(QNO) - Các nhà khoa học vừa cho biết, sau tháng 4 nóng nhất, châu Á lại chuẩn bị cho nền nhiệt tăng cao khi El Nino dự kiến xuất hiện trở lại.
Khi EL Nino trở lại
Bà Ika Krishnayanti thuộc Hiệp hội Nông dân Indonesia nhớ rất rõ lần cuối cùng những trận cháy rừng nghiêm trọng gây chết người càn quét Indonesia vào năm 2015.
Sau đó, hơn 100 nghìn ca tử vong sớm tại Indonesia liên quan đến cháy rừng. Khói gây nhiều thiệt hại cũng bao phủ sang các nước láng giềng Malaysia và Singapore.
Năm đó, các quốc gia bao gồm Indonesia đối mặt với kiểu khí hậu gọi là El Nino - kéo dài mùa khô hạn. Những tác động trở nên tồi tệ hơn khi thế giới ấm lên và khí hậu thay đổi.
Bà Ika Krishnayanti nói: "Năm nay, nếu El Nino đến, Indonesia cần phải chuẩn bị nghiêm túc vì tác hại có thể xảy ra một lần nữa đối với rừng và nông nghiệp".
Tháng 4 vừa qua, nhiệt độ lên tới mức thiêu đốt 50 độ C ở các vùng của Thái Lan. Tại Ấn Độ, nhiều người thiệt mạng vì say nắng. Tại Trung Quốc, gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng năm 2022, hơn 100 trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.
Tháng 4 nóng nhất châu Á
Trên toàn cầu, 8 năm qua là kỷ lục nóng nhất được ghi nhận, thời tiết cực đoan trở nên phổ biến hơn cả về tần suất và cường độ khi biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục.
Tiến sĩ Wang Jingyu - chuyên gia nghiên cứu mô hình khí hậu và tương tác đất - khí quyển tại Viện Giáo dục quốc gia Singapore cho biết tháng trước là "tháng 4 nóng nhất ở châu Á".
Ông Wang Jingyu cho rằng, sức nóng dữ dội là do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại và những tác động của nó: lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.
Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hiệp quốc dự báo El Nino sẽ xuất hiện vào tháng 10 năm nay, nhưng có thể phát triển ngay sau tháng 7.
Tháng 4/2023, nhiệt độ tại một số quận ở Malaysia vọt lên 40 độ C. Thành phố di sản Luang Prabang của Lào ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 42,7 độ. Nhiệt độ tăng lên khoảng 45 độ ở Myanmar. Còn Bangladesh báo cáo về việc mặt đường tan chảy dưới sức nóng chói chang ở thủ đô Dhaka.
Ở Ấn Độ, chính quyền nhiều bang đóng cửa trường học, học sinh ở nhà để tránh đau đầu và mệt mỏi.
Ông Benjamin Horton - Giám đốc Đài quan sát trái đất Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang lý giải: "Các hoạt động của con người bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các thay đổi sử dụng đất khác gây ra khủng hoảng khí hậu, hành tinh nóng lên".
Nỗi lo thiếu nước và nguy cơ cháy rừng
Tại Philippines, các cơ quan chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước tiềm ẩn do El Nino gây ra để tránh lặp lại năm 2019, khi đó khoảng 10 nghìn hộ gia đình ở khu vực Metro Manila thiếu nước do mực nước trong các hồ chứa chính của thủ đô chạm mức thấp lịch sử.
Tháng trước, Thái Lan kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Malaysia gieo mây trên Penang nhằm bổ sung nguồn cung cấp nước cho các đập khô cạn của hòn đảo.
Ấn Độ lo ngại tình trạng thiếu hụt nước ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của đất nước 1,4 tỷ người dân.
Các nhà chức trách Indonesia cho biết các phương pháp đốt nương làm rẫy sẽ không được chấp nhận trong bối cảnh thời tiết khô hạn của năm nay, kêu gọi nông dân và các công ty đồn điền đề phòng hỏa hoạn trước sự kiện El Nino.
[VIDEO] - Nắng nóng bao trùm nhiều nơi trên thế giới bao gồm châu Á (nguồn AP):