Châu Âu ngăn chặn lãng phí thực phẩm

NAM VIỆT 26/02/2016 10:26

Một số quốc gia châu Âu vừa có bước đi đầu tiên trong việc ngăn ngừa lãng phí thực phẩm.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, mỗi năm thế giới thải ra hàng trăm triệu tấn thực phẩm, gây ra lãng phí 400 tỷ USD, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đa số các loại thực phẩm này như rau, hoa quả, thịt, cá không được bảo quản đúng cách, phung phí hay hết hạn sử dụng. Còn tại các nước kém phát triển như ở châu Phi, tình trạng lãng phí phần lớn xảy ra ở quá trình sản xuất và chế biến do thiếu công nghệ và cơ sở hạ tầng sản xuất thực phẩm một cách hiệu quả. Riêng tại châu Âu, thực phẩm bị lãng phí hàng chục triệu tấn mỗi năm, trong đó một khối lượng lớn có thể tránh được nếu người tiêu dùng cẩn thận hơn.

Để tránh tình trạng lãng phí trên, Chính phủ Đan Mạch vừa cho phép khai trương WeFood tại thủ đô Copenhaghen - siêu thị đầu tiên tại đây hay đầu tiên trên thế giới bán thực phẩm thừa do gần hết hạn sử dụng hoặc bao bì đựng thực phẩm bị hư hỏng, do tổ chức từ thiện Folkekirkens Nødhjælp tài trợ. Per Bjerre - người đại diện của Folkekirkens Nødhjælp cho rằng, WeFood không những là nơi dành cho những người có thu nhập thấp bởi các mặt hàng được giảm giá 30 - 50%, qua đó còn nhắc nhở mọi người quan tâm hơn đến vấn đề lãng phí thực phẩm.

Công chúa Đan Mạch Marie dự buổi khai trương WeFood. (Ảnh: yournewswire)
Công chúa Đan Mạch Marie dự buổi khai trương WeFood. (Ảnh: yournewswire)

Ngày đầu tiên khai trương, WeFood đã có hàng trăm khách đến mua hàng. WeFood cung cấp đa dạng các mặt hàng bao gồm bánh mì, rau quả, sữa, thịt, các loại thực phẩm đông lạnh hay khô. Điều đặc biệt là WeFood được vận hành bởi các tình nguyện viên và số tiền lãi thu được từ siêu thị sẽ được phục vụ cho các hoạt động từ thiện tại các nơi nghèo nhất thế giới. WeFood cho biết đã ký hợp đồng thu mua các sản phẩm như bánh mì (từ hãng Fotex - một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Đan Mạch), các công ty nhập khẩu trái cây họ cam quýt, thịt tươi, hạt hữu cơ...

Tại Pháp - nơi ước tính mỗi người dân vứt đi 20 - 30kg thực phẩm dư thừa mỗi năm, trong đó có 7kg là vẫn còn đóng nguyên bao bì, gây thiệt hại khoảng 500 euro trên một đầu người mỗi năm. Tại những cơ sở sản xuất thực phẩm chuyên nghiệp, hơn 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra đã bị vứt bỏ hay lãng phí, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện bảo quản, vận chuyển hay chế biến tại chỗ. Để giải quyết thực trạng này, Pháp vừa thông qua điều luật đã được ký giữa các bên ràng buộc các nhà phân phối lớn phải thu nhặt các sản phẩm không bán hết được nếu như không muốn bị phạt và yêu cầu các cửa hàng, siêu thị ủng hộ thực phẩm thừa còn sử dụng được cho tổ chức từ thiện. Còn tại Anh, một nước được xem là “phí phạm” thực phẩm nhất trong liên minh châu Âu, theo Tổ chức Công nhận trách nhiệm sản xuất toàn cầu, chỉ tính riêng chi phí dành cho thức ăn lãng phí trong lĩnh vực khách sạn và dịch vụ ăn uống của Vương quốc Anh được dự đoán lên tới 3 tỷ bảng Anh vào năm 2016. Chính phủ Anh đang tính đến việc ban hành các quy định nhằm chống lãng phí thực phẩm một cách hiệu quả hơn. Từ năm 2014, Liên minh châu Âu đề xuất bỏ nhãn ghi hạn trên một số sản phẩm còn có thể sử dụng được.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người tiêu thụ nên thay đổi thái độ mua sắm. Chính việc mua trữ quá nhiều thực phẩm, bị dụ dỗ bởi các chương trình khuyến mãi và ít khi chú ý đến hạn sử dụng tối đa cũng đã dẫn đến việc vứt thực phẩm vào trong sọt rác.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Âu ngăn chặn lãng phí thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO