Châu Á: Khu vực chịu thiệt hại nặng do lũ lụt

NAM VIỆT 06/10/2020 20:38

(QNO) - Khu vực châu Á rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong đó, mưa lớn kéo theo ngập lụt ngày càng nghiêm trọng nhưng mùa khô cũng kéo dài hơn, gây tổn thất lớn về người và của.

Một trận ngập lụt tại Nam Á. Ảnh: Gettyimage
Một trận ngập lụt tại Nam Á. Ảnh: Gettyimage

Bà Nobiron (54 tuổi) sinh sống gần sông Brahmaputra ở miền Bắc Bangladesh, chứng kiến ​​ngôi nhà cùng tất cả đồ đạc của bà bị phá hủy và cuốn trôi trong trận lũ quét qua khu vực hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Bà nói: “Tôi chưa bao giờ phải chịu mất mát vì lũ lụt như vậy trong cuộc đời mình. Ngôi nhà của tổ tiên tôi đã trôi xuống sông cùng với tất cả thứ mà tôi đã dành dụm được trong cả cuộc đời. Tôi không còn gì cả”.

Bangladesh - nơi từng chứng kiến một phần ba diện tích đất nước bị ngập chìm trong năm nay sau những trận mưa lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Kaiser Rejve - Giám đốc tổ chức nhân đạo CARE Bangladesh cho biết: “Trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường ở nước này tăng lên đáng kể, gây thiệt hại lớn về người và tài sản”.

Không riêng Bangladesh, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này đang diễn ra trên toàn khu vực châu Á. Kể từ tháng 6, lượng mưa cực lớn đã dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi từ Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ đến Ấn Độ khiến hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng.

Cạnh đó, thiên tai gây thiệt hại kinh tế ở châu Á lớn hơn bất kỳ nơi nào khác. Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI), dựa trên dữ liệu của Viện Tài nguyên thế giới cho thấy, hơn 75% nguồn vốn toàn cầu có nguy cơ bị thiệt hại do các trận lũ lụt ven sông trong một năm nhất định, là nằm ở khu vực châu Á.

Cũng theo MGI, các quốc gia đang nổi lên ở khu vực này (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.

Một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications năm ngoái ước tính rằng, 300 triệu người sống ở những nơi có khả năng xảy ra lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra vào năm 2050, với hầu hết những người dễ bị tổn thương ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và ước tính có khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng vào năm 2020. Tổng cộng 53 con sông hiện ở hoặc gần mực nước cao lịch sử và các đập ở lưu vực sông Dương Tử gần hoặc cao hơn sức chưa, gây ra lũ lụt tồi tệ nhất ở miền Nam Trung Quốc kể từ năm 1961.

Trong khi đó, ở Nam Á, 17 triệu người bị ảnh hưởng trong năm nay và tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn do lượng mưa lớn được dự báo nhiều hơn. Sự phát triển của các thành phố và số lượng ngày càng tăng của người châu Á sống dọc theo các bờ biển hoặc sông, có nghĩa là số lượng người dân ở các khu vực dễ bị lũ lụt đã tăng lên.

Hiện nay, hầu hết sự chú ý của toàn cầu về khí hậu tập trung vào giảm nhẹ - cắt giảm phát thải nhà kính để giảm tác động lâu dài của biến đổi khí hậu.

Các quốc gia châu Á đang mở rộng các biện pháp tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, trong đó một số tập trung vào môi trường. Tháng 7 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố chi tiết kế hoạch đầy tham vọng mang tên “Thỏa thuận mới”. Theo đó trực tiếp đầu tư 114.000 tỷ won (94,6 tỷ USD) từ quỹ nhà nước vào năm 2025, nhằm biến Hàn Quốc thành một nước dẫn đầu thế giới với nền kinh tế thải ít khí CO2.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Á: Khu vực chịu thiệt hại nặng do lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO