Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Làm rõ nhiều vấn đề bức xúc

19/12/2012 09:37

Hôm qua, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã dành cả ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề bức xúc trên nhiều lĩnh vực đã được đặt ra thẳng thắn...   

Các đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: D.HOÀNG
Các đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: D.HOÀNG

Tam nông - những vấn đề nổi cộm

Những vấn đề lớn, bức xúc trên lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn đặt ra trong phiên chất vấn của kỳ họp lần này gồm: điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; phòng chống hạn vụ đông xuân và giải quyết bức xúc tại các khu tái định cư thủy điện. Đây cũng là những vấn đề mà tại các phiên thảo luận trước đó, nhiều đại biểu đã đề cập, phản ánh từ thực tế các địa phương.

Trong phần trả lời của Giám đốc Sở NN &PTNT, Nguyễn Thanh Quang và sau đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, những băn khoăn của các đại biểu đã được giải đáp khá cụ thể.  Theo ông Nguyễn Thanh Quang, nguy cơ thiếu nước trong vụ đông xuân và cả trong vụ hè thu 2013 là điều rất đáng báo động. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là cả hệ thống chính trị và toàn dân phải quyết liệt vào cuộc. Ngành nông nghiệp đã và đang chủ động tham mưu UBND tỉnh có phương án cụ thể đối phó với tình hình; đồng thời, đề nghị các địa phương phải khẩn trương khảo sát, lập kế hoạch ứng phó cụ thể đối với từng xã, từng khu vực. “Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phải thực sự trở thành ý thức trách nhiệm của mỗi địa phương và bà con nông dân ngay từ lúc này”- ông Nguyễn Thanh Quang phát biểu. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, ngay sau kỳ họp này, ngành nông nghiệp và các địa phương phải khẩn trương rà soát để có phương án sản xuất vụ đông xuân phù hợp; hạn chế tối đa các giống lúa dài ngày; ở những khu vực cuối kênh thủy lợi, nếu cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với tình hình khô hạn. 

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu và lãnh đạo các ngành chức năng cũng trao đổi, làm rõ một số vấn đề như: tình hình thu hồi các khoản tiền sai phạm sau thanh tra còn chậm; số dư tạm ứng lớn tại một số dự án lớn nhưng chậm thu hồi; những bức xúc về nhà ở, khu sinh hoạt văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí;... Đặc biệt, những rắc rối phát sinh từ vụ xử lý bán thanh lý tài sản Nhà máy đường Quảng Nam trước đây (đến nay, vẫn chưa thể bàn giao đất khu vực nhà máy cho địa phương) là vấn đề rất bức xúc của chính quyền và cử tri Quế Sơn. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất. “Không thể để kéo dài tình trạng bỏ đất trống, trong khi nhiều nhà đầu tư muốn đến xây dựng nhà máy” - Chủ tịch UBND tỉnh kiên quyết.

Về điều chỉnh quy hoạch rừng gắn với quy hoạch phát triển cây cao su, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương khảo sát, lập phương án điều chỉnh, đến cuối quý I.2013, sẽ hoàn thành để trình HĐND tỉnh. Riêng những bức xúc về sản xuất, đời sống ở các khu tái định cư thủy điện, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các địa phương liên quan và các ngành chức năng đã rất tích cực trong công tác kiểm tra, đề nghị Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư) giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, đã đạt được một số kết quả cụ thể nhằm ổn định cuộc sống nhân dân. “Tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn chưa thể đáp ứng”- ông Quang thừa nhận. Tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương và các ngành liên quan cần tiếp tục kiểm tra, khảo sát cụ thể từng khu vực tái định cư, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có những biện pháp phù hợp và kịp thời nhằm nhanh chóng giải quyết những bức xúc phát sinh, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Cuối tháng 12 sẽ hoàn trả dứt điểm vốn đầu tư lưới điện nông thôn 

Theo cử tri nhiều địa phương, ngành điện nhận bàn giao lưới điện nông thôn đến nay đã quá lâu, nhưng vẫn chậm tiến hành hoàn trả vốn cho các đơn vị bàn giao. Đồng thời, sau khi được bàn giao, ngành điện chậm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp mạng lưới truyền tải điện ở khu vực nông thôn; nhiều nơi, tình trạng người dân phải kéo điện xa, điện áp thấp, không ổn định vẫn còn khá phổ biến. Vấn đề này cũng được các đại biểu thẳng thắn đặt ra với Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Quang Thử.

Theo Giám đốc Sở Công Thương, so với nhiều địa phương trên cả nước, Quảng Nam là một trong những nơi làm tốt công tác bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện lực. Về việc hoàn trả vốn đầu tư đối với các tổ chức đã đầu tư lưới điện nông thôn trước đây, Quảng Nam cũng thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam là bàn giao đến đâu, hoàn trả dứt điểm vốn đầu tư đến đó. Tuy nhiên, sở dĩ có tình trạng chậm hoàn trả đối với một số công trình trong thời gian qua là do khâu thủ tục tiến hành chậm ở các địa phương. Trong tổng số 9,5 tỷ đồng ngành điện phải chi trả sau khi tiếp nhận bàn giao lưới điện, đến nay đã thực hiện chi trả trên 8 tỷ đồng, chỉ còn gần 700 triệu đồng chưa chi trả cho 14 đơn vị. “Đến  31.12 năm nay, ngành điện sẽ chi trả dứt điểm cho các đơn vị còn lại”- ông Thử cam kết.

Liên quan đến tình trạng yếu kém của lưới điện nông thôn nhiều nơi, ông Nguyễn Quang Thử cho biết, đây là vấn đề không dễ khắc phục trong thời gian ngắn. Dù UBND tỉnh và ngành điện đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư, song để đáp ứng nhu cầu, phải cần hơn 1.000 tỷ đồng. “Đây là nguồn vốn rất lớn, nằm ngoài khả năng của tỉnh và Công ty Điện lực Quảng Nam”- ông Nguyễn Quảng Thử  nói. Tuy nhiên, ông Thử cũng cho biết, từ năm 2013 đến 2015, ngành điện sẽ triển khai 3 dự án đầu tư lưới điện tại Quảng Nam với nguồn vốn khá lớn, hy vọng sẽ giải quyết cơ bản việc cấp điện cho các xã chưa có điện hiện nay và cải thiện chất lượng  chất lượng lưới điện trên địa bàn.

D.HOÀNG - N.ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Làm rõ nhiều vấn đề bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO