(QNO) - Châu Á vừa trở thành khu vực thứ hai trên thế giới có hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19, chỉ sau Mỹ La tinh.
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, châu Á chiếm khoảng 1/4 trong tổng số gần 43 triệu người nhiễm vi rút corona mới trên toàn cầu đến nay. Với hơn 163 nghìn người tử vong, khu vực chiếm khoảng 14% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai và là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại khu vực châu Á, chiếm gần 21% số ca nhiễm và 12% số ca tử vong toàn cầu. Trung bình mỗi ngày, Ấn Độ báo cáo khoảng 57 nghìn trường hợp nhiễm với hơn 700 ca tử vong.
Nước láng giềng Ấn Độ - Bangladesh là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu Á với gần 400 nghìn trường hợp mắc corona. Nhưng số ca lây nhiễm hằng ngày hiện giảm xuống còn khoảng 1.450 trường hợp, ít hơn 40% so với mức cao nhất của tháng 7 vừa qua.
Dẫu vậy, châu Á được đánh giá là khu vực có sự cải thiện trong việc xử lý đại dịch trong những tuần gần đây. Minh chứng là số ca nhiễm mới Covid-19 tăng chậm lại ở Ấn Độ và nhiều nơi khác trong khu vực từng là điểm nóng như Trung Quốc (nơi bùng phát đại dịch Covid-19) và Nhật Bản...
Điều này trái ngược hẳn với sự hồi sinh dịch Covid-19 đang được thấy ở châu Âu và Bắc Mỹ. Châu Âu trở thành khu vực thứ hai vượt qua 250 nghìn ca tử vong khi làn sóng Covid-19 thứ hai đang tấn công khu vực này. Như vậy, châu Âu chiếm gần 19% số ca tử vong và khoảng 22% số ca nhiễm bệnh toàn cầu, theo một thống kê của Reuters.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (khoảng 8,9 triệu) và tử vong do Covid-19 (hơn 230 nghìn).
Ở Đông Nam Á, Indonesia vượt qua Philippines vào tuần trước để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 370 nghìn ca nhiễm bao gồm 7.000 ca tử vong đến nay.
Trong khi đó, với việc đất nước đăng cai tổ chức U20 World Cup vào năm tới, Chính phủ Indonesia đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung vắc xin - vẫn đang được phát triển.
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đáng lo ngại ở châu Á, một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng, châu Âu và Bắc Mỹ nên noi gương các quốc gia châu Á trong việc kiên trì với các biện pháp chống Covid-19.
Ông Mike Ryan - người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của cơ quan Liên hiệp quốc cho biết, số người tử vong trên toàn cầu do Covid-19 có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu người trước khi thế giới có một loại vắc xin thành công được sử dụng rộng rãi, và có thể cao hơn nữa nếu không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch.