Chật vật nguồn nhân lực ngành y - Bài 3: Xoay xở với biên chế

XUÂN HIỀN 13/10/2021 05:58

Sẽ có 570 chỉ tiêu cho đợt thi tuyển viên chức sự nghiệp y tế sắp tới tại Quảng Nam. Đây được kỳ vọng là giải pháp cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực y tế thời gian qua. Tuy nhiên, những vướng mắc khó có thể giải quyết trong một đợt thi tuyển.

Một số cơ sở y tế phải thực hiện cắt giảm hợp đồng lao động dù đang thiếu hụt nhân lực. Ảnh: X.H
Một số cơ sở y tế phải thực hiện cắt giảm hợp đồng lao động dù đang thiếu hụt nhân lực. Ảnh: X.H

Tâm tư người trong cuộc

A Rất Nhưa - bác sĩ của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đông Giang là một trong số 30 y bác sĩ làm việc nhiều năm với hình thức hợp đồng theo Quyết định số 58 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1994. Với gần 20 năm làm việc trong ngành y, nhưng đợt này, nếu muốn tiếp tục gắn bó tại TTYT huyện Đông Giang bác sĩ A Rất Nhưa phải thi tuyển.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, năng lực của cơ sở gần như được kiểm định. Trong đó, nguồn nhân lực vẫn là yếu tố then chốt. Ở đợt dịch thứ 2 hồi năm 2020, đã có nhiều ý kiến yêu cầu ngành y tế có kế hoạch đào tạo nhân lực có khả năng đáp ứng và điều trị Covid-19. Tuy nhiên, cho đến khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Quảng Nam hồi tháng 5.2021, nhân lực có khả năng điều trị Covid-19 tại Quảng Nam vẫn còn khoảng trống lớn.

Tương tự, tại TTYT huyện Thăng Bình, nhiều năm nay có 2 bác sĩ nhưng chỉ hưởng lương bậc y sĩ vì được hợp đồng theo Quyết định 58, khi ấy họ là y sĩ. Phải nhắc lại Quyết định số 58, vì ở thời điểm đó, quyết định này được xem là giải pháp gỡ khó cho nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở.

Theo Quyết định 58, cán bộ y tế cơ sở không nằm trong biên chế nhà nước nhưng được hưởng mọi quyền lợi như giáo viên đang công tác tại xã và theo hệ số ngạch bậc lương của cán bộ nhân viên y tế có cùng trình độ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, số y bác sĩ này lại phải chật vật để tìm con đường tiếp theo trong hệ thống y tế công lập. Đa số họ đã lớn tuổi, nếu thi tuyển, cơ hội chắc chắn không nhiều bằng những người trẻ tuổi.

 

“Tôi nghĩ nên có một cơ chế xét tuyển cho những trường hợp đặc biệt này vì số năm họ đã cống hiến cho ngành y tế. Chúng ta có thể xem họ như những trường hợp cử tuyển mà Quảng Nam đã tổ chức xét tuyển” - một cán bộ ngành y tế chia sẻ.

Tuy nhiên, Sở Y tế cho biết, Bộ Nội vụ không có quy định các trường hợp hợp đồng lao động theo Quyết định 58 được đặc cách xét tuyển.

Ngoài hợp đồng theo Quyết định 58, tại nhiều cơ sở y tế, số lượng hợp đồng lao động lâu năm khá đông, phải thi tuyển đợt này nếu muốn tiếp tục làm việc. Bà Đỗ Thị Vân - Trưởng trạm Y tế xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) cho biết, Trạm Y tế xã Tam Hiệp hiện có 3 biên chế và 3 hợp đồng.

Trong khi số dân của xã lên đến hơn 13,5 nghìn người, cộng với khu công nghiệp và cảng Chu Lai đóng chân, ở những thời điểm dịch bệnh, toàn bộ nhân viên phải làm việc cật lực, không được nghỉ bù, thậm chí thứ Bảy, Chủ nhật vẫn phải đi làm.

Khá lo lắng trước đợt thi biên chế sắp tới trong khi nhân lực tại trạm có tới 3 hợp đồng, hiện Trạm Y tế Tam Hiệp đang tìm cách xoay xở để đảm bảo đủ nguồn lực hoạt động trong thời gian tới. 

Một câu chuyện khác. Chị Lê Thị Mỹ Lụa là cử nhân điều dưỡng, đang công tác tại Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam.

“Hơn tháng nay, tôi tham gia cùng đoàn tình nguyện chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Nay nghe tin thi biên chế tôi rất mừng, nhưng bệnh viện nơi công tác không có chỉ tiêu, đành điện về nhờ bạn bè đăng ký lên huyện Tây Giang. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong này còn phức tạp, không biết đến ngày thi tôi có về kịp không” - Lụa tâm sự.

Mỹ Lụa tốt nghiệp ngành điều dưỡng trung cấp năm 2008, sau đó học liên thông lên cử nhân đại học chuyên ngành điều dưỡng và tốt nghiệp năm 2015, gắn bó với Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam từ đó đến nay.

Chưa sát thực tế

Theo nhìn nhận của Sở Y tế, bất cập chung nhất trong thời gian qua là giao biên chế chưa theo tiêu chí cụ thể, dẫn đến tình trạng phân bổ chỉ tiêu mang tính bình quân, chưa sát thực tế. Ngoài bất hợp lý khi cắt giảm 10% người lao động theo quy định, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm cho ngành y tế cũng gặp phải những bất cập.

Các cơ quan đơn vị xây dựng Đề án vị trí việc làm chủ yếu dựa trên thực trạng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động hiện có và biên chế được giao, chứ không phải theo chức năng, nhiệm vụ.

Ngành y tế hiện đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến biên chế và Đề án vị trí việc làm.
Ngành y tế hiện đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến biên chế và Đề án vị trí việc làm.

Nhưng đối với ngành y tế, Đề án vị trí việc làm cần phải được xây dựng theo chiều hướng quy mô ngày càng mở rộng, dịch vụ kỹ thuật càng phát triển, chuyên sâu, do đó cần phải có thêm nguồn nhân lực để đáp ứng sự phát triển.

Tuy nhiên hiện nay định biên cho ngành y tế dựa trên cơ sở giường bệnh được giao đối với hệ điều trị và trên quy mô dân số đối với hệ dự phòng; đó là chưa kể hằng năm biên chế giao chưa đảm bảo theo quy định, đồng thời thực hiện chủ trương cắt giảm 10% theo lộ trình là khó khăn rất lớn đối với ngành và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, ngành y tế hiện có rất nhiều vướng mắc liên quan đến biên chế và Đề án vị trí việc làm. Theo đó, ở Nghị quyết 102 ban hành hồi năm 2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp và y tế có đề cập nội dung cơ sở y tế công lập được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm để kịp thời thay số viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế).

Cũng tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế rà soát, sửa đổi định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số quy định tại Thông tư 08 ban hành năm 2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

“Thế nhưng đến nay Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về sửa đổi các định biên này. Do đó, Sở Y tế gặp lúng túng trong việc xây dựng định mức viên chức hiện nay. Đối với biên chế viên chức ở đơn vị sự nghiệp, năm 2021 Bộ Nội vụ không giao chỉ tiêu biên chế viên chức, số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ chi thường xuyên hay chi đầu tư” - bà Trần Thị Kim Hoa nói.

.........................

Bài cuối: Lời giải căn cơ cho y tế công

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong hệ thống y tế công lập cần các giải pháp toàn diện và đồng bộ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chật vật nguồn nhân lực ngành y - Bài 3: Xoay xở với biên chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO