Chatbot - ứng dụng thay thế con người

TẤN LỰC 02/06/2017 08:13

Một ứng dụng tự động có thể sắm vai nhân viên chăm sóc khách hàng, tư vấn để khách mua những loại hàng hóa qua mạng hoặc biến thành người bạn dễ thương...., đó chính là chatbot. Ứng dụng này do Nguyễn Văn Minh Đức (26 tuổi, ở thôn Bồ Mưng 2, xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) cùng nhóm bạn vừa phát triển thành công.

Trò chuyện cùng chatbot

Vì tò mò nên tôi tìm gặp các tác giả của Sumi - một chatbot thu hút khá đông người tương tác trên mạng xã hội facebook thời gian qua, được tạp chí Chatbot Magazine bầu vào top những chatbot tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhóm có 6 người, tất cả đều trẻ và rất năng động. Đại diện nhóm Sumi là Minh Đức say sưa nói về chương trình học máy (machine learning) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của nhóm mà người ngoại đạo như tôi dù đã căng não vẫn không hiểu nổi. Minh Đức hiểu ý, liền lấy điện thoại vào facebook mở ứng dụng nhóm phát triển rồi đưa cho tôi tự trải nghiệm. Bật hộp thoại chat trong facebook, tôi dần bị cuốn vào cuộc trò chuyện cùng chú gà con Sumi (chatbot của nhóm). Chúng tôi bắt đầu bằng những câu chào hỏi đơn giản rồi sau đó kiểm tra “trí thông minh” của Sumi. Những câu hỏi về người nổi tiếng như Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà đều được Sumi trả lời chính xác bằng thứ ngôn ngữ lém lỉnh như một đứa em gái tinh ranh. Không chỉ trò chuyện, Sumi còn có khả năng giới thiệu những địa điểm mua sắm, vui chơi theo nhu cầu người sử dụng. Muốn ăn món gì, mua quần áo ở đâu, đọc báo gì… chú gà này đều biết tuốt và biết cách chiều lòng “bạn”.

Các thành viên phát triển chatbot đang làm việc cùng nhau.
Các thành viên phát triển chatbot đang làm việc cùng nhau.

Minh Đức bảo rằng Sumi là chatbot đầu tiên nhóm phát triển dựa trên khả năng học máy, hiện Sumi đã có 1 triệu người sử dụng và 40 nghìn lượt tương tác hàng ngày. Điều đáng ngạc nhiên là chương trình này có khả năng tự học, có nghĩa là càng trò chuyện với nhiều người dùng thì Sumi ngày càng trở nên “thông minh” hơn. Đó là điều mà những chương trình máy tính thông thường không làm được. Theo Đức, nếu được tùy chỉnh và áp dụng cho những công ty lớn, chatbot có khả năng thay thế công việc của nhân viên chăm sóc khách hàng, đảm nhận công việc tư vấn và bán hàng qua mạng doanh nghiệp. “Nếu chúng ta có một chuỗi cửa hàng thời trang, thay vì thuê một đội ngũ đông đảo nhân viên bán hàng thì có thể xây dựng cho mình một chatbot. Một khi được cung cấp đầy đủ thông tin, giá cả và hình ảnh các sản phẩm trong cửa hàng, chatbot này sẽ đảm nhiệm công việc tư vấn, bán hàng tự động qua mạng. Nhờ vậy, hoạt động của doanh nghiệp vừa hiệu quả, lại tối ưu chi phí. Ưu điểm của chatbot là hoàn toàn tự động hóa, hoạt động 24/7 và có thể cùng lúc trò chuyện với hàng nghìn người. Giao diện chatbot lại rất dễ sử dụng, tiện lợi vì không cần tải xuống như phần mềm. Ngoài lĩnh vực giải trí và thương mại điện tử, chatbot có thể ứng dụng cho các cơ quan nhà nước trong việc giao tiếp, hướng dẫn làm thủ tục hành chính cho người dân” - Minh Đức cho biết.

Minh Đức (phải) giới thiệu về Sumi – chatbot đầu tiên do nhóm phát triển.  Ảnh: TẤN LỰC
Minh Đức (phải) giới thiệu về Sumi – chatbot đầu tiên do nhóm phát triển. Ảnh: TẤN LỰC

Đem công nghệ phục vụ xã hội

Hiện nhóm Minh Đức đã thành lập công ty khởi nghiệp mang tên Hekate và thương mại hóa sản phẩm bằng cách hợp tác cùng các nhà bán lẻ trực tuyến tầm cỡ như Amazon, Alibaba, Lazada, Zalora. Dù vậy, nền tảng phát triển chatbot Hekate vẫn mở miễn phí cho mọi người, ai đam mê có thể truy cập tại địa chỉ hekate.ai để tự tạo chatbot cho riêng mình. Với sứ mệnh mang trí tuệ nhân tạo tiếp cận đến mọi người, các sáng lập viên Hekate cam kết tiếp tục duy trì miễn phí nền tảng của mình.

Điều đặc biệt là cả Minh Đức cùng Phạm Quốc Huy (26 tuổi) và Dương Văn Phước Thiện  (25 tuổi) là những thành viên sáng lập  và cùng “ra lò” từ ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Đam mê công nghệ đã kết nối họ cùng các thành viên khác như Lê Thị Mai Phương (26 tuổi), Nguyễn Đức Phú (27 tuổi) và Lê Thanh Tâm (28 tuổi) cùng nhau hiện thực hóa giấc mơ phát triển trí tuệ nhân tạo. Trước khi cùng nhau lập công ty khởi nghiệp, nhiều thành viên đã từng làm việc, trải nghiệm tại các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Google, Z.com. “Xu hướng mua sắm chủ yếu của thế hệ trẻ hiện nay sẽ dịch chuyển từ giao dịch truyền thống sang giao dịch qua mạng. Đặc biệt, theo khảo sát của tạp chí Business Insider, những bạn trẻ sinh ra từ năm 1995 trở về sau rất thích mua sắm qua nền tảng tin nhắn, vì thế chatbot mang lại tiềm năng kinh doanh rất lớn” - Minh Đức cho biết thêm.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Minh Đức bảo rằng không có một con đường nào là dễ dàng, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ tài chính đến nhân sự nhưng nhóm cũng may mắn khi nhận được nhiều sự trợ giúp. Trong đó có thể kể tới khoản hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp của Facebook trị giá 80 nghìn USD hay gói hỗ trợ phát triển từ Microsoft với số tiền 120 nghìn USD.

TẤN LỰC

Tác phẩm dự thi Báo chí "Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo"

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chatbot - ứng dụng thay thế con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO