(QNO) - Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Á. Nhiều nước trong khu vực đẩy nhanh tiêm phòng vắc xin cho người dân để dần mở cửa trở lại an toàn.
Đầu tuần này, Thái Lan khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 quy mô toàn quốc. Thái Lan đề ra mục tiêu chích ngừa cho 70% dân số đến cuối năm nay trước khi bắt đầu xuất khẩu vắc xin và chuẩn bị cho đất nước mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 1.2022.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói: “Vắc xin sẽ là chìa khóa để mở cửa đất nước, hồi sinh du lịch và kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường. Việc triển khai tiêm chủng sẽ tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin công bằng”.
Hai loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện được sử dụng tại Thái Lan là vắc xin Sinovac từ Trung Quốc và vắc xin của hãng AstraZeneca được sản xuất ngay tại Thái Lan. Chính phủ cũng đang xúc tiến mua hàng chục triệu liều vắc xin của các hãng dược Pfizer và Johnson & Johnson.
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu thiệt hại nặng nề của đại dịch Covid-19, đến nay có hơn 180 nghìn người mắc và 1.300 ca tử vong.
Là quốc gia bị tác động nặng nhất do Covid-19 tại châu Á, Ấn Độ - đất nước hơn 1,3 tỷ người hy vọng sẽ tiến hành tiêm chủng miễn phí cho tất cả người trưởng thành trên 18 tuổi tại nước này vào cuối năm 2021.
Vào đầu năm nay, Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng được cho là lớn nhất thế giới để chống lại Covid-19, ưu tiên cho nhân viên y tế, an ninh và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Từ ngày 28.4, Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng cho những người từ 18 đến 45 tuổi trong lúc đại dịch bùng phát mạnh trở lại.
Ấn Độ đang sử dụng 2 loại vắc xin Covid-19. Là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ cũng đang đàm phán với 3 nhà sản xuất vắc xin nước ngoài là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson để bổ sung nguồn cung vắc xin.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 từ cuối tháng 6, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến nhằm tăng tốc độ tiêm chủng trước khi bắt đầu Thế vận hội Tokyo vào tháng 7 tới.
Chiến dịch tiêm chủng tại Nhật được cho diễn ra chậm so với hầu hết các nền kinh tế lớn. Do đó, Chính phủ Nhật giao nhiều quyền kiểm soát hơn cho các thành phố và công ty để thiết lập các hệ thống và trung tâm quản lý vắc xin của họ. Như tiêm chủng tại nơi làm việc hay các công ty sẽ bắt đầu từ ngày 21.6 tới đây với vắc xin của Moderna.
Như hãng Panasonic của Nhật triển khai tiêm phòng tại Tokyo, Osaka, Fukuoka và Shiga... cho nhân viên của hãng, sau đó xem xét mở rộng sang các gia đình và cư dân địa phương.
Mặc dù các công ty và trường đại học sẽ chịu trách nhiệm bố trí địa điểm và nhân viên y tế phục vụ công tác tiêm chủng một cách độc lập nhưng Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu các chi phí và thiết bị cần thiết.
Hàn Quốc sẽ cho phép các nhóm công dân đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 được du lịch đến các nước có tình hình dịch bệnh ổn định, sớm nhất vào tháng 7 tới trong khi Hàn Quốc đẩy mạnh tiêm phòng. Hiện tỷ lệ dân số tại Hàn Quốc được tiêm vắc xin đạt 16,5%.