(QNO) - Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa X), thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, được cử tri của tỉnh quan tâm.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra
Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc các Sở NN&PTNT, Công Thương, LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Đức Tiến - Chánh Thanh tra tỉnh trả lời chất vấn liên quan đến giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra; xử lý, thu hồi tài sản, biện pháp, chế tài xử lý tập thể, cá nhân vi phạm sau thanh tra.
Báo cáo với đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, ông Tiến thẳng thắn nêu ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra và xử lý sau thanh tra. Ông cho biết, một số kết luận thanh tra mặc dù đã có kiểm tra việc thực hiện, có báo cáo kết quả kiểm tra và chỉ đạo của lãnh đạo cấp có thẩm quyền nhưng sau đó vẫn phải theo dõi, đôn đốc các đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện.
Một số đối tượng thanh tra chưa thực hiện nghiêm túc kết luận, văn bản xử lý sau thanh tra, còn chậm trễ trong thực hiện, báo cáo kết quả hoặc báo cáo còn mang tính hình thức; cá biệt có đối tượng chây ỳ, cố tình không thực hiện. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra chưa phát huy hết trách nhiệm đối với việc đôn đốc, chỉ đạo đối với đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra…
Đối với chất vấn của đại biểu Phan Thanh Thiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng việc kiến nghị thu hồi nộp ngân sách với tỷ lệ thấp (mới đạt 30,63%) và giải pháp nào để khắc phục, theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Đức Tiến, tỷ lệ thu hồi thấp chủ yếu số tiền sai phạm nằm ở các doanh nghiệp.
Thanh tra tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các địa phương, các chủ đầu tư là UBND huyện giao tập trung đôn đốc, thu hồi. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi vẫn thấp. Có một số doanh nghiệp giải thể nên khi gửi văn bản tới thì không đúng địa chỉ, số điện thoại cung cấp không kết nối được… Một số doanh nghiệp chây ỳ nhưng chế tài xử lý chưa có. Thanh tra tỉnh đã rất quyết liệt, kể cả phong tỏa tài sản.
Về thông tin đến nay còn 28 tập thể, 2 cá nhân cấp tỉnh, 32 tập thể, 15 cá nhân cấp huyện chưa xử lý hành chính theo kiến nghị làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả sau thanh tra, theo ông Tiến ngành đã có kiến nghị, còn việc xử lý thuộc các cơ quan công quyền.
Giải pháp trọng tâm nào để khắc phục tình trạng này như theo chất vấn của đại biểu Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra, ông Tiến cho rằng, cần đưa vào tiêu chí đánh giá, kiểm điểm xếp loại cuối năm của các tập thể, cá nhân là đối tượng thanh tra trong việc chấp hành kiến nghị thanh tra.
Yêu cầu phải có giải pháp quyết liệt hơn đối với kết quả xử lý sau khi có kết luận thanh tra, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nêu rõ: “Thanh tra không phải đi tìm doanh nghiệp để thu hồi tiền sai phạm, cứ yêu cầu chủ đầu tư phải thu hồi tiền nộp vào ngân sách.
Mạnh mẽ hơn là phải thực hiện giải pháp ai ký hợp đồng với doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm thu hồi tiền sai phạm, không để thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân. Chủ đầu tư phải thực hiện nhiệm vụ này. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm. Ngoài phần tiền, còn xử lý hành chính, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân một cách nghiêm túc, không thể đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nếu không chấp hành kết luận thanh tra”.
Hướng đến cuộc sống người dân
Đăng đàn giải đáp làm rõ thêm một số nội dung chưa được lãnh đạo các ngành trả lời làm rõ, đối với nội dung đang được quan tâm nhiều là quy hoạch 3 loại rừng, làm cách nào để giải quyết có đất sản xuất cho người dân nằm trong vùng quy hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định: Đây là vấn đề rất khó khăn, kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết ổn thỏa.
Để giải quyết hài hòa giữa việc quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tổng hợp xây dựng 2 phương án. Thứ nhất là bồi thường, thu hồi, không nên duy trì ở và canh tác khu vực này mà tập trung cho trồng rừng, phục hồi rừng nhằm đảm bảo tiêu chí về rừng phòng hộ, đặc dụng; phương án hai là không thu hồi, cùng nhau khai thác theo hướng quản lý, phát triển rừng bền vững. Tùy khu vực mà chọn một trong 2 phương án.
Về chất lượng xây dựng nông thôn mới, người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, mỗi giai đoạn sẽ đặt ra các tiêu chí cao hơn, đòi hỏi quá trình xây nông thôn mới phải liên tục, không được ngơi nghỉ. Tất cả vì cuộc sống của người dân, xây dựng không gian nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn. UBND tỉnh giao rà soát hết lại để chỉ đạo thực hiện vừa đạt được mục tiêu xây dựng xã, huyện nông thôn mới, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với đơn vị đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt là ở miền núi.
“Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là cố gắng tối đa, không chạy theo hình thức, nói vậy, nhưng thực hiện không phải dễ, nếu không nỗ lực của toàn tỉnh. Nghị quyết toàn khóa của Tỉnh ủy (khóa XXII) đã xác định các chỉ tiêu, bây giờ phải tập trung thực hiện. Xây dựng nông thôn mới phải làm sao phục vụ trực tiếp cho người dân, hướng đến cuộc sống người dân phải tốt hơn về vật chất và tinh thần, yêu nơi họ đang sống” - ông Thanh nhấn mạnh.
Chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn chưa đạt, mới 2.500ha trên tổng số chỉ tiêu 10 nghìn là rất thấp, vì các nguyên nhân nằm trong vùng thiên tai, thời gian trồng kéo dài từ 8 năm trở lên nên người dân chưa mặn mà.
Giải trình thêm về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: Việc chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn là phải làm, ở khu vực nào, với quy mô bao nhiêu phải tính cho phù hợp, nhưng phải có doanh nghiệp đứng ra làm nòng cốt. Tỉnh đã bàn với Công ty Thaco để bắt đầu tham gia chương trình này vào năm 2023, có đầu mối, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lớn thì rủi ro sẽ thấp. Phải đi lên bằng cách đó!
“Hiện nay, có rất nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh dành cho khu vực miền núi, nhưng việc phát huy tác dụng các nghị quyết này còn hạn chế. Do đó, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương đánh giá lại các nghị quyết dành cho khu vực miền núi, nguyên nhân vì sao triển khai gặp nhiều trục trặc, khó khăn” - ông Thanh phát biểu trước đại biểu và cử tri của tỉnh.
Về nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư đất đai, khoáng sản, bất động sản, các công trình đầu tư công, chi tiêu, bất cập… Không làm tốt việc này thì thu hút đầu tư duy ý chí, không có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục dàn trải, không đúng nguyên tắc, quy định. Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh là không có tư duy nhiệm kỳ, làm đến đâu chắc đến đó.
Một nội dung cũng rất quan trọng nữa, đó là triển khai các kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Đây là các nội dung tỉnh chuẩn bị rất kỹ, và khi báo cáo trước đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội gần như nhận được đồng thuận tối đa. Những nội dung đều rất quan trọng để Quảng Nam triển khai thực hiện, vừa quy hoạch tỉnh, vừa có cơ sở tổ chức thực hiện, mang tầm chiến lược, không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai.