(QNO) - Trang bị các công cụ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và video deepfake (giả mạo), tội phạm mạng đang tạo ra trò lừa đảo có thể vượt qua các biện pháp an ninh truyền thống, đe dọa các doanh nghiệp trên khắp châu Á và gây thiệt hại hàng triệu USD.
Theo dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ xác minh toàn cầu Sumsub, các trường hợp lừa đảo deepfake tăng vọt khắp châu Á vào năm ngoái.
Làn sóng tội phạm mới này là kiểu lừa đảo tinh vi, thực hiện tỉ mỉ chiến thuật tấn công phi kỹ thuật (tác động trực tiếp đến tâm lý con người để đánh cắp thông tin, dữ liệu của cá nhân và tổ chức) và bao gồm nội dung thoại, video có độ chân thực cao cũng như các bản sao gần như hoàn hảo của email và trang web hợp pháp.
Đầu năm nay, một quan chức tài chính của Công ty Arup của Anh ở Hồng Kông bị lừa chuyển 200 triệu đô la Hồng Kông (25,6 triệu USD) cho kẻ lừa đảo sử dụng giọng nói và hình ảnh tổng hợp AI để mạo danh giám đốc tài chính của công ty.
Các email lừa đảo nhắm mục tiêu vào các công ty và doanh nhân. Trong một trường hợp được đưa ra ánh sáng vào tháng trước, giám đốc chi nhánh Hồng Kông của một công ty công nghệ Đức bị lừa chuyển 11 triệu đô la Hồng Kông bằng các email có nội dung đến từ một quan chức cấp cao tại trụ sở chính của tập đoàn.
Ngay cả Gogolook ở Đài Loan cũng không tránh khỏi. Nhân viên của Gogolook thường xuyên là mục tiêu của tội phạm công nghệ cao tự xưng là Jeff Kuo - người đồng sáng lập và CEO của Gogolook - nhà phát triển phần mềm chống gian lận.
Theo CEO của Gogolook, các trường hợp trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các doanh nghiệp châu Á không thể chờ đợi và cần tăng cường phòng thủ ngay bây giờ để giảm nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Dữ liệu khảo sát của Gogolook và Liên minh chống lừa đảo toàn cầu phát hành vào tháng 11/2023 cho thấy, khoảng 40% nạn nhân lừa đảo ở Trung Quốc và Nhật Bản nói do không nhận ra hành vi lừa đảo.
Sự thiếu nhận thức hay không được trang bị tốt về kỹ năng để phát hiện và báo cáo các hoạt động đáng ngờ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động lừa đảo gia tăng. Các doanh nghiệp hoạt động ở châu Á - nơi việc áp dụng kỹ thuật số đang bùng nổ, đặc biệt dễ bị tổn thương trước khoảng cách về kiến thức.
CEO Jeff Kuo khẳng định, việc chống lại làn sóng mới của tội phạm mạng đang gia tăng đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều. Mặc dù phần mềm bảo mật mạnh mẽ và xác thực đa yếu tố là rất quan trọng nhưng sự bảo vệ thực sự bắt đầu từ giáo dục.
Tháng 3/2024, Viện Quản lý Singapore và Viễn thông Singapore triển khai chương trình phòng ngừa lừa đảo trên mạng, cho phép nhân viên lĩnh vực tài chính đối phó với các nỗ lực gian lận phức tạp liên quan đến AI cũng như các phương thức lừa đảo khác bằng cách xác định, ngăn chặn và chống lừa đảo.