Châu Á, 20 năm cuộc khủng hoảng tiền tệ

NAM VIỆT 03/07/2017 20:39

(QNO) - Hai mươi năm sau biến cố tài chính, châu Á trở thành khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động, đầu tàu của nền kinh tế thế giới.

Tại một sàn giao dịch chứng khoán ở châu Á- ảnh: WSJ
Tại một sàn giao dịch chứng khoán ở châu Á. Ảnh: WSJ

Tháng 7.1997, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu ở Thái Lan, lan rộng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tài chính lớn và tác động đến giá cả của những tài sản khác trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu người bị đẩy xuống dưới mức nghèo, mất ổn định chính trị tại một số quốc gia.

Supop Pavanan, hiện là một chủ cửa hàng lưu niệm tại Thái Lan cho biết, lúc đó dường như không còn cách nào khác. Điều tồi tệ nhất là không biết điều gì xảy ra với bạn. Hai mươi năm trước, Supop Pavanan bán hàng ăn dạo trên đường phố Thái Lan, nơi thu hút khách du lịch hàng đầu khu vực, với thu nhập của Pavanan có lúc cao điểm lên đến 3.000 USD một tháng. Khi khủng hoảng tài chính ập đến, việc Supop Pavanan kiếm được 200 USD/tháng đã là may mắn so với nhiều nạn nhân của cuộc khủng hoảng đó. “Bạn không thể xin việc vì không ai cần nữa. Bạn không thể bán hàng vì không ai mua. Bạn không thể vay tiền đầu tư vì không ai cho bạn điều đó” - Supop Pavanan nhớ lại.

Tạp chí tài chính - kinh doanh Bloomberg cho biết, 20 năm sau với không ít bài học kinh nghiệm, nhiều chuyên gia tài chính tin rằng sẽ rất khó xảy ra một vụ khủng hoảng tương tự nhờ vào “bức tường rào” tài chính vững chắc tại khu vực. Nếu như năm 1996, dự trữ ngoại hối tại châu Á chỉ đạt 1.000 tỷ USD, con số này hiện tăng lên 6.000 tỷ USD, chiếm hơn một nửa dự trữ ngoại hối toàn cầu, giúp nền kinh tế khu vực có đủ tiềm lực để phát triển, tránh được các cú sốc tài chính từ bên ngoài. Riêng tổng dự trữ ngoại hối của 5 quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD vào cuối năm 2016, cao gấp 5 lần so với năm 1996. Hầu hết các quốc gia trong khu vực hiện có chế độ tỷ giá hối đoái, cách thức một đất nước quản lý đồng tiền của mình liên quan đến các đồng tiền nước ngoài và quản lý thị trường ngoại hối, giảm áp lực lên các ngân hàng.

Cũng theo Bloomberg, tài khoản vãng lai của các quốc gia châu Á đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với thời điểm năm 1996, được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá sức chịu đựng của một quốc gia trước khủng hoảng. Nhiều quốc gia khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, gia nhập vào “câu lạc bộ tăng trưởng GDP 6% trở lên” như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế khu vực có những bước đi đúng hướng nhằm giảm thiểu nợ nước ngoài, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Đồng thời giảm phụ thuộc vào xuất khẩu mà thay vào đó kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ vào cơ cấu dân số trẻ với xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng, đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng, châu Á cần có nội lực để có thể tự bươn chải trong một môi trường thế giới bất ổn. Đầu tháng 7.1997, Chính phủ Thái Lan không thể tiếp tục neo đồng baht vào đồng USD, khiến giá baht lao dốc, từ đó tạo nên làn sóng chao đảo thị trường tiền tệ khu vực và quốc tế. Hiện tại, đồng bath trở thành đồng tiền được giới đầu tư ưa chuộng. Hơn nữa, các quỹ đầu tư toàn cầu đã rót khoảng 45 tỷ USD đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan kể từ đầu năm nay.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Á, 20 năm cuộc khủng hoảng tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO