Từ ngày 4.2, hàng trăm quan chức cấp cao đến từ các nước khu vực châu Á có mặt tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) tham dự hội nghị môi trường do Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Cơ quan giám sát chất lượng không khí Clean Air Asia đồng tổ chức nhằm thảo luận hàng loạt các vấn đề liên quan đến việc cắt giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Diễn ra trong suốt một tuần, các đại biểu tham dự tập trung tìm kiếm các biện pháp cắt giảm các chất khí gây ô nhiễm môi trường. Trong đó đặc biệt chú ý đến các chất như các bon đen, khí mê tan, hyđrôflocácbon là những thủ phạm chính làm gia tăng nhiệt độ trái đất và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo thống kê của UNEP, mỗi năm có đến 800 nghìn người trong khu vực châu Á tử vong vì các căn bệnh liên quan đến môi trường bị ô nhiễm. Con số này có thể tăng lên gấp đôi nếu môi trường sống tại khu vực không được cải thiện. Thêm vào đó, Cơ quan giám sát chất lượng không khí Clean Air Asia cho hay, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ tăng lên khi số phương tiện giao thông ở châu Á dự kiến vượt qua con số 1 tỷ vào năm 2035. Việc tiêu thụ năng lượng và khí thải các bon dioxide của châu lục này cũng sẽ tăng 400% so với mức đã được ghi nhận năm 2005. Hơn nữa, nồng độ tập trung các hạt bụi PM10 trong không khí đang tăng trở lại; 7 trong số 10 thành phố ở khu vực châu Á đang phát triển hiện hít thở không khí có hại cho sức khỏe người dân của họ. Bởi PM10 là loại hạt vật chất kích cỡ rất nhỏ (khoảng 10 phần triệu của 1 mét), bay lơ lửng trong không khí, có thể xuyên qua các loại khẩu trang thường để lọt vào và nằm lại trong phổi, gây bệnh cho hệ thống hô hấp.
Nhiều nước khu vực châu Á đang gồng mình gánh chịu thảm họa ô nhiễm môi trường. |
Đơn cử trong những ngày vừa qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã vọt lên mức cao kỷ lục là 755, trong khi mức nguy hiểm là 301-500. Do đó nước này tiếp tục khuyến cáo mọi người nên tránh các hoạt động thể chất ở ngoài trời; những người bị bệnh tim, phổi, người cao tuổi và trẻ em nên ở trong nhà và giảm hoạt động. Theo mạng tin Oil price than đá là một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là một trong những nước có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Chị Anumita Roychowdhury, làm việc tại Tổ chức “Lọc sạch không khí” ở Ấn Độ chia sẻ: “Lượng khí thải quy định ở thủ đô New Delhi hiện nay cao gấp 7 lần so với các nước châu Âu. Theo thống kê, trung bình ở đây cứ 1 tiếng có 1 người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều này rất đáng lo ngại”.
Do vậy, UNEP cho rằng nếu các nước khu vực châu Á khẩn cấp hành động cắt giảm các chất khí gây ô nhiễm môi trường đến năm 2030 sẽ cứu được 2 triệu ca tử vong sinh non do ô nhiễm; sản xuất nông nghiệp có thể tăng thêm 30 triệu tấn lương thực mỗi năm, đồng thời góp phần lớn ngăn chặn sức nóng của trái đất, đem lại lợi ích phát triển kinh tế, xã hội. Các đại biểu thống nhất về các vấn đề phát triển kinh tế bền vững phải song hành với phát triển môi trường nhằm tránh thảm họa trước sự phát triển “quá nóng” của Trung Quốc hiện nay.
Kim Oanh (tổng hợp)