Châu Á chú trọng phát triển công nghệ vũ trụ

QUỐC HƯNG 20/06/2013 08:28

Công nghệ vũ trụ hiện được xác định là một trong những công nghệ ưu tiên cần phát triển trong thế kỷ XXI.

Qủa vậy, công nghệ vũ trụ đang cung cấp nhiều thông tin cần thiết khi giúp các nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương vượt qua nhiều trở ngại lớn để phát triển. Các chuyên gia khoa học công nghệ khu vực khẳng định, các dữ liệu thu được trong vũ trụ thông qua những vệ tinh quan sát đã cung cấp thông tin quan trọng để chúng ta nhận biết được trái đất hoạt động ra sao và những khu vực xung quanh nó đã trải qua những diễn biến phức tạp như thế nào. Từ đó, các nhà chuyên môn, hoạch định chính sách phát triển có thể làm dịu bớt những tác hại từ những biến động như thảm họa của thiên tai. Trong đó, châu Á luôn hứng chịu nhiệu thiệt hại nặng nề cả về nhân mạng và kinh tế nên rất cần các hệ thống quan sát khí tượng thủy văn hiện đại nhất để dự báo các mối đe dọa từ thiên tai một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Điều này góp phần vào công tác chỉ đạo phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các hiện tượng nguy hiểm và những hiểm họa do chúng gây ra nhằm kịp thời ứng phó cũng như cách thức khắc phục hậu quả.

Một hệ thống viễn thám của Nhật Bản đang hoạt động.
Một hệ thống viễn thám của Nhật Bản đang hoạt động.

Các chuyên gia công nghệ vũ trụ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, công nghệ vũ trụ cùng với Hệ thống thông tin địa lý (GIS)  được hình thành vào những năm 1960 và phát triển rất rộng rãi trong 10 năm lại đây. Trong đó, GIS là công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. GIS có khả năng trợ giúp các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các cá nhân... thông qua các chức năng thu thập, quản lý, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin trên cơ sở tọa độ của các dữ liệu đầu vào. Theo ông Yusuke Muraki, một chuyên gia công nghệ vũ trụ của ADB, hiện có 3 loại công nghệ vệ tinh được sử dụng phổ biến là vệ tinh viễn thám, vệ tinh định vị và thời gian, truyền thông và phát thanh. Trong đó, vệ tinh viễn thám đem lại nhiều hiệu quả khi cho phép thu thập dự liệu cũng như hình ảnh về lãnh thổ.

Đến nay, ADB đã hợp tác với nhiều cơ quan khoa học và công nghệ vũ trụ của nhiều nước để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước trong khu vực thông qua các công nghệ vũ trụ. Vào năm 2010, ADB đã ký kết thỏa thuận với Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản nhằm hợp tác công nghệ vũ trụ để quản lý những rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước trong khu vực. Hay đó là dự án cố vấn kỹ thuật các mục tiêu an ninh lương thực và hợp tác 6 nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc). Theo ông Yusuke Muraki, mặc dù hạn hán là một vấn đề lớn của khu vực nhưng hiện các nước tại đây vẫn chưa có công cụ chuẩn mực để đo lường hiện trạng này. Do đó, một hệ thống quan sát và theo dõi tình hình hạn hán khi sử dụng dữ liệu vệ tinh miễn phí sẽ được phát triển vì hợp tác an ninh lương thực trong khu vực.

QUỐC HƯNG

(Theo Asian Development Bank)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Á chú trọng phát triển công nghệ vũ trụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO