“Giấc mơ” đô thị tạo ra làn sóng di cư ồ ạt vào các thành phố lớn với mong ước kiếm việc làm ổn định, cải thiện thu nhập. Quảng Nam không phải là ngoại lệ. Ở các đô thị lớn trong tỉnh, bên cạnh các khu phố văn minh, giàu có còn định hình những tên xóm, khu dân cư nghèo khó, chật chội. Ở đó, người nghèo luôn vất vả mưu sinh, thua thiệt nhiều thứ...
Người buôn bán vỉa hè gặp áp lực do chính sách quản lý đô thị. TRONG ẢNH: Kinh doanh ăn uống trên vỉa hè đường 24.3 TP.Tam Kỳ.Ảnh: H.PHÚC |
“Vùng lõm” đô thị
Ở đô thị loại 2 như TP.Tam Kỳ, riêng việc giảm nghèo cho người dân, chính quyền cũng không thể một sớm một chiều giải quyết được. Phước Hòa là phường giàu nhất của thành phố, bởi mạnh về thương mại, có mạng lưới chợ, siêu thị nằm ở vị trí đắc địa. Vậy nhưng, trong lòng khu phố này cả chục năm nay còn hiện diện xóm Củi, Cồn Thị (khối phố 6) với truyền thống... nghèo. Thế giới của người nghèo biểu lộ rõ ở cuộc sống lam lũ, nghề nghiệp bấp bênh, đất chật người đông nhưng hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém. Nằm sát chợ, sông, người dân quanh năm dựa dẫm vào nghề đánh bắt thủy sản và buôn bán nhỏ. Nhưng, nghề chài bấp bênh, lại càng khổ hơn từ ngày dòng sông Bàn Thạch bị ô nhiễm nặng.
Hộ ông Huỳnh Châu (khối phố 6, phường Phước Hòa) có diện tích nhà vỏn vẹn 70m2, là nơi ở của 3 thế hệ. Ba người con của ông Châu đã lập gia đình rồi sinh con cái nhưng đều sống chung trong ngôi nhà nhỏ hẹp này. Vì không gian sinh hoạt quá chật chội nên người con trai thứ hai dựng cái chòi ra sát mép sông làm chỗ chui ra chui vào. Ông Châu bộc bạch: “Tụi nó đi làm bữa đực bữa cái, làm gì có tiền dư để mua đất dựng nhà. Thằng con đầu gầy yếu mắc đủ thứ bệnh, vào viện vài ngày rồi xin ra, vì đâu có mua bảo hiểm y tế. Như tôi đây trải qua cơn tai biến thập tử nhất sinh, không bảo hiểm y tế phải vay mượn người thân hơn 10 triệu đồng để chữa trị. Tôi ốm đau luôn nhưng sợ vào bệnh viện lắm…”. |
Ông Nguyễn Phú, ngư dân bộc bạch: “Cồn Thị có 100 hộ gia đình thì gần một nửa sống bằng nghề sông nước. Thả lưới, lồng chừ chỉ đủ đong gạo qua ngày, chứ dư dả chi. Nghèo nên con cái bỏ học hết. Đất này con em học đại học hoặc kiếm cái nghề nghiệp ổn định cũng ít ỏi lắm”. Ngư dân ở đây than ngắn thở dài, nước thải, rác thải từ chợ Tam Kỳ và các khu dân cư khác trên địa bàn thành phố xả ra khiến nguồn nước sông nhiễm bẩn. Con cá, con tôm chết, hoặc bỏ đi hết, thậm chí vịt nuôi không đẻ ra trứng. Ngư dân phải chạy ghe xuống tận sông Trường Giang mới kiếm cơm được. Hơn 30 hộ chuyên sống bằng nghề soi, thả lưới trên sông phần lớn là người nghèo. Nhiều gia đình ven sông đông con, ngoài nỗi lo đứt bữa, họ còn sống bất an trong những ngôi nhà tạm bợ. Mùa lũ, Cồn Thị như một “ốc đảo” ngập chìm trong biển nước, đây cũng là nơi mà chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu trong sơ tán dân.
Nhiều thế hệ sinh ra, rồi người từ nơi khác di cư đến để hiện thực hóa giấc mơ đô thị khiến trở nên chật chội. Đất đai thu hẹp vì sạt lở. Dân số cơ học tăng lên vì thế nhiều hộ bất đắc dĩ lấn sông dựng nhà tạm. Tại Cồn Thị, ít nhất có hơn 30 nhà dựng lấn ra sông. Ở bên này sông Bàn Thạch, xóm Củi (phường Phước Hòa) dẫn đầu thành phố về mật độ dân đông. Chưa có thống kê nào về mỗi đầu người sống trong diện tích nhà ở bao nhiêu, nhưng thực tế nơi đây hầu như không có khoảnh đất trống nào, “trắng” công viên vui chơi giải trí, công trình công cộng. Diện tích nhà ở khiêm tốn, hạng mục công trình cấp thoát nước trong tình trạng quá tải nên người dân cũng chịu không ít thua thiệt. Nguồn lực đầu tư, kiến thiết thành phố giới hạn nên nhiều nơi thành “vùng lõm” của sự chậm phát triển.
Áp lực cho người nghèo
Theo các nhà xã hội học, “bẫy nghèo” luôn rình rập với người dân nông thôn lẫn thành thị. Đặc biệt, việc điều tra nghèo khu vực đô thị hiện nay tiếp cận theo phương pháp đa chiều, chủ yếu dựa theo 8 tiêu chí cơ bản gồm thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội càng làm cho giải bài toán giảm nghèo không hề dễ. |
Để tạo ra đô thị có cảnh quan và mỹ quan, chính quyền TP.Tam Kỳ đã nỗ lực xây dựng thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, sắp xếp dân cư, quy hoạch đường phố kinh doanh buôn bán đi vào nền nếp. Bây giờ vỉa hè đường Bạch Đằng đã trả lại sự bình yên vốn có, không còn cảnh bát nháo buôn bán. Nhiều người buôn gánh bán bưng, kinh doanh trên vỉa hè là dân từ nơi khác đến. Bất cứ đô thị hiện đại nào trên thế giới cũng đều mở cửa đón người di cư. Ở đô thị như Tam Kỳ, Hội An, Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), Hà Lam (Thăng Bình), Núi Thành... không rõ có bao nhiêu người di cư đến làm ăn sinh sống, có điều nhóm cư dân này dựa vào nguồn sống duy nhất là sức lao động (khác hẳn với nguồn sống đa dạng của cư dân bản địa từ cho thuê mặt bằng nhà ở đến kinh doanh, các dịch vụ thu lợi khác). Phần lớn dân di cư đều có tay nghề lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề. Nguồn thu nhập thiếu ổn định nên họ ngại tham gia các hình thức bảo hiểm, hưởng lợi dịch vụ y tế cần thiết. Thậm chí con em của người vừa mới di cư đến còn gặp khó khăn trong tiếp cận học tập các ngôi trường công lập.
Chị Nguyễn Thị H. (quê ở Tam Xuân 1, Núi Thành) bán cháo lòng trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (TP.Tam Kỳ) nhiều năm nay. Chị bảo, những người bán vỉa hè như chị khổ sở trăm bề. Bởi, mỗi sáng vừa lo thức ăn không bị ế ẩm vừa tìm cách đối phó với nhân viên của đội quy tắc đô thị thành phố. “Không có vốn, cực chẳng đã em mới ra vỉa hè kiếm sống. Để tồn tại, có lúc như đi... chạy giặc” - chị H. nói. Tôi đã nhiều lần chứng kiến trên một số tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hùng Vương (TP.Tam Kỳ)... nhiều người buôn bán hàng rong đã rơi nước mắt khi cán bộ đội quy tắc đô thị tịch thu “cần câu cơm” của họ. Những lệnh cấm hàng rong nơi công cộng, thu phí vỉa hè, lòng đường... phần nào hạn chế môi trường, không gian kiếm sống cho người nghèo. Cho nên, tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo đảm bảo cuộc sống, giải quyết căn cơ những bức bách, hệ lụy an sinh xã hội, âu cũng là trách nhiệm của chính quyền đô thị hiện nay.
HỮU PHÚC