Châu Âu trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu

QUỐC HƯNG 12/07/2021 17:08

(QNO) - Việc tăng diện tích rừng có thể làm tăng lượng mưa mùa hè, giảm thiểu một số tác động do hiện tượng ấm lên toàn cầu bao gồm hạn hán như tại châu Âu.

Châu Âu lên kế hoạch trồng 3 tỷ cây xanh vào năm 2030. Ảnh: pinterest
Châu Âu có kế hoạch trồng 3 tỷ cây xanh vào năm 2030. Ảnh: Pinterest

Một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience cho biết, rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vì rừng hấp thụ khí thải CO2, giảm nguy cơ lũ lụt, xói mòn đất, tăng đa dạng sinh học cũng như có thể làm tăng đáng kể lượng mưa và giúp chống lại hạn hán.

Theo Liên minh châu Âu (EU), rừng bao phủ 37,7% diện tích đất của khu vực. Các quốc gia có diện tích rừng lớn nhất phải kể đến Thụy Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong tổng số 14,4% bề mặt đất ở châu Âu - lớn hơn diện tích của Pháp - thích hợp cho việc tái trồng rừng, tập trung ở quần đảo Anh, miền Tây và miền Nam nước Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Đông Âu.

Để xác định vùng đất nào phù hợp, các nhà nghiên cứu đã sử dụng “bản đồ tiềm năng tái trồng rừng toàn cầu”, trong đó có xem xét các biện pháp bảo vệ bền vững, chỉ bao gồm các khu vực mà việc trồng rừng sẽ không đe dọa đến an ninh lương thực cũng như ngành trồng cây lấy sợi…

Bên cạnh đó, tái tạo rừng ở một khu vực đòi hỏi phải có kế hoạch chỉn chu, bởi cây cối không chỉ mất nhiều thập kỷ để phát triển, mà còn ảnh hưởng đến lượng mưa ở vùng khác. Như việc tái trồng rừng ồ ạt cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tiềm tàng, làm gia tăng thêm lượng mưa do biến đổi khí hậu gây ra ở khu vực Đại Tây Dương.

Ông Ronny Meier thuộc Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH Zürich), tác giả chính của nghiên cứu giải thích, một yếu tố khác được xem xét trong việc tái trồng rừng là loài cây được trồng, liệu chúng có chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững hay không.

“Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào lợi ích của việc tái trồng rừng và khuyến khích các nhà hoạch định chính sách theo đuổi. Ngoài ra, nghiên cứu cũng kêu gọi bảo tồn những khu rừng mà chúng ta đang có” - ông Ronny Meier nói.

Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu cho biết, 2020 là năm mà khu vực ghi nhận nóng nhất cho đến nay khi nhiệt độ trái đất đang dần nóng lên. 

Tạp chí Nature Geoscience cũng công bố nghiên cứu mới cho biết các đợt hạn hán mùa hè gần đây tại châu Âu đã ở mức nghiêm trọng nhất trong hơn 2.000 năm qua tại khu vực này,

Ước tính, thiệt hại mất mùa do nắng nóng và hạn hán đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua tại châu Âu và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này đang trở nên thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Âu trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO