, được sinh ra trên đất này và thế hệ của anh là lớp người đã làm nên sự phồn thịnh cho xã Quảng - Nam Yang trên đất Gia Lai. Họ đã đi qua từng thất bại, cộng với những bài học kinh nghiệm mà cha mẹ để lại, để gầy nên những cánh rẫy bạt ngàn cà phê, bạt ngàn hồ tiêu. Chính hai loại cây công nghiệp này, chứ không phải là cây cao su trong các dinh điền mà cha mẹ anh đã bỏ sức cho chính quyền cũ, mới là những cây đem lại cuộc sống no ấm cho người Quảng trên Nam Yang. Đi qua những thử nghiệm và đang là giai đoạn trẻ hóa tiêu, cà phê, nhưng anh Tiên hiện có tới hơn 12.000 trụ tiêu, hơn 1.000 gốc cà phê với 4 lao động thường xuyên. “Hai trong số 4 lao động của mình là từ dưới Quảng Nam lên. Cả 4 lao động được mình trả lương 4,5 triệu đồng/người/tháng” - anh Tiên cho biết. Anh Tiên sử dụng ít lao động vì áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, nhờ vậy mà hiệu quả rất ấn tượng. Có thể thấy qua những con số doanh thu: Năm 2012 là 2 tỷ đồng; năm 2013 là 2,2 tỷ đồng; năm 2014 là 3,5 tỷ đồng; năm 2016 là 5 tỷ đồng.
Ở xã Quảng - Nam Yang, anh Tiên không phải là tỷ phú duy nhất. “Vậy thì con số chính xác là ở xã mình có bao nhiêu tỷ phú?”. Ông Tùng lắc đầu: “Chịu!”. Rồi quả quyết: “Ở xã này, có ít nhất là 10 tỷ phú to!”. Trong khi tôi chưa hết trầm trồ, thì ông Tùng tiếp tục: “Nhưng điều mừng nhất là những anh em này rất tích cực trong việc giúp đỡ người khác làm kinh tế, cũng như có nhiều đóng góp cho các hoạt động chung của xã như khuyến học, văn hóa… nhờ vậy mà Nam Yang mới phát triển bền vững như ngày hôm nay”.
Ghi chép của XUÂN THỌ