Chất xúc tác từ Tam Thăng

HÀ QUANG - ĐIỆN NGỌC 27/01/2020 07:14

(Xuân Canh Tý) - Sau 5 năm thu hút đầu tư, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đã trở thành vùng đất công nghiệp với vẻ nhộn nhịp, gấp gáp đến ngỡ ngàng. Cái không khí ấy đang lan tỏa và góp phần tạo động lực cho nhịp sống công nghiệp ở vùng đông nam của tỉnh.

Toàn cảnh KCN Tam Thăng. Ảnh: XUÂN ĐẠT
Toàn cảnh KCN Tam Thăng. Ảnh: XUÂN ĐẠT

Nhịp sống mới

Chiều sẫm dần, chúng tôi chen vào dòng người xe đổ ra từ Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ). Đường rộng 27m nhưng vẫn rất chật chội trong giờ tan tầm. Trời tối nhanh, cái chật chội còn bởi những cột đèn ven đường chưa kịp sáng lên, người xe như chen dưới bóng tối, lộ rõ những chiếc đèn đom đóm của một khu chợ tạm.

Khu chợ công nhân này đang vào thời điểm đông đúc, cảnh mua bán nhộn nhịp, trái với khu mua sắm Panko Plaza ở phía đối diện trên trục đường Lê Thánh Tông - đèn sáng rực nhưng thưa thớt người. Anh Nguyễn Thanh Lâm (nhân viên khu mua sắm Panko Plaza) cho biết, ngày thường có ít khách vào đây nhưng cuối tuần thì đông hơn, và chủ yếu là người Hàn Quốc làm việc trong KCN Tam Thăng. Hàng hóa ở đây đa dạng, phần lớn nhập từ Hàn Quốc với giá tương đối cao nên khó thu hút công nhân.

Tam Thăng thật sự đã trở thành vùng đất công nghiệp. Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, hầu hết lao động địa phương từ 18 đến 40 tuổi đều vào làm ở các dự án thuộc KCN với khoảng 1.500 người. Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch nhanh sang dịch vụ - thương mại với hàng trăm cửa hàng, quán xá. Hiện trên địa bàn có khoảng 500 nhà trọ với hơn 1.000 phòng cho thuê, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động khắp nơi tập trung về.

Tam Thăng tấp nập người vào ra, riêng lực lượng lao động tại KCN đã lên đến 10.000 người. Các quán cà phê, giải khát mở cửa từ rất sớm, chật kín khách; tiệm ăn, cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng, thiết bị điện nước mọc san sát... Nhịp sống công nghiệp đã tạo ra những áp lực mới về quản lý xã hội, nhưng theo ông Phong, những vấn đề phát sinh trên địa bàn đã được tính đến với nhiều giải pháp, dù chật vật bước đầu nhưng đến nay đã dần ổn định. Cụ thể như hạ tầng giao thông cũng không phải là nỗi lo lớn khi đã được quan tâm đầu tư...

“Điểm cộng” về hạ tầng

Theo ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (chủ đầu tư KCN Tam Thăng), cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, cây xanh… tại KCN được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ. Đến thời điểm này tuy chưa đầu tư xây dựng nhà trẻ, siêu thị lớn nhưng đã có một số công ty hình thành các siêu thị nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu của người lao động. Công ty TNHH MTV Panko Hàn Quốc đã xây dựng ký túc xá nhân viên với quy mô 2.000 chỗ nhưng hiện nay mới có hơn 300 người ở. Bên cạnh đó công ty này cũng xây dựng một khu siêu thị có đủ mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cán bộ, công nhân viên trong KCN... Đó là những điểm nhấn ban đầu đáp ứng cho nhịp sống công nghiệp của vùng đất Tam Thăng và là chất xúc tác để tiếp tục thu hút các dự án dịch vụ, thương mại.  

Hối hả vào ca. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Hối hả vào ca. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Giao thông thuận lợi đang được xem là “điểm cộng” của KCN Tam Thăng. Nhiều nhà đầu tư không những hài lòng với hạ tầng trong KCN mà ngay cả khu vực xung quanh. Đường sá vào Tam Thăng đã được rộng mở và tiếp tục đầu tư, kết nối liên hoàn đến các tuyến chính cả trục dọc và trục ngang. Hiện có nhiều tuyến đường chính từ quốc lộ 1 xuống KCN Tam Thăng, như ĐT615 (từ ngã ba Kỳ Lý) đang được mở rộng mỗi bên 1m; trục đường chính vào KCN từ quốc lộ 1 mở rộng giai đoạn 2, đường Nguyễn Văn Trỗi, Điện Biên Phủ từ Tam Kỳ... Các trục dọc như đường Lê Thánh Tông, đường Thanh niên ven biển, tuyến 129 được xây dựng hoàn chỉnh đã tạo ra mạch lưu thông thuận tiện.

KCN Tam Thăng là một trong 5 KCN của Khu kinh tế mở Chu Lai với tổng diện tích khoảng 200ha, hiện gần như đã lấp đầy dự án nên việc thu hút đầu tư không phải là điều đáng lo. Hơn thế, từ những “điểm cộng” về hạ tầng, về dự án động lực, về môi trường đầu tư... nên KCN này được xem là chất xúc tác trong mối liên kết với các dự án, KCN vùng đông. Đây có thể được xem là vùng công nghiệp “trọng điểm” bởi có khả năng kết nối với cảng Tam Hiệp, Kỳ Hà, Dung Quất, sân bay Chu Lai về phía nam; sân bay quốc tế Đà Nẵng và cảng Tiên Sa về phía bắc.

Chất xúc tác từ Tam Thăng được nhìn thấy từ nội lực và trong hình dung về sự cộng sinh từ những cái bắt tay hợp tác!

Quảng Nam đồng hành cùng doanh nghiệp

Các dự án đã và đang triển khai ở Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) bước đầu cho thấy hiệu quả từ chủ trương thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng đông nam của Quảng Nam. Nói về việc chính quyền đồng hành với doanh nghiệp, ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng chia sẻ:

Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam vì có thị trường xuất khẩu hải ngoại thuận lợi. Việt Nam đã và sắp ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm tạo ra vô vàn điều kiện tốt cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp và phát triển đất nước như EU-FTA, CPTPP, RCEP... Miền Trung Việt Nam là nơi đang đón nhận nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ. Quảng Nam có vị trí địa lý khá thuận lợi, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng chừng 70km. Khu công nghiệp Tam Thăng thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai có nhiều ưu đãi về đầu tư và thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân), có cơ sở hạ tầng ổn định, ngoài ra còn có giá sử dụng đất cũng như giá điện không cao.

Kết quả kinh doanh cho đến thời điểm hiện tại của công ty chúng tôi đạt được 70% so với mục tiêu ban đầu đặt ra. Hiện tại, nhà xưởng dệt và nhuộm có thể sản xuất 60 tấn/ngày, xưởng may với 120 chuyền có thể sản xuất 3.600 tấn áo/tháng. Lượng lao động hiện tại là 6.700 công nhân. Chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư, kỳ vọng đạt 100% trong thời gian ngắn sắp tới.

Chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh cùng TP.Tam Kỳ đã hỗ trợ chúng tôi làm thủ tục đầu tư, các thủ tục hành chính trong việc thành lập pháp nhân và hoạt động nhà xưởng. Ngoài ra chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động.

Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các cơ quan của tỉnh trong việc tuyển dụng nhân lực, thực hiện các chính sách liên quan để thu hút lao động nhiều hơn. Tỉnh cần giúp chúng tôi tạo các cơ sở học tập và môi trường đào tạo lao động, hy vọng trường học nghề của tỉnh sẽ sớm có khoa dạy tiếng Hàn Quốc, khoa chuyên ngành may mặc, thiết kế, CAD/CAM... để đào tạo nhiều nhân tài đến và làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt ở Quảng Nam. Chúng tôi mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may như in, thêu, sản xuất và cung cấp nguyên phụ liệu. Điều cuối cùng, chúng tôi cần tỉnh cải thiện về các giao dịch ngoại tệ vì hiện tại với L/C at sight (tín dụng thương mại), chúng tôi phải mất đến 2 - 3 tuần thì mới có thể nhận được tiền hàng.

NGUYỄN QUANG (ghi)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chất xúc tác từ Tam Thăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO