Châu Amaravati ở xứ Quảng

TRẦN KỲ PHƯƠNG 20/06/2015 10:13

Địa danh Amaravati xuất hiện trong văn khắc Chàm vào cuối thế kỷ 11 (1081) để chỉ vùng đất bao gồm Quảng Nam và Đà Nẵng ngày nay với hai cửa biển lớn là Cửa Đại và Cửa Hàn. Amaravati được xem là trung tâm của vương quốc Chăm-pa trong nhiều thế kỷ, nơi sở hữu một cảng-thị sầm uất trên “con đường tơ lụa trên biển” là Đại Chiêm Hải Khẩu.

Đế chế Chola và mối quan hệ Nam Ấn-Chăm-pa

Mối quan hệ hải thương giữa tiểu lục địa Ấn Độ/Nam Ấn và miền Trung Việt Nam/Chăm-pa đã xảy ra từ các thế kỷ đầu Công nguyên. Văn hóa nghệ thuật Nam Ấn đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Chăm-pa trong nhiều thế kỷ; chẳng hạn niên đại dùng trong văn bia Chăm-pa từ thế kỷ 7 tính theo lịch Saka của Nam Ấn; những pho tượng Phật bằng đồng sớm nhất của Chăm-pa tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam), thế kỷ 8-9, thuộc trường phái Amaravati hoặc Andhnapura cũng xuất xứ từ Nam Ấn. Đặc biệt, vào thế kỷ 11 khi đế chế Chola kiểm soát con đường hải thương nối liền Nam Ấn và Đông Nam Á trải dài cho đến vùng Hoa Nam thì mối quan hệ hải thương giữa thương nhân Tamil và cảng-thị Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến rất thịnh đạt. Họ đã xây dựng nhiều ngôi đền Ấn giáo tại Tuyền Châu từ thế kỷ 11 - 13 để phục vụ cho cộng đồng thương nhân Tamil và cho các tín đồ Ấn Độ giáo sinh sống tại đây, mà ngày nay vẫn còn hơn 300 vết tích của kiến trúc và điêu khắc Hindu tồn tại ở cảng-thị này. Trong bối cảnh đó, các cảng-thị Chăm-pa đương thời chắc hẳn phải đóng một vai trò quan trọng ở vị trí trung chuyển trên tuyến hàng hải nhộn nhịp nối liền giữa hai vùng đất.

Một ngôi đền Hindu bằng đá ong tại thung lũng Bujang, bang Kedah, Malaysia, thế kỷ 11-12.
Một ngôi đền Hindu bằng đá ong tại thung lũng Bujang, bang Kedah, Malaysia, thế kỷ 11-12.

Đền-tháp Ấn giáo và Phật giáo của Chăm-pa được xây dựng để thể hiện quyền lực của hoàng gia và để thu hút sự chiêm bái của thương nhân quốc tế trên hải trình từ Nam Á cho đến Đông Á. Ngọn núi thiêng Mahaparvata/Hòn Đền của Mỹ Sơn được ngưỡng vọng từ xa trên một vùng biển rộng từ Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm và Hội An, đó là cột mốc của tiểu quốc Amaravati Chăm-pa đối với các nhà du hành ven biển.

Những hoạt động tôn giáo của thương nhân Tamil đã tạo nên những ảnh hưởng văn hóa sâu sắc đến các vương quốc Đông Nam Á đương thời, kể cả Chăm-pa. Theo những ghi chép của Mã Hoan trong sách Doanh Nhai Thắng Lãm (Khảo sát tổng quát các bờ đại dương; được soạn thảo khoảng năm 1434) cho biết rằng vua Chăm-pa đương thời là người Chola hoặc thuộc dòng dõi Ấn Độ.

Đài thờ thể hiện bốn con voi trước một tòa sen bố cục bằng các đường kỷ hà; loại đài thờ này phổ biến trong nghệ thuật Chàm vào thế kỷ 11-12. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm-pa, Trà Kiệu, Duy Xuyên.
Đài thờ thể hiện bốn con voi trước một tòa sen bố cục bằng các đường kỷ hà; loại đài thờ này phổ biến trong nghệ thuật Chàm vào thế kỷ 11-12. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm-pa, Trà Kiệu, Duy Xuyên.

Giữa con đường giao thương    

Để tạo dựng những công trình tôn giáo quy mô rất tốn kém trong khắp vương quốc, các vương triều Chăm-pa có thể đã nhận được sự cúng dường rộng rãi của tầng lớp quý tộc và thương nhân nước ngoài lưu trú tại các cảng-thị của vương quốc này. Gần đây, những phát hiện tại nhóm tháp G của Mỹ Sơn đã cung cấp những chứng cứ để tìm hiểu về việc cúng dường tôn tạo đền đài Ấn giáo của Chăm-pa.

Trong các cuộc khai quật để phục vụ trùng tu tại nhóm tháp G của Mỹ Sơn, các chuyên gia người Ý đã phát hiện được 3 viên gạch-trang-trí-góc-tháp có khắc ký tự chữ Hán là “Trần” (陳); những viên gạch này hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn. Chữ “Trần” này có nhiều khả năng là tính danh của một thương nhân Hoa kiều lưu trú tại Champapura (Đại Chiêm Hải Khẩu/Chiêm Thành [?]), người đã cúng dường để góp phần xây dựng ngôi đền quốc gia của vua Jaya Harivarman. Việc cúng dường để xây dựng ngôi đền chính của nhà vua tại thánh đô của vương quốc cũng chính là để thể hiện uy tín của các thương nhân ngoại quốc đối với cộng đồng của họ. Tại các cảng-thị của Chăm-pa từng có nhiều cộng đồng thương nhân nước ngoài sinh sống, trong đó thương nhân Hoa kiều có thể đã đóng một vai trò đáng kể. Điều này có thể được khẳng định thêm khi mà nhóm tháp Mỹ Sơn G được xây dựng vào giữa thế kỷ 12 (1157/8), đây chính là thời kỳ sôi nổi của hoạt động giao thương giữa hai miền Hoa Nam và Nam Ấn, mà Chăm-pa là một trung tâm chuyển tiếp. Theo các nhà nghiên cứu, những thương nhân nước ngoài sinh sống tại các cảng-thị lớn của Chăm-pa có thể bao gồm người Ả Rập, Tamil, Bắc Ấn, Trung Hoa, Mã Lai, Khmer, Việt… cho nên tiếng Chăm đã tiếp thu nhiều từ vựng của các ngôn ngữ này.

Đài thờ duy nhất bằng sa thạch có bố cục vuông thể hiện tòa sen bằng những đường kỷ hà, phát hiện tại thung lũng Bujang, bang Kedah, Malaysia, thế kỷ 11.  Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG
Đài thờ duy nhất bằng sa thạch có bố cục vuông thể hiện tòa sen bằng những đường kỷ hà, phát hiện tại thung lũng Bujang, bang Kedah, Malaysia, thế kỷ 11. Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG

Năm 2006, tôi đã có dịp đến khảo sát tại di tích thung lũng Bujang thuộc bang Kedah ở phía tây-bắc bán đảo Malaysia. Đây là một di tích Ấn giáo và Phật giáo phong phú nhất của Malaysia được phát triển trong nhiều thế kỷ, từ thế kỷ 8 - 13. Di tích này tọa lạc ở một cửa sông lớn giữ vai trò của một cảng-thị trọng yếu trên những tuyến hải thương ở Ấn Độ Dương; vào năm 1025, vua Chola Rajendra I đã từng chinh phục cảng-thị này và đặt tên cho nó là Kadaram (Kedah). Tại đây, tôi đã nghiên cứu một đài thờ vuông bằng sa thạch có bố cục và trang trí tương tự nhiều tác phẩm điêu khắc của Chăm-pa trong thế kỷ 11-12. Loại đài thờ này thể hiện một tòa sen cách điệu bằng nhiều đường gờ, chỉ xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật Chàm vào thế kỷ 11-12, mà tiêu biểu là Đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu (Trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng), Đài thờ bốn con voi Duy Trinh (Trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm-pa tại Trà Kiệu); một số đế-tháp bằng sa thạch bố cục tòa sen của các nhóm tháp Mỹ Sơn. Những đài thờ vuông hình tòa sen của thung lũng Bujang và của Chăm-pa đã nêu trên là chứng cứ sinh động cho mối quan hệ nghệ thuật trong vùng Đông Nam Á thông qua ảnh hưởng nghệ thuật của Chola.

Châu Amaravati và vai trò trung chuyển

Một sự kiện kinh tế lớn đã xảy ra vào đầu thế kỷ 11 đã khuếch trương mối quan hệ hải thương giữa hai miền Nam Ấn và Hoa Nam, đó là chính sách tài chính tân tiến và kỹ nghệ đúc tiền đồng cùng với chính sách hải thương cởi mở của triều Nam Tống (1127-1279). Tất cả đã ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thương mại toàn vùng Đông Nam Á mà trực tiếp là Chăm-pa, vốn là cơ sở trao đổi hàng hóa cao cấp gần gũi nhất với vùng Hoa Nam. Nhờ là trung gian lớn trong mối quan hệ hải thương đó, và phát huy được tối đa lợi thế của hệ thống cảng-thị ven biển như những trạm trung chuyển hàng hóa và cung cấp các mặt hàng lâm sản quý cho thị trường quốc tế cho nên trong thời kỳ này nền kinh tế Chăm-pa rất thịnh đạt; nhờ đó, kỹ thuật xây dựng đền-tháp Chàm được cải thiện hoàn hảo dưới ảnh hưởng nghệ thuật của Chola, điều này được chứng minh bởi các nhóm đền-tháp Ấn giáo to lớn xây dựng tại châu Amaravati Chăm-pa, như các tháp Mỹ Sơn B1, C1, D2, E4, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An…

Một hiện tượng đáng ngạc nhiên, là mặc dù những yếu tố ảnh hưởng của nghệ thuật Chola đã xuất hiện trong nghệ thuật Chàm vào các thế kỷ 11-13 nhưng cho đến nay vẫn chưa có một minh văn nào bằng tiếng Tamil được phát hiện trong lãnh thổ Chăm-pa; trong khi đã có nhiều minh văn của ngôn ngữ này được tìm thấy tại hầu hết vương quốc cổ ở Đông Nam Á và ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Vào giữa thập niên 1990, đoàn nghiên cứu của giáo sư Noboru Karashima, gồm nhiều chuyên gia về ngôn ngữ và văn tự Tamil thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản, đã đến khảo sát tại miền Trung Việt Nam để tìm kiếm các văn bia Tamil, nhưng lúc đó ông chưa tìm được một tiêu bản nào. Có thể kỳ vọng rằng trong tương lai, những phát hiện mới về khảo cổ học Chăm-pa sẽ bao gồm những minh văn bằng tiếng Tamil để góp phần làm sáng tỏ hơn mối quan hệ Chola - Chăm-pa vào thế kỷ 11-13 khi nó đóng một vai trò tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vương quốc Chăm-pa đương thời: vai trò trung chuyển trên tuyến hàng hải nối liền Hoa Nam và Nam Ấn.

TRẦN KỲ PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Amaravati ở xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO