(QNO) - Châu Á dự kiến tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Theo báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á được công bố vào ngày đầu tiên của hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 kéo dài 4 ngày (28 - 31/3) ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), châu Á dự kiến tiếp tục thúc đẩy sản xuất, thương mại, đầu tư, hội nhập và gắn kết tài chính trong khu vực, là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, đồng thời nhấn mạnh "thời điểm châu Á" trong quản trị kinh tế toàn cầu.
Hội nghị năm nay thu hút hơn 2.000 đại biểu thuộc giới chính trị, kinh doanh, học thuật và truyền thông của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hội.
Báo cáo được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 1,7%, so với 3,4% của năm 2022, do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và những biến động trong lĩnh vực tài chính.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực đạt 4,5% vào năm 2023, tăng từ mức 4,2% của năm ngoái, khiến châu Á đạt “thành tích nổi bật” trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.
"Dù chuỗi cung ứng toàn cầu trải qua nhiều sự gián đoạn trong những năm gần đây, sự tự lực của các nhà máy châu Á được tăng cường và các nền kinh tế khu vực tiếp tục đóng vai trò không thể thay thế trong chuỗi giá trị toàn cầu" - báo cáo lưu ý. Điều đó cho thấy vai trò của nền kinh tế châu Á như một đầu tàu cho nền kinh tế thế giới.
Ông Li Baodong - Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao nhận định: "Báo cáo cho thấy trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và bất ổn gia tăng, các nước châu Á đang đương đầu giải quyết các thách thức và trở thành động lực tăng trưởng đáng tin cậy của thế giới, đồng thời là lực lượng hỗ trợ quan trọng cho chủ nghĩa đa phương".
Tuy vậy, hội nghị năm nay thừa nhận, châu Á cần tìm tiếng nói chung để giải quyết các thách thức của khu vực, cảnh báo thị trường lao động châu Á vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Như vào năm 2023, áp lực lạm phát ở châu Á dự kiến sẽ giảm bớt, nhưng các yếu tố đẩy lạm phát lên và xuống có thể cùng tồn tại.
Châu Á cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi công nghiệp toàn cầu và đảm bảo nguồn cung các sản phẩm quan trọng.
Cạnh đó, hội nghị thảo luận đến các vấn đề liên quan từ đến phát triển và hội nhập kinh tế khu vực, y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, quyền sở hữu trí tuệ và trí tuệ nhân tạo...
Diễn đàn châu Á Bác Ngao hay "Diễn đàn Davos của châu Á" năm nay có chủ đề "Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức". Diễn đàn châu Á Bác Ngao thành lập năm 2001, nhằm thảo luận các vấn đề nóng tại châu Á cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.