Châu Á nỗ lực ngăn chặn đà lạm phát

NAM VIỆT 30/05/2022 14:42

(QNO) - Chính phủ nhiều nước châu Á công bố các biện pháp giúp bảo vệ người dân khỏi đợt tăng giá và giảm áp lực đối với nền kinh tế.

 
Một trung tâm mua sắm tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: gettyimage 

Ngày 30.5, Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định điều kiện sống của người dân, bao gồm việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các loại thực phẩm chủ chốt, trong bối cảnh lo ngại rằng áp lực giá cả gia tăng có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 7 thành phần thực phẩm chính như dầu ăn, thịt lợn và bột mì cho đến cuối năm nay, cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhập khẩu cà phê và hạt ca cao cho đến năm 2023, nhằm giúp giảm chi phí nhập khẩu.

Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ không áp thuế giá trị gia tăng đối với thực phẩm chế biến đóng gói, bao gồm kim chi và tương đậu nành, cho đến năm sau.

Ông Yoon In-dae, một quan chức của Bộ Tài chính Hàn Quốc nói: “Lạm phát tăng cao, lãi suất và chi phí nhà ở cũng tăng cao đè nặng lên chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình”.

Tăng trưởng lạm phát tại Hàn Quốc được dự đoán vượt quá 5% trong tháng 5 sau khi tăng 4,8% so với cùng kỳ vào tháng 4, mức tăng nhanh nhất trong hơn 13 năm nay.

Hàn Quốc cũng công bố các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân và giảm thuế liên quan đến tài sản để đảm bảo ổn định nhà ở.

Theo Reuters, nhiều quốc gia châu Á công bố chính sách ngặn chặn đà lạm phát giúp bảo vệ người dân khỏi một số đợt tăng giá, hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực không phải tăng lãi suất nhanh chóng như ở những nơi khác.

Baskoro Santoso, nhân viên phụ trách lĩnh vực quan hệ nhà đầu tư của Công ty sản xuất đồ ăn nhanh Mayora Indah (Indonesia) cho biết: “Chúng tôi không thấy sức mua suy yếu nào. Công ty điều chỉnh giá từ nửa cuối năm ngoái nhưng không thấy nguyên liệu nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong thời gian lễ hội Ramadan". 

Indonesia, quốc gia có lịch sử biến động tài chính và giá cả thay đổi vừa công bố tăng trợ cấp năng lượng thêm 24 tỷ USD để kiềm chế chi phí năng lượng, sau khi vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ gây tranh cãi.

Mặc dù nhiều nhà bán lẻ ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn phải tăng giá, nhưng nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình vẫn mạnh và lạm phát nằm trong biên độ mục tiêu 2 - 4% của ngân hàng trung ương.

Chính phủ Malaysia thông báo họ ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà hàng tháng kể từ tháng 6 cho đến khi giá ổn định, đảm bảo nguồn cung trong nước. 

Ông Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại Capital Economics cho biết, các khoản trợ cấp nhiên liệu nặng và phương tiện giao thông của Malaysia có thể giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm so với lạm phát của nước này, vốn chỉ là 2,3% vào tháng 4.

Tại Thái Lan, lạm phát chỉ mới vi phạm mục tiêu 1 - 3% của ngân hàng trung ương và người đứng đầu ngân hàng cam kết tiếp tục hỗ trợ tiền tệ cho sự phục hồi kinh tế.

Theo triển vọng kinh tế khu vực của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng của châu Á chỉ còn 4,9%, do ảnh hưởng từ sự suy thoái ở Trung Quốc. Lạm phát dự kiến ​​tăng 3,2% trong năm nay, cao hơn 1% so với dự đoán hồi tháng 1. Tuy nhiên, châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và là nguồn quan trọng của tăng trưởng toàn cầu. 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Á nỗ lực ngăn chặn đà lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO