Một số nơi từng rơi vào sự cố môi trường rác thải do các khu xử lý trong tình trạng quá tải. Quy hoạch mỗi địa phương có một công trình xử lý chất thải rắn (CTR) tập trung đang gặp phải nhiều rào cản.
Đợi… nhà đầu tư
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nhà máy xử lý CTR sinh hoạt tại xã Cẩm Hà (TP.Hội An), đến nay địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại; doanh nghiệp vừa nộp 6 tỷ đồng ký quỹ phục hồi môi trường. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ.
Hai khu xử lý rác lớn chậm tiến độ
Sở TN-MT cho biết, dự án xử lý CTR Bắc Quảng Nam thuộc thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) do Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco liên doanh đầu tư đang gấp rút thi công, dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành, thay thế cho bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc) đang quá tải. Tuy nhiên, hiện có 2 dự án chưa xây dựng. Đó là nhà máy xử lý CTR sinh hoạt tại xã Cẩm Hà (TP.Hội An) do Công ty CP Đầu tư môi trường và phát triển năng lượng DMC-579 Quảng Nam làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế 120 tấn/ngày đêm.
Doanh nghiệp này chỉ mới ký quỹ phục hồi môi trường hơn 6 tỷ đồng và chưa triển khai xây dựng theo quy định. Còn dự án khu xử lý rác thải Nam Quảng Nam dù đã có chủ trương đầu tư năm 2019 để thay thế cho khu xử lý rác Tam Xuân 2, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500
Trong khi đó, khu xử lý CTR Điện Bàn quy hoạch tại phường Điện Nam Đông và Điện Dương (giáp ranh TP.Hội An) có diện tích 4,5ha, công suất 150 tấn/ngày; sử dụng công nghệ đốt, nhưng địa phương chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp.
UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, đã phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án khu đô thị xung quanh ranh giới vị trí quy hoạch khu xử lý CTR nên quá trình triển khai các khu đô thị gặp khó khăn; vì vậy kiến nghị cho phép địa phương không xây dựng dự án xử lý rác thải mà đưa đi xử lý tại nhà máy xử lý tại huyện Đại Lộc hay TP. Hội An.
Tại Duy Xuyên, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khu xử lý CTR rộng 9ha tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh). Tháng 10.2018, Công ty CP Phát triển nguồn lực bền vững (SRD) - đại diện liên danh các nhà đầu tư đã làm việc với địa phương đăng ký đầu tư dự án khu xử lý CTR trên địa bàn. Nhân dân vùng dự án đồng thuận.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Duy Xuyên, chưa nhận được báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của doanh nghiệp. Vì nhà đầu tư không nộp hồ sơ đề xuất dự án như đã cam kết nên huyện đã làm việc với một nhà đầu tư khác thực hiện dự án xây dựng làng gốm.
Theo đó, diện tích làng gốm khoảng 300ha nằm trong diện tích quy hoạch dự án khu xử lý CTR. Tương tự, huyện Thăng Bình đang quy hoạch khu xử lý tại thôn Đức An (xã Bình Phú) với diện tích 9,8ha. Cái khó theo địa phương là nếu sử dụng công nghệ đốt thì chi phí đầu tư dự án quá lớn, chưa tìm kiếm được nhà đầu tư.
Thiếu sự đồng thuận
Khu xử lý CTR huyện Quế Sơn được quy hoạch tại đồi Da Dù (xã Quế Mỹ) với diện tích 15ha, dự kiến sẽ xử lý CTR cho các địa phương vùng trung của tỉnh. Theo UBND huyện Quế Sơn, toàn bộ khu quy hoạch đã được giải phóng mặt bằng sạch; tuyến đường ĐT611 vào khu xử lý rác được trích đo địa chính nhưng chưa hoàn thành, do 3 hộ dân chưa đồng thuận ký trích đo.
Năm 2021, địa phương thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH Nhiên liệu và năng lượng tái tạo Thuận Phát được tiếp cận, khảo sát lập báo cáo đề xuất đầu tư nhà máy xử lý rác thải nhưng thời điểm này công ty chưa gửi hồ sơ báo cáo đề xuất dự án đầu tư.
Trong khi đó, khu vực dự kiến xây dựng khu xử lý CTR huyện Tiên Phước tại thôn Tài Thành (xã Tiên Hà) với diện tích 6ha, phù hợp với quy hoạch, nhưng địa phương lúng túng vì chưa xác định được công nghệ xử lý. Theo UBND xã Tiên Hà, mặc dù khoảng cách khu xử lý đảm bảo với khu vực dân cư sinh sống nhưng người dân không đồng thuận, đề xuất chuyển vị trí quy hoạch dự án về vùng núi, xa dân cư hơn.
Sở TN-MT đánh giá, nhiều địa phương triển khai đầu tư dự án khu xử lý CTR chậm tiến độ do khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư, xác định công nghệ và tìm sự đồng thuận từ cộng đồng dân cư.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Lê Thị Tuyết Hạnh nói: “Thậm chí, có nơi không nắm rõ các vị trí quy hoạch khu xử lý CTR nên phê duyệt bố trí các dự án khác chồng lấn, chưa quản lý quy hoạch theo đúng quy định; chưa vận động nhân dân nắm bắt và ủng hộ chủ trương đầu tư dự án tại địa bàn”.